Phóng sự - Ký sự

Người anh hùng giữ đảo Cồn Cỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Năm 1961, cũng như những chàng trai cô gái tuổi 18 đôi mươi của quê hương Quảng Bình, thanh niên Lê Hữu Trạc ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu chống Đế quốc Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Ông được biên chế vào Đại đội Lê Hồng Phong, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 341 đóng quân ở Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Tuy nhiên, ông ở đây không được lâu. Năm 1965, Lê Hữu Trạc tiếp tục khoác ba lô vượt biển ra chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ.
Đó là một đảo nhỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, nằm ở cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc bộ, cách đất liền khoảng 17 hải lý, diện tích chưa đến 4 cây số vuông. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ giữ vị trí vô cùng quan trọng, là vọng gác tiền tiêu của Miền Bắc. Cho rằng, xóa được Cồn Cỏ nghĩa là đã mở được một cánh cửa vào miền Bắc Việt Nam, đế quốc Mỹ tập trung hỏa lực hòng hủy diệt đảo.
 
Thương binh Lê Hữu Trạc và bà Kim Thị Mão tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân
Thương binh Lê Hữu Trạc và bà Kim Thị Mão tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân
Để chặn đứng âm mưu của đế quốc Mỹ, năm 1965, Đại đội Lê Hồng Phong của Lê Hữu Trạc được lệnh cử một trung đội ra chiến đấu bảo vệ đảo. Thời gian luân phiên được quy định là 2 tháng. Câu hỏi: Trung đội nào sẽ được đi trước? Làm nóng bầu không khí toàn đơn vị. Những bức tâm thư viết bằng máu, những giải pháp nhằm bám trụ trên đảo lâu nhất được đề xuất. Và, trung đội của Lê Hữu Trạc được chọn là đơn vị đi đầu. Trước khi lên thuyền ra đảo, cả trung đội gồm 30 chiến sỹ tự cạo trọc đầu, trở thành “đoàn binh không mọc tóc”.  Lý do chính là để tiết kiệm nguồn nước tắm gội vốn rất khan hiếm trên đảo. Tưởng chỉ xa đất liền 2 tháng nhưng chuyến đi của Lê Hữu Trạc và đồng đội đã kéo dài đến... 1.000 ngày.
Lịch sử ghi lại: Từ năm 1964 đến năm 1968, không lực Hoa Kỳ ném xuống Cồn Cỏ trên 1,3 vạn quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4 nghìn quả đạn pháo. Bình quân mỗi cán bộ, chiến sỹ hứng chịu đến hơn 39 tấn bom đạn; mỗi ha đất chịu 22,6 tấn bom đạn. Trong lúc đó để đảm bảo đời sống sinh hoạt và chiến đấu của cán bộ chiến sỹ, tất cả nhu yếu phẩm, vũ khí đạn dược đều phải được tiếp tế từ đất liền. Có thời điểm do tình hình chiến sự ác liệt, địch ráo riết vây hãm phong tỏa, thời tiết lại phức tạp, con đường tiếp tế giữa đất liền với đảo gần như bị chặn đứng trong hàng tháng trời. Gạo, nước ngọt đều cạn kiệt, đến cả vũ khí cũng rất thiếu thốn. Thực trạng đó tưởng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khí thế chiến đấu của chiến sỹ ta, nhưng lạ kỳ thay tất cả vẫn không hề nao núng. Họ đã không gục ngã bởi bom đạn quân thù, cũng không hề gục ngã vì khó khăn thiếu thốn về vật chất. Đảo bị xới tung. Cỏ cây bị cháy rụi. Nhưng, Cồn Cỏ vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng.
 
Giấy chứng nhận Dũng sỹ của ông Lê Hữu Trạc
Giấy chứng nhận Dũng sỹ của ông Lê Hữu Trạc
Anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh Lê Hữu Trạc kể lại rằng: “Vấn đề khó khăn nhất ở các đảo nhỏ giữa biển khơi luôn luôn là nước ngọt. Có thời điểm bom Mỹ phá tan các bể chứa nước của chúng tôi, cả đảo khô khát, bộ đội phải chặt chuối rừng vắt nước uống. Quả thật là nếu không có những hy sinh lớn lao của quân và dân Vĩnh Linh thì chúng tôi khó lòng hoàn thành nhiệm vụ. Mưa bom bão đạn là vậy, máy bay, tàu chiến địch vần vũ, quần thảo suốt ngày đêm nhưng những đoàn thuyền cảm tử vẫn ra khơi, những chuyến hàng tiếp tế vẫn cập đảo. 200 dân quân, nhân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị đã hy sinh và mất tích trên biển. Nhiều bữa cơm nghẹn ngào chan nước mắt... Những trận đánh của chúng tôi vì thế mà càng quyết liệt hơn!”.
 
