Ông gọi vào, gấp gáp: “Tôi ra Quảng Ngãi một chuyến anh ạ. Vùng này, lội nát nước, không đâu có chợ Ông Bố. Đấy tuồng như là cái tên ngoài Quảng Ngãi. Trúng trật gì, cứ đi, khắc biết”.
Tôi hình dung người đàn ông tầm thước, rắn rỏi, tóc tai bơ phờ lần nữa lại chằng buộc xe pháo, tất tả “tái khởi động” lộ trình tình nghĩa.
Ông là Lê Xuân Hải ở thôn Phụng Du, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định, cựu thanh niên xung phong (TNXP) mà tôi, trong vai trò “bắc cầu”, từng tìm đến do nhận một lời ủy thác.
Ông Hải trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hoài Hảo. |
Chàng trai... U.70
Từ Hà Nội, đồng nghiệp cùng cơ quan “chuyển tiếp” cho tôi tâm nguyện đau đáu từ một gia đình. Manh mối không lấy gì nhiều nhặn, chỉ mấy thông tin chắp vá lúc lâm chung của một thương binh mang di chứng chiến tranh quá nặng cùng mách bảo mơ hồ từ đồng đội cũ của ông.
Giai đoạn 1967-1973, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam B.V.Ng - quê xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ) - hoạt động trong vùng tạm chiếm bắc Hoài Nhơn. Ông Ng. lấy một phụ nữ địa phương, sinh hai người con, đặt tên Ngự, Nghị. Năm 1973, bị thương nặng, người lính được chuyển ra Bắc điều trị.
Phải 3 năm sau, ông mới lờ mờ nhớ ra quê hương bản quán. Gần Tết 1996, được dẫn dắt bởi tiếng gọi nội tâm dữ dội nào đó, ông Ng. đang điều trị, an dưỡng ở trại thương binh Phủ Lý, một mình quày quả vào Nam. Trở ra, giữa những cơn mê man thảng thốt, ông nói người vợ thời khói lửa đạn bom đã đi thêm bước nữa, sinh con đẻ cái, không muốn đời mình xáo trộn, nên giấu thân phận, tung tích con ông.
Trước khi trút hơi thở cuối cùng hồi 2012, ông dặn dò người ở lại tiếp tục kiếm tìm, để những đứa con ly tán có cơ hội “biết anh, biết em”. Gia đình có lần lặn lội vô Bình Định, nhưng chỉ là cuộc dò dẫm bất thành.
Chi tiết “sáng” nhất trong thư “tìm người nhà” là dòng chữ viết tay: Xã Hoài Hảo, gần ga Tam Quan. Riêng địa danh Ông Bố thì khi tôi lần hồi mai mối, hai bên trao đi đổi lại, ông Hải mới được bổ sung.
Cho dù kết quả ra sao, gõ cửa ông Hải vẫn là lựa chọn khả thi số một. Không phải tôi ngại ngần hay hao khuyết lòng tin nơi “cơ quan chức năng”. Ngoài cách bức thủ tục không thể không có, còn lý do khác: Những người gồng gánh trách nhiệm hỗ trợ giải quyết chính sách còn quá trẻ để lưu giữ, kết nối ký ức, dữ liệu về lịch sử quê nhà đã qua nửa thế kỷ.
Quan trọng hơn, cái tâm thế thường trực sẵn sàng nơi vị Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong xã Hoài Hải, với phần việc có tên và không tên liên quan tới nghĩa tình đồng đội, mặc nhiên là một yếu tố có giá trị bảo chứng.
Ông Hải là nhân chứng sống, từng vào sinh ra tử trên mảnh đất mệnh danh “thành đồng khu 5”. Đường ngang ngõ tắt, lên rừng xuống biển, ông thông thuộc như lòng bàn tay. Y như rằng, đọc mẩu tin ngắn ngủi xong, ông liền bật dậy, giọng chắc bắp: “Nếu thông tin chính xác, tôi nhất định tìm ra”.
Có một ngọn lửa ngụt cháy bên trong ông Lê Xuân Hải, bất chấp độ tuổi 64 thường hay trái gió trở trời. Khoan kể chuyện ông ăn cơm nhà vác tù và thiên hạ nhẹ nhàng, phơi phới như không, chỉ riêng cái cách ông phóng xe máy 5 tiếng đồng hồ vượt chặng đường gần 300 cây số lên Pleiku thăm con trai ở một đơn vị quân đội đã đủ gây kinh ngạc. Ông là vậy, luôn sôi sục, chực chờ bùng nổ.
Năm 1969, tròn 16 tuổi - chàng trai độc nhất của một gia đình nông dân thôn Phụng Du - theo chân cha, bước vào con đường cách mạng. Hoài Hảo là vùng “xôi đậu”, ngày địch đêm ta. Chiều sập xuống, cậu học trò trường làng Lê Xuân Hải lại tha thẩn làng trên xóm dưới, có lúc thọc ra quốc lộ 1, tham gia xóa khẩu hiệu “chống Cộng”, gỡ cờ ba que hay đặt cành cây, chiếc nón cắt đôi, đánh dấu địa điểm mất an ninh cho các cô, các chú.
Năm 1972 thì Hải lên chiến khu, “sau nhiều lần năn nỉ, ỉ ôi anh Diệu, anh Hảo, anh Huỳnh Tiến”, những cán bộ lãnh đạo kháng chiến địa phương. Tại Ban Giao vận (Giao thông - Vận tải) Bình Định, ông làm y tá hành lang, chỉ huy vận chuyển, áp tải máy móc, vật tư, lương thực, thuốc men xuyên qua đồn bốt, pháo sáng, hàng rào kẽm gai, trèo đèo lội suối từ đồng bằng lên căn cứ giữa đại ngàn Hoài Ân, An Lão.
Có đợt, nhóm ông “kéo” nguyên chiếc xe Jeep cơ sở móc nối mua được từ viên Chi khu trưởng Cảnh sát Phù Cát. “Dọc dài hành lang chiến tranh từ Bình Đê đến đèo Phú Cũ, quân đội Sài Gòn đồn trú dày đặc. Đụng độ như cơm bữa. Đêm 11.11 Quý Sửu (1973, ông Hải quen tính theo âm lịch), chúng tôi lọt vào ổ phục kích ở ao Ông Báu, thôn Tân Thạnh.
Đi 7 về 6, Nguyễn Văn Hạnh, quê Hoài Sơn, hy sinh, không lấy được xác. Hạnh 20 tuổi ngã xuống trước ngày kết nạp Đảng” - ông ngậm ngùi hồi tưởng. Cái chết của người bạn thân thiết đeo bám như một mối ám ảnh.
Ông thành thực: “Hạnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, chỉ còn chị gái. Một lần lên Hoài Sơn, nghe bà ước ao tấm di ảnh em trai để thờ phụng, hương khói, tôi gần như bị sốc. Bao nhiêu năm tháng vô tình, tôi biết phải sửa chữa ra sao khi còn hơi sức”.
Xương cốt liệt sĩ Hạnh lẩn khuất đâu đây, ông Hải bảo, vẫn là món nợ lửng lơ, canh cánh, một ngày chưa trả chưa yên.
Giáp Tết lên rừng tìm đồng đội
27 tháng Chạp năm Ất Mùi (2015), người vợ lọ mọ dậy sớm nấu cơm, thêm vài lon đậu phộng làm lương khô, tiễn chồng rời nhà đi tìm đồng đội. Điểm đến của ông là rừng núi An Hưng, An Lão, nơi trạm xá cánh bắc Ban Giao vận Bình Định đứng chân.
“Không phải cắt cớ chọn lúc năm cùng tháng tận mà do thất bại hai lần rồi. Mùa mưa, cách núi cách sông, địa vật, địa hình đổi thay, biến dạng. Lần này, chẳng hiểu sao tôi có linh tính thành công” - ông Hải phân bua.
Tới An Hưng 12 giờ trưa, vị khách tràn trề khí thế tự bỏ tiền túi, thuyết phục bằng được “thổ địa” Đinh Nái đang sửa sọan mổ heo cúng Tết làm bạn đồng hành. Họ lội bộ, băng rừng 15 cây số thì phát hiện dấu bếp Hoàng Cầm, lán trại thương binh, khu nhà ở cán bộ... Giữa Trường Sơn mênh mông - ông Hải đứng khóc.
Những hình ảnh quen thuộc hiện về, khu vực liệt sĩ Lê Minh Viện (Thái Thụy, Thái Bình) nằm xuống được đánh dấu. Câu chuyện phảng phất chút sắc màu huyền hoặc: “Sau Tết mới bắt tay quy tập. Phải dò tìm vì lần tiền trạm chỉ nhận diện hình thế cơ bản, phạm vi rộng. Đột nhiên, 3 người trong đoàn bật khóc như mưa như gió. Một cán bộ chính sách huyện đội. Một y tá cũ Ban Giao vận. Người cuối cùng, em con chú ruột anh Viện vừa nức nở, vừa nhào lên phía trước. Xương cốt liệt sĩ đoàn tụ với thân nhân bằng cách lạ lùng như thế”.
Nhà sát Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hoài Hảo, dăm bữa nửa tháng, ông Hải lại ra bên đồng chí, đồng đội thuở nào. Dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ... ông trang trọng trong sắc phục truyền thống màu lá rừng, đầu đội mũ tai bèo, lân la thắp hương những dãy mộ phần ngay hàng, thẳng lối. Nhiều gia đình ngoài bắc, trong nam trên hành trình tìm kiếm hài cốt con em, đến “trạm dừng” Hoài Hảo gặp ông. Chưa một lần ông Hải từ chối sự cậy nhờ, gửi gắm. “Lành lặn, sống sót sau bao nhiêu mưa bom bão đạn là đã may, đã... lãi lắm rồi” - ông tâm sự.
Nhiều cựu TNXP đang sống với “thời gian hai chiều” như ông Hải, chiều cơm áo gạo tiền thường nhật và chiều quay quắt cùng “tồn đọng chiến tranh”. Ông Trương Thanh Kha, nhiều năm là Chủ tịch Hội Cựu TNXP Bình Định cho biết, trong số 150 người hy sinh giai đoạn 1968-1975, hiện còn 62 trường hợp chưa tìm thấy hài cốt, 11 trường hợp chờ được công nhận liệt sĩ. Đã có 550 người hưởng chế độ thương binh nhưng cũng còn 110 trường hợp thuộc diện hồ sơ tồn đọng. Cho đến nay, những người một thời nằm gai nếm mật, phá đá mở đường đã vận động, quyên góp, trao tặng 70 ngôi nhà nghĩa tình đồng đội, hàng trăm sổ tiết kiệm cho số bạn bè khó khăn, đơn chiếc... |
Ngoài các đợt kiếm tìm, quy tập do Hội cựu Thanh niên xung phong Bình Định tổ chức mà ông thường được “ưu tiên trưng dụng” do rành rẽ nước bước đường đi, do kinh nghiệm, “tay nghề” thuần thục, còn lại ông lầm lụi “một mình, một ngựa”.
Nhiều trường hợp ở Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, qua nỗ lực cá nhân ông, đã không còn âm dương cách trở. Gần nhất, năm 2016, ông phát hiện, giúp cất bốc hài cốt liệt sĩ Hoàng Minh Khoa (Vĩnh Phúc). Năm nay, song song cuộc lần tìm Nghị, Ngự, ông theo đuổi việc “giải mã” nơi chôn cất liệt sĩ Mai Văn Chát - chiến sĩ sư đoàn 3 Sao Vàng, quê Bắc Giang. Có người xong việc đi luôn, có người quấn quýt níu kéo như duyên phận giữa đời, thư đi tin lại.
Cũng có trường hợp cất công tái hồi, mong “đền ơn đáp nghĩa”, ông trước sau đều khẳng khái lắc đầu. Tựa hôm nghe tin ông định ra Quảng Ngãi, cô bạn dè dặt ngỏ ý muốn “góp chút lộ phí, xăng xe”, tôi tình thiệt báo ra, liền bị ông gạt phắt: “Mười mấy năm nay, tôi lấy đồng xu cắt bạc của ai đâu?”.
Xuân Nhàn/laodong