Ngư dân mạnh dạn đón đầu, tiếp thu công nghệ thì mới giảm chi phí chuyến biển, nâng cao chất lượng cá và giá bán.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết nhờ áp dụng công nghệ, thay đổi tư duy đánh bắt nên sản lượng khai thác hải sản của ngư dân toàn tỉnh đã tăng so với mọi năm.
Đầu tư máy móc để khai thác xa bờ
Quảng Ngãi từng là một trong những địa phương có số lượng tàu giã cào (nghề lưới vây) lớn nhất ở miền Trung nhưng đến nay, phần lớn tàu được cải hoán, chuyển đổi công năng, người dân cũng dần thay đổi quan niệm đánh bắt.
Từ khi thôi nghề giã cào, ông Nguyễn Nghiêm (ngụ xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) đã cải hoán đôi tàu, đầu tư máy móc, thiết bị để đánh bắt xa bờ. Vừa cập cảng Sa Kỳ bán hải sản cho thương lái, ông Nghiêm cho biết chuyến biển dài 20 ngày ở Trường Sa đã khai thác được 30 tấn cá ngừ sọc dưa. Với giá thương lái thu mua khoảng 25.000 đồng/kg, tính ra ông thu được khoảng 750 triệu đồng.
"Có được hiệu quả như thế đều nhờ đầu tư máy móc, thiết bị như máy dò cá, máy quét, định vị… Thiết bị đánh bắt hiện đại giúp tôi đánh bắt không còn phải mò mẫm đi tìm luồng cá như trước, đỡ mất thời gian và hao tốn nhiên liệu" - ông Nghiêm nói.
Tàu cá hiện đại của ngư dân Khánh Hòa - trị giá hơn 23 tỉ đồng. Ảnh: KỲ NAM |
Theo ông Nguyễn Văn Mười, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 5.700 tàu cá. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều tàu chỉ ra khơi được 5-6 chuyến, giảm 1/3 so với các năm trước nhưng sản lượng khai thác được hơn 264.000 tấn, đạt hơn 125% kế hoạch năm.
Ngoài việc khuyến khích ngư dân áp dụng công nghệ vào quá trình đánh bắt, tỉnh Quảng Ngãi đang có nhiều chính sách ưu đãi, hướng ngư dân chuyển đổi nghề từ khai thác gần bờ sang xa bờ. Hiện tỉnh có gần 2.000 tàu cá đang khai thác ở vùng lộng, ven bờ.
Tại tỉnh Khánh Hòa, TS Nguyễn Trọng Lương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản - Trường ĐH Nha Trang, đã nghiên cứu để nâng cao giá trị của cá ngừ đại dương.
Theo TS Nguyễn Trọng Lương, công nghệ câu sử dụng máy tạo xung điện sẽ làm cá ngất, không còn giãy giụa và kéo cá lên tàu. Bên cạnh đó, kết hợp với xả máu và xử lý đúng quy trình sẽ giúp hạ thân nhiệt của cá nhanh, ngoài ra xả máu cũng giúp giảm sự tích tụ axít lactic, hạn chế quá trình ươn thối cá. Do việc bảo quản bằng đá, bằng hầm lạnh thường tiêu hao đá, làm giảm chất lượng cá nên công nghệ tiên tiến nhất hiện nay mà ngư dân cần áp dụng là công nghệ phun PU Foam. Hầm bảo quản sẽ bọc bằng PU Foam, kết hợp với bảo quản cá bằng đá bùn (đá bào) sẽ đưa thời gian bảo quản tăng lên hơn 20 ngày và khả năng hút nước thấp hơn 3% giúp chất lượng thành phẩm vẫn đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, cho rằng ngoài các vấn đề kể trên, có thể trang bị thêm máy dò cá ngang sonar trong nghề lưới vây, dùng để dò tìm đàn cá theo cả phương đứng và phương ngang để dò tìm đàn cá, bám theo đàn cá… để khai thác hiệu quả. Quan trọng nhất là ngư dân phải mạnh dạn đón đầu công nghệ, tiếp thu công nghệ thì mới giảm chi phí chuyến biển, nâng cao chất lượng cá, nâng cao giá bán.
Tạo chuỗi liên kết
Hiện Khánh Hòa có 3 mô hình "Chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ". Đứng đầu mỗi chuỗi là một công ty lớn trong lĩnh vực xuất khẩu cá ngừ gồm: Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng với 120 tàu; Công ty TNHH Tín Thịnh và Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước với 25 tàu; Công ty TNHH T&H Nha Trang và Tổ hợp tác nghề cá Trường Sa với 7 tàu tham gia. Ngoài ra còn có hệ thống thu mua cá trực tiếp trên biển tàu mẹ - tàu con của Công ty TNHH Hải Vương.
"Ngư dân được công ty hướng dẫn việc sơ chế cá ngừ, bảo quản theo đúng tiêu chuẩn. Khi cá ngừ đánh bắt lên được đánh số, ghi tọa độ khai thác… để bảo đảm IUU (Quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định). Nhờ vậy, cá về bờ bảo đảm chất lượng cao, tính pháp lý khi xuất khẩu, tiết kiệm chi phí nên giá cá tăng" - ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, nhận định.
Tỉnh Bình Định hiện có hơn 3.200 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó gần một nửa hành nghề câu cá ngừ đại dương với sản lượng khai thác khoảng 11.000 tấn/năm. Chất lượng sản phẩm đánh bắt liên tục tăng nhưng không có đầu ra ổn định nên hầu hết ngư dân bán cá ngừ đại dương cho đầu nậu với giá bấp bênh. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định vừa phối hợp Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa) xây dựng dự án Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định. Mục tiêu của dự án nhằm tiến tới xây dựng chuỗi liên kết bền vững, có đầu ra ổn định, giá bán cao, đồng thời hướng đến nâng giá trị nhãn hiệu "Cá ngừ đại dương Bình Định".
Ngư dân của 30 tàu câu cá ngừ đại dương tham gia dự án được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ Nhật Bản. Doanh nghiệp sẽ mua toàn bộ sản phẩm cá ngừ đại dương theo hợp đồng ký kết với giá cao hơn giá thị trường.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết trước đây, cá ngừ đại dương xuất khẩu sang Nhật Bản bằng đường hàng không nên chi phí vận chuyển quá cao. Nay sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín được phi-lê, cấp đông nhanh và xuất khẩu bằng đường biển nên chất lượng được bảo đảm và hiệu quả cao hơn.
Kỳ tới: Sớm gỡ "thẻ vàng" thủy sản
Theo NHÓM PHÓNG VIÊN (NLĐO)