Thương binh Lê Hữu Trạc thời kỳ chiến đấu ở Quảng Trị
Thương binh Lê Hữu Trạc thời kỳ chiến đấu ở Quảng Trị
Đáp trả sự điên cuồng của không quân, hải quân Mỹ, cán bộ chiến sỹ đảo Cồn Cỏ đã dũng cảm chiến đấu 841 trận và ghi nhiều chiến công vang dội: Bắn rơi 48 máy bay các loại, bắn cháy và chìm 17 tàu chiến... góp phần buộc Mỹ phải ngừng ném bom phá hoại miền Bắc. Đảo nhỏ Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng. Bác Hồ gửi thư khen cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu bảo vệ đảo và tặng hai câu thơ: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”. Ông Lê Hữu Trạc ba lần được công nhận là “Dũng sĩ”.
Năm 1968, đế quốc Mỹ xuống thang đánh phá miền Bắc, ông Lê Hữu Trạc được điều động trở về đất liền. Ông tiếp tục chiến đấu, xây dựng Đại đội Lê Hồng Phong trở thành Đại đội Anh hùng. Một thời gian sau ông là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, E270, Quân khu IV. Thời gian này, Mỹ vẫn chưa thôi những âm mưu phá hoại miền Bắc. Các cuộc đổ bộ của địch vẫn lén lút diễn ra trên cả đường bộ, đường không và đường biển dọc theo giới tuyến. Đóng quân ở cửa ngõ miền Bắc, đơn vị của ông được ví như một lực lượng đa chức năng, vừa chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, vừa phải tuần tra, trinh sát ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập trái phép của biệt kích, thám báo Mỹ - Ngụy. Trong một chuyến công tác chống địch đổ bộ bằng đường không ở phía tây Vĩnh Linh, ông và đồng đội vướng bom Mỹ. Một chiến sỹ hy sinh, thi thể không còn nguyên vẹn. Ông bị bom hất tung và làm tổn thương đôi mắt.
“Từ Quảng Trị tôi được chuyển về tuyến sau. Đầu tiên là trạm 44 ở Mai Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Sau đó là Bệnh viện Quân khu 4 ở Nghệ An. Mãi 1 tháng sau tôi mới ra tới Bệnh viện mắt Hà Nội. Vì sức ép của bom quá lớn, mắt bị tổn thương nặng, các bệnh viện tiền phương không có phương tiện xử lý kịp thời và thời gian di chuyển từ Quảng Trị ra đến Hà Nội quá dài, nên các bác sỹ không thể cứu được đôi mắt của tôi nữa. Tôi được chuyển về Trại an dưỡng thương binh nặng Hà Tây. Cuộc sống chìm vào bóng tối từ đây. Năm đó, tôi mới 28 tuổi. Phơi phới sức trai và giàu nhiệt huyết nhưng phải lui về tuyến sau và không còn có cơ hội để trở lại chiến trường. Đó là nỗi buồn quá lớn!” - ông Trạc nuối tiếc.
Những tưởng cuộc đời sẽ chỉ còn bóng tối, xa quê hương, xa gia đình và đừng bao giờ dám nghĩ đến chuyện tình yêu, vậy mà anh thương binh hạng 1/4 Lê Hữu Trạc lại bất ngờ gặp được nhân duyên của mình nơi đất khách. Bà Kim Thị Mão là người con gái quê hương Hà Tây vào trại giúp đỡ thương binh nặng. Chỉ nghe giọng nói thôi, anh thương binh mù đã cảm mến người con gái ấy. Nói xa... nói gần... Và những cánh thư đi... Nét chữ của anh thương binh mù vụng về mà chân thật đã làm rung động trái tim cô gái trẻ. “Cô ấy đẹp! Nào là da trắng, là tóc dài, là cười duyên... mê ly lắm! Là đồng đội tôi tả cô ấy thế. Tôi có thấy gì đâu mà bảo đẹp. Nhưng qua gặp gỡ, chuyện trò, tôi cảm nhận được trái tim của cô ấy, tấm lòng của cô ấy và quyết tâm của cô ấy. Rất may là tôi cảm nhận đúng. Đó là người con gái có trái tim nhân hậu và tấm lòng rộng mở. Tôi hỏi: “Yêu anh mù, em có sợ người ta cười không?”. Cô ấy nói rằng “Em không sợ người ta cười chê, cũng không sợ lấy anh mù thì khổ. Em chỉ sợ chúng ta không có tình thương thôi!”. Ơ! Tưởng chi mà khó, tình thương tôi có thừa! Vậy nên tôi mới dám nói lời yêu rồi lễ cưới được tổ chức ngay tại Trại điều dưỡng. Và cuối cùng là “Theo anh, em thì về...”.
 
