Phóng sự - Ký sự

Ngóng lục bình trôi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những người nông dân sống ở 2 bên bờ sông Châu Đốc dậy thật sớm với nét trầm tư là nỗi mong chờ tiếng ì oạp của nước. Các lão nông than thở “nước yếu xìu, cha sanh mẹ đẻ tới giờ tui mới thấy chuyện kỳ cục như vầy”.
Ngộ quá, hổng có nước!
Trong những quán cà phê thấp ngang đầu người, lợp tôn đen xỉn, nằm ngay đầu đường ven sông thuộc khóm Vĩnh Chánh, phường Châu Phú A (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) rì rầm tiếng người từ lúc 4 giờ sáng. Nghe tiếng những hòn đá nhỏ va chạm lách cách vào thành cốc là có thể đoán được một phần tâm trạng của những lão nông đang ngồi ngóng ra sông. Người dân ở đây quen cách uống cà phê đá vào sáng sớm. Ly cà phê to như cốc nước mía, được lèn thật nhiều đá và chỉ đọng chút cà phê đen dưới đáy ly.
 
Cánh đồng nhìn về núi Sam đang khô hạn.
Câu chuyện mà các lão nông đề cập vào lúc mờ sáng bên sông Châu Đốc chỉ vỏn vẹn trong mấy chữ “bao giờ lũ về để giăng câu, đánh cá”. Nhiều người cập nhật và chia sẻ thông tin lũ trên sông Mê Kông mới về ở khu vực Thái Lai và nghe dự báo tới cuối tháng 9 thì sông Châu Đốc mới có lũ; các đập thủy điện xây dựng trên sông Mê Kông giữ hết nước làm đời sống bị đảo lộn. Ông Phạm Văn Minh nói: “Từ ngày cha sanh mẹ đẻ tới bây giờ, chưa bao giờ mà kỳ cục như năm nay, nước nôi gì không có, thấy thiệt là ngộ”.
Dòng sông Châu Đốc bắt nguồn từ Tà Keo, vương quốc Campuchia. Những chùm lục bình dạt 2 bên bờ và lửng lơ không thèm trôi, vì lũ không về. Từ cầu Cồn Tiên nhìn xuống những ngôi nhà ven sông có thể đoán được mực nước hàng năm trên sông qua màu sắc của chân dãy nhà sàn. Ông Hai Hòa, một người dân địa phương cho biết, “Trên Phú Hội, Vĩnh An Đông, người ta úp nơm, con cái thì phải đi xa kiếm ăn”.
Sáng tinh mơ vẫn thấy tiếng lộc cộc của xe đẩy bán hàng rong bán những món lạ như củ mì bóp chuối chan nước dừa, bánh bông lan chảo trong các quán của đồng bào Chăm, món khoai dừa trộn lá cẩm tím và lá dứa xanh. Nhưng đi sâu vào đời sống của người dân và hỏi về “nỗi buồn thiếu lũ” thì sẽ thấy được đời sống của các lão nông bị đảo lộn.
“Lũ hổng có, nhiều nhà nằm xẹp lép”, những lão nông vừa kể và dẫn tôi đi dọc bờ kênh, chỉ xuống những ngôi nhà nổi, giờ nước cạn trở thành nhà chìm. Đó là những ngôi nhà có sàn lót bằng tre, toàn bộ tường nhà vây bọc bằng tôn để giảm trọng lượng. Do nền sông cạn không bằng phẳng nên những ngôi nhà này nằm nghiêng lệch về một phía, chông chênh như ánh mắt của các lão nông.  
Đi mần ở Bình Dương
Lang thang ở Châu Đốc vào mùa không lũ. Từ trung tâm thành phố Châu Đốc, băng qua cầu Cồn Tiên và đi dọc theo huyện An Phú thì mới thấy được, do lũ không về, nguồn cá thiên nhiên thiếu vắng trong bữa ăn, vì vậy nghề nuôi cá có cơ hội phát triển rầm rộ. Dọc tuyến đường này, đi đâu cũng gặp hồ nuôi cá bạt ngàn. Suốt nửa tháng ở Châu Đốc, tôi thường được người quen cho biết, món cá lóc thơm ngon trên đĩa đều là cá nuôi. Ông Tiễn, một nông dân ở huyện An Phú thật thà cho biết, “tui nuôi cá nhưng có mấy khi ăn nó, vì thịch (thịt) bở lắm, không dai và thơm như cá ngoài sông”.
 
