Phóng sự - Ký sự

Người Bí thư giản dị, gần gũi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã rất nhiều lần ngang qua con đường mang tên ông-nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Bình-nhưng quả thật những điều chúng tôi biết về ông, về những năm tháng ông lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược còn khá ít ỏi. Mãi đến khi trực tiếp nghe những người đồng chí, đồng đội của ông kể lại chuyện xưa, chúng tôi mới vỡ thêm nhiều điều.
Hết lòng với phong trào cách mạng
Khi chúng tôi ghé thăm nhà và đề cập đến chuyện viết bài về nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình, ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy-nói ngay rằng: “Anh Đẳng (tên thường gọi của nguyên Bí thư Trần Văn Bình) sống rất tình cảm, luôn quan tâm, chăm lo cho anh em cấp dưới. Anh là người lãnh đạo mẫu mực, luôn được Đảng bộ tín nhiệm và nhân dân, nhất là nhân dân vùng đồng bào dân tộc, tin tưởng, yêu thương...”. Biết nhau từ những năm 1954, vì cả 2 đều là cán bộ ở lại sau Hiệp định Genève, vì vậy khi nói về đồng chí Bình, ông Ngô Thành cho hay: “Nhắc đến anh Đẳng, phải kể đến 2 giai đoạn quan trọng, đó là khi anh Đẳng làm Bí thư Ban Cán sự khu 8 (nay là thị xã An Khê) và sau này là Bí thư Tỉnh ủy”.
 Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình. Ảnh: TƯ LIỆU
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình. Ảnh: TƯ LIỆU
Theo lời kể của ông Ngô Thành và cũng theo nhiều tài liệu ghi lại, năm 1955, địch tăng cường đánh phá, chúng đêm ngày lùng sục, bắt bớ những chiến sĩ cách mạng và tra tấn rất dã man... Ban Cán sự khu 8 khi đó có 3 người, trong đó có 1 tên phản bội, 1 đồng chí Bí thư Ban Cán sự bị địch bắt, đồng chí còn lại bị trọng thương khiến cho tình hình trở nên vô cùng khó khăn. Đồng chí Bình lúc bấy giờ đang phụ trách theo dõi công tác thị trấn, thị xã được Tỉnh ủy phân công về làm Bí thư Ban Cán sự khu 8 thay đồng chí Lê Phi Hùng đã bị địch bắt. “Trong điều kiện khó khăn ấy, anh Đẳng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, từng bước khôi phục các cơ sở đã mất, đồng thời phát triển thêm cơ sở mới và xây dựng bàn đạp đứng chân ở vùng dân tộc thiểu số”-ông Ngô Thành nhớ lại. Nói thêm về giai đoạn lịch sử này, ông Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai-chia sẻ: “Chú Đẳng đã lặn lội, đồng cam cộng khổ với nhân dân để tìm mọi cách khôi phục phong trào. Đặc biệt, chú còn cà răng, căng tai, đóng khố, “ba cùng”, mở lễ ăn thề, cùng thề khắp các làng Bahnar”.
...Tháng 12-1963, đồng chí Trần Văn Bình được cấp trên giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy. Gần 10 năm trên cương vị này (1964-1967, 1969-1974), ông đã quan tâm xây dựng lực lượng cách mạng tại chỗ, xây dựng các căn cứ cách mạng làng, xã chiến đấu rộng khắp. Đây cũng là giai đoạn Mỹ-ngụy tập trung hàng ngàn binh lính cùng nhiều trang bị vũ khí hủy diệt tối tân; chúng đánh phá ác liệt, vừa càn quét khủng bố, vừa gom dân lập ấp chiến lược. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy mà trực tiếp là Bí thư Trần Văn Bình, những âm mưu, thủ đoạn, chiến lược của kẻ thù lần lượt bị đánh bại, phong trào đấu tranh giành chính quyền của địa phương ngày càng sôi nổi, vùng giải phóng được mở rộng. “Năm 1975, Gia Lai hoàn toàn giải phóng. Lúc này, anh Đẳng đã không còn, song có thể nói anh là nhân tố của thắng lợi đó”-ông Ngô Thành nói thêm.
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005) có ghi: “Ngày 19-4-1974, đồng chí Trần Văn Bình, một cán bộ lãnh đạo tận tụy, bám sát phong trào, bốn nhiệm kỳ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, là Khu ủy viên Khu 5 sau một thời gian đau nặng đã từ trần tại vùng căn cứ của tỉnh. Lễ tang đồng chí được tổ chức trọng thể tại căn cứ. Đồng bào, cán bộ vô cùng tiếc thương một cán bộ lãnh đạo luôn gần gũi dân...”.
Giản dị, gần gũi    
Nắm tay và trao ánh nhìn trìu mến dành cho người bạn đời ngồi bên cạnh, ông Ngô Thành bộc bạch: “Tôi và nhà tôi xây dựng được cuộc sống hạnh phúc, con cháu đề huề như bây giờ trước hết là nhờ ơn anh Đẳng, vì anh Đẳng là người giúp tôi gặp được nhà tôi và cũng là người đứng ra làm chủ hôn”. Ngày ấy, do cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược ngày càng ác liệt nên dường như ai cũng gác niềm riêng. Vì vậy, gần 40 tuổi nhưng ông Ngô Thành vẫn chưa lập gia đình. Và rồi, trong một lần Bí thư Bình xuống công tác tại huyện Chư Prông, sau khi hỏi han và biết cấp dưới của mình vẫn còn độc thân, ông hứa sẽ đứng ra mai mối...
 Những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ từng sinh sống ở Krong về thăm Khu Di tích. Ảnh: M.N
Những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ từng sinh sống ở Krong về thăm Khu Di tích. Ảnh: M.N
Ngồi bên cạnh chồng, bà Trần Thị Mỹ tiếp lời: “Thời điểm ấy, tôi làm cấp dưỡng, cũng có khá nhiều người để ý nhưng chưa nhận lời ai. Một ngày cuối năm 1963, chú Đẳng có hỏi: “Thấy nhiều người muốn xây dựng với cháu, thế cháu đã nhận lời ai chưa?”. Tôi trả lời: “Dạ thưa chú, cháu chưa nhận lời ai, chưa biết người ta thế nào mà nhận lời”. Lúc ấy, bà Mỹ cũng không rõ ý định của Bí thư, vì ông chỉ hỏi rồi lặng thinh mà không nói thêm gì. Bẵng đi một thời gian, Bí thư Bình lại gọi bà lên và nói: “Hôm trước, chú hỏi thăm tình hình, thấy cháu chưa nhận lời ai, giờ chú giới thiệu anh Chinh (tên thường gọi của ông Ngô Thành) cho cháu, cháu đồng ý không? Nếu cháu đồng ý, chú sẽ bảo anh Chinh về gặp cháu nói chuyện”. Giữa biết bao vệ tinh xung quanh, nhưng qua lời giới thiệu của người Bí thư đáng kính, người mà bà Mỹ luôn coi là cha, chú nên không có lý do gì để bà từ chối cuộc gặp gỡ duyên định ấy. Khi biết cả 2 có tình cảm với nhau, cũng chính Bí thư Bình là người đứng ra làm chủ hôn cho vợ chồng ông Ngô Thành tại căn cứ cách mạng Khu 10 (nay là Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang).
Nói thêm về người Bí thư giản dị, gần gũi ấy, bà Trần Thị Mỹ kể: “Sau này, tôi được phân công sang làm công tác phụ nữ tại Khu 10. Trước khi đi, chú Đẳng lục tìm trong tủ và đưa cho tôi 1 viên thuốc thương hàn để phòng khi bị sốt! Chú còn dặn: “Để làm tốt công tác phụ nữ ở vùng dân tộc, cháu phải sâu sát cơ sở, phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân”. Làm theo lời dặn của chú, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được người dân tin yêu và chỉ 5 tháng sau, tôi đã được kết nạp Đảng”.
Còn bà Võ Thị Hạnh (134 Quyết Tiến, phường Ia Kring, TP. Pleiku), dù mắc chứng bệnh nhồi máu cơ tim và vừa đi tái khám tại TP. Hồ Chí Minh về nhưng khi nhắc đến Bí thư Trần Văn Bình, trông bà khỏe khoắn hơn hẳn. Bà Hạnh cứ luôn miệng: “Thương bác Đẳng quá chừng! Ngày trước, tôi được bác Đẳng tặng cho một chiếc đồng hồ đeo tay để biết giờ giấc dậy nấu cơm. Tôi quý chiếc đồng hồ ấy vô cùng nhưng rồi sau này thất lạc, không tìm ra!”. Bà Hạnh từng là cấp dưỡng trực tiếp cho Bí thư Bình từ những năm 1970 cho đến lúc ông qua đời. Trong trí nhớ của nữ cấp dưỡng Võ Thị Hạnh, đồng chí Đẳng sống rất tình cảm, luôn quan tâm, yêu thương những người xung quanh. Nhắc lại hình ảnh của Bí thư Đẳng lúc lâm trọng bệnh, bà Hạnh rưng rưng: “Bác nắm chặt tay tôi và nói: “Khi nào bác khỏe lại, con nấu cơm nhão nhão cho bác ăn, chứ răng bác giờ không ăn được đồ ăn cứng nữa!”. Còn bà Nguyễn Thị Đào (125/4 Thống Nhất, phường Ia Kring, TP. Pleiku)-người từng chăm sóc sức khỏe cho Bí thư Đẳng-bộc bạch: “Ông già Đẳng là người toàn tâm, toàn ý cho cách mạng. Lúc ốm, lúc đau, ông vẫn lo nghĩ cho dân, thương dân, sợ dân đói, dân khát. Vì vậy, khi ông mất, người dân ở các làng chỉ muốn giữ ông lại với dân làng, không muốn đưa ông đi nơi khác”.
Đồng chí Trần Văn Bình sinh năm 1922 tại huyện An Nhơn (tỉnh Bình Định) và từ trần ngày 19-4-1974 tại Khu 10 (huyện Kbang). Tháng 12-1959, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành rồi Ủy viên Ban Thường vụ. Tháng 12-1963, đồng chí đảm nhận trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai... Với những cống hiến to lớn trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Thành đồng hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Giải phóng hạng nhất; Huân chương Quyết thắng hạng nhất; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc. Năm 2010, đồng chí được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
 PHƯƠNG DUNG   
--------------------------------
CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN XĂNG DẦU BẮC TÂY NGUYÊN TÀI TRỢ CUỘC THI NÀY.

Có thể bạn quan tâm