Đảo Cồn Cỏ ngày nay
Đảo Cồn Cỏ ngày nay
Năm 1972, vợ chồng anh thương binh mù Lê Hữu Trạc - Kim Thị Mão đưa nhau trở về quê tại xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình xây dựng cuộc sống mới. Bà trở thành nguồn sáng của đời ông và những nguồn sáng bé bỏng từ tình yêu của họ lần lượt chào đời. Về quê cùng đôi mắt đã bị mù nhưng với tinh thần của người lính, thương binh Lê Hữu Trạc không chấp nhận ngồi chờ những ưu đãi của đất nước, lại càng không công thần, đòi hỏi. Ông nói rằng: “Tôi đã vượt qua 1.000 ngày gian khổ, hiểm nguy để bảo vệ đảo Cồn Cỏ, bom đạn quân thù trút xuống ngày đêm nhưng chúng tôi không hề sợ hãi. Vậy thì hôm nay đất nước đã hòa bình rồi, những khó khăn hiện tại có là gì đâu mà tôi phải chùn bước. Đã là người lính thì gan không núng, chí không sờn trước mọi gian lao thử thách. Chiến tranh đã lấy đi của tôi đôi mắt nhưng cuộc đời đã cho tôi một người vợ hiền”.
 Ông tham gia công tác ở Hội người mù tỉnh Quảng Bình và được bầu giữ chức Chủ tịch Hội. Nhớ lời Bác Hồ căn dặn thương binh “Thương binh tàn nhưng không phế”, trong thời gian công tác ở đây, ông vẫn mang theo tác phong, tinh thần người lính để cống hiến, giúp nhiều người mù trong tỉnh vượt qua mặc cảm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự cưu mang của xã hội, tự mình vượt qua khó khăn, bằng cách tạo nhiều công ăn việc làm cho họ. Với sự dẫn dắt của ông, rất nhiều người mù ở tỉnh Quảng Bình đã có việc làm và thu nhập ổn định. Có những bệnh nhân mù mắc bệnh hiểm nghèo cũng được ông giúp đỡ, đào tạo việc làm và đưa vào làm việc tại các cơ sở sản xuất do Hội người mù tỉnh thành lập. Ông trở thành chỗ dựa tin cậy, là cứu cánh yêu thương cho người mù ở Quảng Bình.
Vợ ông, bà Kim Thị Mão là người kề vai sát cánh hỗ trợ ông trong công tác và đời sống, vừa nuôi dạy các con trưởng thành vừa nhiệt tình trong các hoạt động xã hội ở địa phương. Gia đình dù khó khăn nhưng ấm áp hạnh phúc. Với những cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 26-4-2018, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã có Quyết định số 621/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho thương binh hạng 1/4 Lê Hữu Trạc. Nói về niềm vinh dự này, thương binh Lê Hữu Trạc không quên nhớ những người đồng đội, những chiến binh không mọc tóc trên đảo nhỏ năm nào: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng không ai quên chúng tôi! Danh hiệu cao quý này do đồng đội viết nên cho tôi đó, nên không chỉ trao cho riêng tôi mà cho cả những anh em đã nằm lại nơi đảo xa Cồn Cỏ. Tôi xin là người đại diện đón nhận niềm vinh dự tự hào này!”.
Theo Trương Thu Hiền (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm