Ngược thác ghềnh tìm "lộc" sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một số loài cá quý chỉ sống trên dòng Sê San như cá anh vũ, cá lăng, sọc dưa, hồng hườm… mà ngư dân chuyên đánh bắt, thu mua ví như lộc sông, giúp nhiều người dễ hơn trong cuộc mưu sinh.

“Lộc” sông

Sông Sê San bắt nguồn từ Bắc Tây Nguyên (gồm 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum) rồi chảy sang lãnh thổ Campuchia trước khi nhập vào sông Serepok. Phần phía hạ lưu, thung lũng sông nằm trong các hẻm sâu của các dãy núi cao, độ dốc địa hình khá lớn. “Chính vì sống ở điều kiện thác ghềnh quanh năm nước chảy nên thịt các loài cá trên sông Sê San có vị ngon đặc biệt. Và để đánh bắt được các loài cá quý là thách thức ngay cả với những lão ngư dày dạn kinh nghiệm”-ông Quản Văn Vinh (làng Lân, xã Ia O, huyện Ia Grai), cho biết.

 

Ông Quản Văn Vinh giới thiệu một con cá mõm heo. Ảnh: H.N
Ông Quản Văn Vinh giới thiệu một con cá mõm heo. Ảnh: H.N

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được ngoạn du một chuyến trên sông, trải nghiệm cảm giác bắt được cá quý, ông Vinh cười sang sảng từ chối ngay: “Những loài cá “có giá” chỉ sống ở nơi thác ghềnh, nước chảy xiết. Đó thường là những nơi rất nguy hiểm với những người không quen sông nước”. Ông Vinh kể: “Vào mùa mưa tháng 7, tháng 8, các loài cá ngược từ sông Mê Kông lên Sê San, chọn những nơi nước chảy xiết đẻ trứng nên đây là mùa đánh bắt được nhiều cá nhất trong năm. May mắn hơn cả là đánh bắt được các loài hồng hườm, anh vũ, mõm heo vì có giá bán khá cao, khoảng 300 ngàn đồng/kg. Các loài cá sọc dưa, cá lăng, cá chiêng cũng có giá 200-250 ngàn đồng/kg. Một đêm buông câu buông lưới, may mắn có khi kiếm vài chục cân cá quý”.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề đánh bắt cá, ông Vinh tự nhận chỉ là hậu duệ của những lão ngư dạn dày kinh nghiệm, am tường cá tính, sinh hoạt của từng loài cá. Tuy vậy, ông cũng từng bắt được một con sọc dưa nặng tới 50 kg. Ông cho hay: “Đánh bắt giỏi có tiếng trên dòng Sê San này phải kể đến những người Jrai sống dọc sông. Những con cá khổng lồ, nặng kỷ lục trước đến nay đều do các lão ngư người bản địa bắt được. Mùa này, tôi thường phải đánh bắt ở tận khu vực sát biên giới Campuchia mới có cá. Vậy nhưng cũng không ít lần phải về tay không”.

Buôn “sản vật”

Gia đình ông Quản Văn Vinh có một điểm mua, bán cá đặc sản ở ngã ba làng Lân. Những ngày đi câu về tay không, ông Vinh thường mua cá của những người đi cùng về bán. “Người địa phương đánh bắt giỏi nhưng bảo quản cá không được tốt, nhiều loài cá quý khi đến tay người tiêu dùng đã không còn tươi ngon. Vì thế, hễ ai bắt được cá ngon, tôi mua về bán lại. Người Việt sành ăn có tiếng, phàm thứ gì đã trở thành đặc sản đều đã được dân gian kiểm chứng, con cá sông Sê San không là ngoại lệ. Từ cách đây 10 năm khi nguồn cá còn dồi dào đã không đủ cung cấp cho thị trường. Đến nay thì cầu luôn vượt cung nên chúng tôi chỉ ưu tiên cho những khách hàng lâu năm. Ngoài bán lẻ cho một số người đi đường, cá sông Sê San chủ yếu được đưa vào các nhà hàng lớn ở TP. Pleiku”-ông Vinh cho biết.

Ngoài điểm mua bán cá của gia đình ông Vinh, dọc đường lên thủy điện Sê San 4 có thêm một điểm mua bán cá đặc sản sông Sê San khá lâu năm. Ở đây lúc nào cũng có cá tươi sống. Trong chiếc bể xi măng xây ngay trước nhà, có ba con cá lăng chừng 2-3kg/con đang bơi, trên mình đầy vết trầy xước. Bà Thao-chủ điểm mua bán cho hay: “Đây là loại cá lăng nhỏ, thu mua của những người đi câu, chủ yếu bán cho khách vãng lai. Riêng những con cá lăng to 40-50 kg, chúng tôi bỏ cho các nhà hàng lớn. Tuy nhiên, những loài cá to vài chục ký ngày càng ít dần, lâu lâu mới gặp. Hàng ngày, gia đình tôi phải tới tận thuyền của những người làm nghề đánh bắt cá trên sông thu gom cá về bán”.

Nhiều loài cá quý vẫn còn hiện hữu trên sông Sê San như một tặng vật của sông, đặc ân vùng đất cao nguyên. Cá sông Sê San đã trở thành những món đặc sản có giá đắt đỏ trong các nhà hàng sang trọng. Và chừng nào cá sông Sê San còn chiều lòng những thực khách sành ăn, nó sẽ còn mang đến lộc may cho người đánh bắt lẫn người bán buôn.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm