Phóng sự - Ký sự

Người bờ sông kể chuyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nước đầu nguồn sông Hiến (Cao Bằng) xanh như ngọc, chảy qua bao hẻm núi sâu hút, về hợp lưu với sông Bằng tại phường Hợp Giang (TP Cao Bằng). Tự lắng lọc, dần chữa lành vết thương do nạn “cát tặc”, “vàng tặc”, dòng nước xanh tạo vòng cung ôm thành phố vào lòng. Đôi bờ sông lộng gió giang tay đón sơn dân ngược thượng nguồn xa thẳm.
Đánh lưới trên sông Hiến.
Đày đọa dòng nước
Tảng sáng, sương giăng mù trên núi. Trên con đường hẹp ngoằn ngoèo, một đám người mặc áo tang ì ạch khiêng chiếc quan tài lên dốc. Tiếng kèn ò ò não nề vang lên giữa núi rừng thâm u. Bài lâm khốc được xướng lên nhạt nhẽo, qua loa. Đắp nốt xẻng đất cuối cùng lên mộ, đốt xong mớ tiền vàng, đám người lặng lẽ xuống núi.
Đó là đám ma anh Nông Văn Chiêu, một sơn dân của Bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Nhà anh Chiêu nghèo nhất nhì bản. Khắc khoải mang theo giấc mộng đổi đời, anh cùng chúng bạn đi đào cát đãi vàng trên miền thượng du sông Hiến. Được vài năm, chả giàu được, anh còn bị hoại tử chân do nhiễm chất độc xianua. Gia đình chạy vạy, đưa anh đi chữa khắp nơi vẫn không qua khỏi.
Bản Um nằm chon von trên triền núi, chỉ mấy chục nóc nhà sàn mái ngói nâu sẫm cùng nhà vách tường mái xám phi-brô xi-măng, tất thảy đều hướng mặt về sông Hiến. Nổi bật giữa bản là ngôi nhà xây ba tầng mầu vàng của gia đình ông Nông Văn Đoàn. Nhà to nhưng chỉ mỗi mế già ngoài chín chục tuổi ra vào. Con cái mế đều ly hương. Ông Đoàn vì lý do riêng, ra bờ sông dựng ngôi nhà nhỏ.
Ngôi nhà gạch mộc đỏ, lợp lá dày, mát mùa hè, ấm mùa đông. Bụi tre già nghiêng ngọn che bóng mát, một phần lại ngả về phía nước sông, ở giữa có chuồng nuôi hơn chục con lợn đen mập mạp. Hàng rào tre đan quây quanh đàn gà gần trăm con. Vườn rau mùa nào thức ấy tốt um cải bắp, mướp đắng, su hào, cà chua, đậu đũa, súp lơ. Ruộng ngô non mướt mát, vạt mía tím rì rào đu đưa như hát cùng sông xanh.
Ông Đoàn được dân bản định danh là “người bờ sông” từ lúc nào không rõ. Ở một mình, ai cũng tưởng ông buồn nhưng ông rất vui là đằng khác. Nhà ít khi vắng bóng người. Ngày nghỉ, trẻ con trong bản kéo ra, réo gọi: Ông Đoàn ơi, làm chong chóng cho em với. Ông Đoàn ơi, dạy em đánh võ đi… Vẫn tập quán xưa, trẻ con ở đây xưng “em” với ông bà, cha mẹ. Ông Đoàn thông thạo đông tây kim cổ, là bộ đội xuất ngũ, lại có thời làm “cát tặc”, nên kể chuyện rất hay. Trẻ con dỏng tai nghe đi nghe lại mãi chuyện phi eng (ma trẻ con), ma gà…, người lớn thích nghe chuyện ly kỳ về “lâm tặc”, “cát tặc”, “vàng tặc”…
Ngày xưa - giọng ông Đoàn trầm trầm, vùng núi Khâu Vài đầu nguồn sông Hiến, vách đá xám cao ngất dựng đứng, rậm rạp rừng nguyên sinh, toàn gỗ nghiến cổ thụ to mấy người ôm không xuể. Đôi bờ dọc miền thượng du trù phú, xanh mướt nương lúa, ruộng ngô, bãi mía. Sông Hiến chảy qua mấy mỏ vàng, nên cuốn theo “hạt rơi, hạt rụng” vàng cám về vùng lưu vực Nguyên Bình, Thạch An. Mùa lũ, nước cuồn cuộn mang cát từ thượng nguồn về ngập lòng sông. Ngày nắng, đêm trăng, cát dưới sông cứ lấp lóa vàng. Ánh kim sa kỳ ảo từ lòng sông như nam châm hút những con người tham lam cùng đoàn máy móc khổng lồ đến đào xới.
Cả vùng lưu vực sông rộng lớn hầm bà lằng lán trại giăng mắc, nham nhở hố lớn nhỏ, sâu hoắm như địa mạo mặt trăng. Máy bơm đầu hút giống chiếc vòi bạch tuộc to bằng bắp chân, ngoằn ngoèo sục sâu tận đáy sông, hút cát. Máy nổ xuồng cào cát công suất lớn réo ầm ầm, rền vang. Cát hút lên, múc lên, đổ vào thùng của đoàn xe vận tải như đàn voi xám xịt khổng lồ, dài dặc kéo nhau về thành phố. Khai thác cát ở đây được lợi kép, kiểu áo trắng (cát) mặc ngoài, áo dài (vàng) mặc trong. Hút cát xong, tạo hố, người ta đục khoét hố, mót “sái vàng”.
Khúc sông chảy qua các xã Canh Tân, Minh Khai và Quang Trọng (huyện Thạch An) thì không cần ngụy trang bằng khai thác cát. Hẳn một đoạn sông bị ngăn lại, xẻ đồi để nắn dòng chảy, đãi vàng. Hệ thống sàng tuyển đãi vàng rung bần bật, hoạt động hết công suất, đèn điện sáng rực suốt đêm. Máy sàng cát, người tranh cướp cát náo động một vùng…
Kinh hoàng hơn, nhiều chỗ người ta còn dùng thủy ngân, xianua - chất kịch độc, để “cô” vàng, rồi thải thẳng ra sông. Sông sủi bọt, ngầu đục nước thải độc hại lẫn bùn đất. Mùa khô, nước sông sền sệt nâu đỏ như máu đọng. Hình hài sông biến dạng như con rồng nước bị trầy da, tróc vẩy, thương tích đầy mình, dòng chảy bị xô lệch, nguy cơ gây sạt lở nhãn tiền.
“Cát khai thác được đem về xây dựng nhà cửa, vàng thì vào túi doanh nghiệp, vào tay ông chủ. Chỉ phu cát, phu vàng là thiệt thòi. Thân làm thuê nhưng bị mang hỗn danh là “cát tặc”, “vàng tặc”. Người thì bị ốm đau, tai nạn, kẻ bị nhiễm độc, thậm chí mất mạng như không”, ông Đoàn thở dài.
 