Lão nông Nguyễn Văn Thiền cho biết, con trai đi Bình Dương mần ăn, vì dưới này mần hổng có thắng.
Chờ mãi không có lũ về, thanh niên ở vùng sông nước Châu Đốc đành phải chọn giải pháp bỏ sông, lên các tỉnh để làm công nhân gia công dày dép. Tại khu vực khóm Xuân Bình, thị trấn Tịnh Biên nằm cạnh kênh Vĩnh Tế, nhiều người cho biết, năm 2018, nước lũ về nhanh quá, ngập lúa, gặt chạy không kịp, phía xã bên có vợ chồng tự tử luôn vì mất lúa, trong khi đang vay nợ quá nhiều. Còn năm thì bà cho biết “thanh niên ở đây, người  thì đi phụ hồ, vô nhà máy xay lúa, còn lại thì đi Bình Dương hết trọi”.
Đi sâu vào các ngõ xóm và thỉnh thoảng lại bắt gặp ngôi nhà cửa khóa, then cài, người dân cho biết “nhà đó đi mần ở Bình Dương chưa dề”. Bình Dương được người dân vùng sông nước này xem như một địa chỉ chung nhất để nói về trai tráng đi lên các khu công nghiệp làm công nhân để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Vì  khi hỏi cụ thể vài gia đình thì được biết, có nhiều người đi TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai…Những người dân rời nhà cửa đi, gởi con cái cho cha mẹ trông coi và hàng tháng gởi tiền về, kèm theo câu hỏi “nghe bên Miên (Campuchia) có nước chưa, bên mình bao giờ thì lũ dề để tranh thủ mua lưới, đặt dớn kiếm cá linh?”.
“Có mấy nhà báo tới đây hỏi, tui cũng nói y chang vậy thôi, mọi năm thì tháng 7 là nước nửa bãi, mỗi ngày đánh cá kiếm một chăm, hai chăm. Còn năm nay thì nước yếu xìu, nhà tui 4 đứa đều đi Bình Dương hết” – lão nông tên Minh chỉ xuống sàn nhà in dấu mực nước năm trước và nói.  
Phù sa hổng thấy
Buổi sáng tinh mơ, những cánh đồng nằm trên trục đường đi về núi Sam phát ra âm thanh xình xịch của máy móc. Những khoảnh ruộng ở khu vực này đều đồng màu rơm rạ úa vàng, chưa có màu mơn mởn của mầm xanh. Thiếu nước, ruộng đất khô hạn và đang chờ nước để cày xới, xuống giống. Và tiếng máy xành xạch đó trở nên khá bất thường. Vì theo các lão nông, ngày thường thì ruộng có nước, nhưng bữa nay phải be bờ đôn nước rồi chạy máy bơm cả đêm để nước vô ruộng. Nhưng điều đáng nói là do không có lũ nên ruộng thiếu phù sa màu mỡ và các lão nông phải chở phân chuồng để tiếp sức cho lúa.
 
Những ngôi nhà trên sông đang rơi vào cảnh nằm gác trên cạn.
Đi dọc bờ kênh nằm cắt góc với cầu Phan Xích Long và dẫn sang đất Campuchia, ngày hôm trước thì thấy nước mấp mé giữa kênh và mặt ruộng, nhưng vài hôm sau quay lại thì đã thấy mực nước tiếp tục tụt giảm, để trơ ra những rễ cây mọc ở ven bờ kênh, nước không đủ sức “trèo” lên ruộng. Cập nhật bản tin dự báo tình hình thủy văn của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang dự báo, mực nước đo được tại 14 trạm thủy văn thuộc địa phương này đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Ví dụ như trạm Khánh An trên sông Hậu, mực nước cao nhất đo được là 1.77m, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 2.34m; tại trạm Long Xuyên trên sông Hậu mực nước cao nhất đo được là 1.56m, thấp hơn 0.20m so với cùng kỳ năm 2018.
Lão nông Nguyễn Văn Thiền phân tích, “nếu đất của mình thì 1 công (sào) thì lời được mấy chăm ngàn, còn đất thuê mướn thì lỗ, vì nước phải phụ, phân cũng phải vô vì thiếu phù sa”. Gia đình ông Thiền có 2 người con trai lớn, cậu con trai lớn thấy làm ruộng thua lỗ nên không dám thuê đất, ngồi nhà chống cằm; còn cậu con trai nhỏ thì rời quê. Lão nông Thiền cho biết “thằng nhỏ phải đi Bình Dương mần ăn, vì ở đây mần hổng có thắng”.

Cuộc sống chờ lũ ở bên sông Châu Đốc cũng là bức tranh của toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp, chính quyền đang triển khai nạo vét kênh, mương, kêu gọi tích trữ nước, chống ngập mặn, tính phương án xây dựng hồ chứa nước ngọt... Sở NN-PTNT tỉnh An Giang thì khuyến cáo với nông dân: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, phối hợp với tỉnh Kiên Giang quản lý chặt chẽ các cống ngăn mặn…

Lê Văn Chương (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm