Trong căn nhà nhỏ ở Bình Thủy (Cần Thơ), có một người phụ nữ ngồi nhớ lại ký ức những ngày ở Hà Nội, lúc còn đang theo học Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Đó là bà Dương Mỹ Hạnh (nay đã 78 tuổi, hiện cư ngụ tại phường An Thới), người có 3 lần được gặp Bác Hồ.
Bà Hạnh và tấm ảnh lúc khai giảng năm học đầu tiên trên đất Bắc, khi được chọn là đại biểu học sinh miền Nam phát biểu cảm tưởng |
Hạt giống đỏ miền Nam
Trò chuyện với chúng tôi, bà Dương Mỹ Hạnh rất xúc động, bà nhớ lại những lần được gặp Bác Hồ, lúc bà vừa ra Bắc học tập. Bà Hạnh kể: Lúc đó, nhà có 2 chị em, ba muốn cho 2 chị em ra Bắc học tập theo chủ trương “Gieo những hạt giống đỏ miền Nam trên đất Bắc”. Mục đích là chuẩn bị cho một thế hệ sau này khi tổng tuyển cử thống nhất đất nước, lực lượng học sinh miền Nam nòng cốt sẽ quay trở về xây dựng quê hương. Nhưng vì không muốn xa gia đình, lúc đầu bà Hạnh không chịu đi. Bà nhớ lúc đó ba mẹ năn nỉ mãi, nhưng nhớ nhất là câu khuyên bảo của ba: “Đi học đi. Đi ra đó học, được gặp Cụ Hồ”. Khi nghe ba nói vậy là bà đồng ý ngay, 2 chị em chuẩn bị khăn gói lên đường cùng ba ra Bắc. Sáng hôm ấy, bà chỉ nhớ 2 chiếc tàu của Liên Xô và Ba Lan đã chờ sẵn. Nhưng không may, chuyến đi đó gặp bão nên mọi người phải lênh đênh trên biển 7 ngày mới tới nơi. Bà Hạnh cùng các học sinh khác đã mệt nhoài, lúc này những chú bộ đội, mỗi người nhấc 2 đứa học sinh hai bên lên bờ...
Có lẽ sợ rằng mình kể sai từng chi tiết, nên bà kể thật chậm. Bà nói, học sinh miền Nam lúc bấy giờ được học tập trung tại Hải Phòng. Bà học tại Trường học sinh miền Nam số 4. Đây là những trường học dành cho nữ. Lễ khai giảng đầu tiên trên đất Bắc, niên học 1955-1956, bà vinh dự được chọn làm đại biểu cho học sinh miền Nam phát biểu cảm tưởng. Lúc đó, bà cảm thấy vinh dự, tự hào lắm vì không phải học sinh miền Nam là được ra Bắc học tập, mà phải đủ tiêu chuẩn, giờ lại được chọn làm đại biểu cho học sinh miền Nam phát biểu nữa chứ! Vừa nói vừa cười, rồi bà mày mò tìm một vật trong bao thư được bà gói cẩn thận. Đó là tấm hình của bà, một cô nữ sinh lớp 2 đang nghiêm nghị phát biểu trước toàn thể học sinh miền Nam.
Niềm xúc động khi gặp Bác
Bà tiếp tục câu chuyện của mình. Những hoạt động thời đó, bà không tài nào nhớ hết, nhưng mốc lịch sử trong cuộc đời khi qua học tại khu học xá Trung ương ở Nam Ninh (Trung Quốc) thì bà không thể nào quên, vì sau 2 năm học tại Hải Phòng, đó là dịp may đầu tiên trong đời bà được gặp Bác Hồ. “Lần đó, Bác đi thăm 9 nước xã hội chủ nghĩa rồi về mới ghé ngang khu học xá, ân cần thăm hỏi sức khỏe, tình hình học tập, sinh hoạt của chúng tôi. Khi nghe Bác đến, học sinh chúng tôi xếp thành 2 hàng dài. Tôi mừng dữ lắm! Bởi từ khi ra Bắc học tập tới giờ, đây là lần tôi được tiếp xúc gần với Bác Hồ. Bác đi qua vẫy tay chào chúng tôi, rồi đi thẳng lên bục phát biểu. Chúng tôi vui mừng gọi tên Bác. Trong suy nghĩ của mọi người, Bác mặc đồ giản dị, mang đôi dép râu, nhưng lúc đó Bác đi thăm 9 nước xã hội chủ nghĩa nên mặc đồ đẹp lắm! Bước lên bục, Bác hỏi: Các cháu có ngoan không? Có biết nghe lời thầy cô không? Lứa tuổi học trò mà, lí lắc, hóm hỉnh lắm! Bác biết hết rồi đó. Rồi Bác dạy dỗ, dặn dò là không được nghịch, phải ngoan ngoãn, chăm học để thành tài về xây dựng quê hương. Sau lần đó, tôi học được 2 năm thì về nước”.
Sau này, có dịp nghỉ hè, ba bà Hạnh đón bà về Hà Nội ở trong một doanh trại quân đội. Nơi này có Câu lạc bộ (CLB) Thống Nhất. CLB này là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ của học sinh miền Nam. “Buổi tối, CLB đang sinh hoạt thì nghe mọi người bảo là Bác đến. Không khí lúc đó càng nhộn nhịp hơn. Mọi người chạy về hướng Bác đang đi tới, tôi cũng chạy theo. Bác lên bục nói chuyện, chúc Tết Trung thu, rồi phát kẹo cho học sinh, tôi cũng được Bác cho kẹo. Tôi mừng quá trời luôn! Lúc đó, tôi cảm nhận sự thân thiện, gần gũi của Bác, sự thân tình, ấm áp của một người cha đối với đứa con thân yêu của mình. Hạnh phúc lắm! Lần thứ 3 được gặp Bác là khi tôi đã lớn và học tại Hải Phòng. Đến thăm chúng tôi, Bác đi cùng ông Wilhelm Pieck, Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ Đức, đến thăm học sinh miền Nam”.
Bà Hạnh nói, những lần được gặp Bác như cảm xúc vỡ òa. Bởi đâu có ai được cơ hội gặp Bác trong một trường hợp tình cờ như vậy! “Dù chưa lần nào được ôm Bác, nhưng với tôi như vậy là vinh dự, vui sướng lắm rồi”, bà tâm sự. Sau khi học xong, bà Hạnh về làm việc ở Đài điện báo Trung ương. Sau này về miền Nam, bà làm việc tại Ban liên lạc Khu Tây Nam bộ. Buổi trò chuyện giữa chúng tôi với bà Hạnh bỗng trầm xuống, lắng lại. Khóe mắt của bà ứa lệ nhớ lại ngày Bác mất. “Bỗng dưng tôi cảm thấy trong cuộc đời của mình mất mát một thứ gì đó lớn lao, không gì có thể bù đắp được”, bà Hạnh kể. Giờ đây, dù ở tuổi 78 nhưng ký ức về những lần gặp Bác vẫn in đậm trong trí nhớ của bà Dương Mỹ Hạnh. Mỗi khi có dịp ra Bắc, điều đầu tiên bà làm là đến lăng viếng Bác, để tưởng nhớ công ơn của vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam đã hy sinh cả cuộc đời vì dân, vì nước.
Theo TÍN HUY (SGGPO)