Một góc sông Hiến. Ảnh: Đức Sen
Ngược sông lộng gió
Thành phố Cao Bằng đang có tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Nhiều dự án được cấp tốc xây dựng, nhà mới mọc lên như nấm sau mưa. Các bản làng đôi bờ sông Hiến cũng vào cuộc đua xây dựng nông thôn mới. Tất cả đều cần cát! Gần đây, tình trạng khai thác cát và khoáng sản trái phép ở thượng nguồn hai con sông lại manh nha tái diễn.
Nhìn bờ bãi ngày càng “ngót” dần sau mỗi đợt giải phóng mặt bằng, “người bờ sông” Nông Văn Đoàn lại mơ hồ một nỗi đau. Ngày mưa, tựa cửa nhìn sông, ông mường tượng lại cuộc đời. Sinh ra lớn lên ở bản ven sông. Đi bộ đội trong cuộc chiến tranh biên giới. Phục viên về với vết thương ở chân, kỳ vọng thay đổi cuộc sống sơn dã, ông đi đào cát lấy tiền. Tiền đâu chẳng thấy, chỉ thấy nhục, thấy đau khi bị dân bản mỉa mai là “cát tặc”. Lần nào cũng thế, mỗi khi cà nhắc đơn côi bước chân về bản, ông cũng ngoảnh lại ngôi nhà nhỏ một lần, nhìn dấu chân chỗ nông chỗ sâu, in đậm trên con đường lầy cát.
Ông Đoàn ít khi về bản, chỉ về khi lễ Tết, giỗ chạp. Ăn uống xong, mặc anh chị em, con cháu phục sức tân thời, phấn son, nước hoa, ồn ào trong phòng khách sa-lông, sáng choang đèn điện. Hai mế con lặng lẽ xuống chái bếp cũ, ngồi hơ lửa. Chỉ ông và mế già còn ăn vận theo lối xưa. Ông áo chàm, mũ nồi, mế thì quấn ngàng (vành khăn quấn tóc), đeo vòng bạc. Hai mế con ông vẫn giữ nguyên chất “sơn dân” bản địa, không lẫn vào đâu.
Căn nhà sàn gỗ cũ bị phá, thay bằng nhà tầng, hai mế con vừa buồn vừa tiếc. Mế nhất quyết giữ bằng được chái bếp xưa. Cây nhãn cổ thụ không giữ nổi, bị cưa trụi sát đất, mặt gốc to như cái mâm đồng.
Bờ sông Hiến đã và đang được kè bê-tông phục vụ đô thị hóa. Đồng ngô, bãi mía lần lượt bay biến. Thị dân ngày càng dồn dần sơn dân vào sát vách núi, phía thượng du xa xôi. “Không được ở bờ sông gần mế thì mình ngược thượng nguồn, vẫn bờ sông, lại làm nhà lá, trồng ngô, không sợ đói”. “Người bờ sông” ông Đoàn phất tay như tạm biệt và nụ cười buông bỏ.
Sông Hiến bắt nguồn từ vùng núi Khau Vài, dài khoảng 62km, diện tích lưu vực 930km², độ cao trung bình 526m, là phụ lưu của sông Bằng và là một trong hai nguồn nước sạch phục vụ TP Cao Bằng. Dòng sông từng bị ô nhiễm nặng nề, có độ đục gấp 400 lần cho phép, do nạn khai thác khoáng sản. Nhà máy phải thay thiết bị, thay bổ sung hóa chất lọc nước để tiêu độc. Sau một thời gian thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Tỉnh ủy Cao Bằng về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép gây ô nhiễm sông Hiến, sông Bằng, nguồn nước của hai con sông này đã trong xanh trở lại.
Theo DƯƠNG HOA (NDĐT)
 

Có thể bạn quan tâm