Phóng sự - Ký sự

Người chiến sĩ kiên trung bất khuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng tôi vẫn chưa nguôi niềm thương tiếc đối với người đồng chí, đồng đội và là người bạn chiến đấu thân thiết của mình. Anh bị giặc Pháp bắt đưa về Pleiku tra tấn rồi đưa trở lại hành quyết tại quê anh, ngay nơi đơn vị chúng tôi đang bám trụ hoạt động. Đó là anh Đinh Hngim-đội viên Đội Vũ trang Tuyên truyền Xây dựng được đơn vị biệt phái về làm Hội trưởng Hội Thanh niên đánh Tây kiêm chính trị viên xã đội du kích mật xã Yang Nam khi mới thành lập (1949).

.
 

Năm 1948, Đội Vũ trang Tuyên truyền Xây dựng chúng tôi do anh Nguyễn Thứ làm Đội trưởng, anh Tôn Thành Long làm Chính trị viên, được lệnh cấp trên, vượt qua sông Ba qua phía Tây bám trụ hoạt động, xây dựng thực lực kháng chiến. Địa bàn dọc phía Tây sông Ba thuộc huyện Đak Bơt tuy không rộng lắm nhưng có đến 4 đồn khố xanh đóng giữ, kìm kẹp nhân dân trong vùng là đồn Yama, đồng Pơbah, đồn Hra và đồn Đe Alao, mỗi đồn có từ 1B đến 2C lính khố xanh Pháp đóng. Bộ máy ngụy quyền tai sai Pháp từ làng tổng, huyện được Pháp xây dựng hoàn chỉnh.
 

Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ. Ảnh: Đức Thụy

Sau khi ổn định nơi trú quân, đơn vị cử 1A thọc sâu vào buôn làng của người Bahnar tìm cách tiếp xúc với dân làng để gây cơ sở kháng chiến chống Pháp. Người đầu tiên chúng tôi gặp là cụ Đinh Gơng, làng Brang Tơpé. Sau vài ba lần tiếp xúc, cụ Gơng tin chúng tôi là Bộ đội Cụ Hồ. Lần sau cụ dẫn theo một thanh niên tuấn tú, khỏe mạnh, lanh lợi đến điểm hẹn gặp chúng tôi và giới thiệu: “Đây là con trai ta tên là Đinh Hngim!”.

Chiều hôm đó anh Thứ quyết định đưa cha con cụ Đinh Gơng vào chỗ trú quân của đơn vị nghỉ qua đêm. Trước khi ra về, cụ Gơng nói với anh Thứ: “Ta cho Hngim đi theo các anh làm lính Bok Hồ vì cái bụng Hngim nó muốn vậy, ta đã đồng ý rồi, các anh hãy dạy cho nó biết điều hay lẽ phải cần làm, cái ác, cái xấu phải tránh và học, làm theo những điều Bok Hồ đã dạy các anh…”. Từ đó, anh Hngim được kết nạp vào Đội Vũ trang Tuyên tuyền Xây dựng của chúng tôi.

Hngim rất thông minh, dũng cảm, siêng năng, rất giỏi làm rẫy, đẽo gỗ, làm cửa nhà, đan lát đồ dùng gia đình rất đẹp. Anh còn là một tay bắn nỏ, múa đao, phóng lao, săn bắn chim thú giỏi nhất làng. Môn văn hóa, văn nghệ như đánh chiêng, gõ trống, gảy đàn, múa hát rất hay, ít có người sánh kịp. Anh rất kính trọng người già, thương yêu trẻ, quý mến bạn bè. Đặc biệt là anh rất có uy tín trong giới thanh-thiếu niên, được thanh-thiếu niên tôn vinh, gọi anh là huynh trưởng.

Do vậy, chỉ trong thời gian ngắn anh đã tập họp được hàng trăm thanh niên vào Hội đánh Tây và Đội Du kích mật trong vùng địch còn chiếm đóng kìm kẹp ở quê anh là địa bàn hoạt động của Đội Vũ trang Tuyên tuyền chúng tôi. Cũng trong thời gian này, chi bộ Đội Vũ trang Tuyên tuyền nhận xét thấy anh Hngim đã giác ngộ khá tốt, đủ điều kiện nên chi bộ đề nghị cấp trên quyết định kết nạp anh Hngim vào Đảng. Được một vinh dự vô cùng lớn lao này, trong ngày kết nạp Đảng, anh Hngim xúc động tuyên thệ “… Tôi thà chết chứ không bao giờ bỏ Bok Hồ, không bao giờ bỏ Đảng, không bao giờ phản bội dân làng…”.

Một hôm, Hngim cùng một số cán bộ và đội viên du kích xã Nam Yang đi dự lễ mừng sinh nhật Bác Hồ với đơn vị chúng tôi ở Kông Hơ Nuh về, chẳng may bị lọt vào ổ phục kích của lính Pháp, các anh em khác thoát, anh Hngim bị thương, không chạy được, bị địch bắt. Tại đồn Pơbah, anh bị tra tấn bắt khai lực lượng du kích và nơi đóng quân của Bộ đội Cụ Hồ hoạt động trong vùng, nhưng anh kiên trì chịu đựng, địch không khai thác được gì. Anh bị đưa lên giam giữ ở Nhà lao Pleiku và tiếp tục tra tấn, dụ dỗ mua chuộc nhưng chúng không lay chuyển được anh.

Tháng 11-1952, địch đưa anh trở lại đồn Pơbah (một trong 4 đồn địch đóng trên địa bàn quê anh Hngim) hành quyết hòng uy hiếp tinh thần chống Pháp của nhân dân nơi đây. Anh em đảng viên, du kích, một số cơ sở kháng chiến và dân các làng trong vùng bị Pháp cưỡng bức lùa đến tập trung ở đồn Pơbah để coi chúng hành quyết anh Hngim, đã kể lại rằng:

Bọn lính đồn dẫn anh Hngim từ phòng giam ra sân, nơi đồng bào bị chúng tập trung đứng sẵn. Tên đồn trưởng Legule chỉ vào mặt anh Hngim rồi quay sang phía đồng bào nói: “Thằng này theo cái tai, cái bụng Hồ Chí Minh, nó cầm đầu dân vùng này chống lại Pháp, lẽ ra nó phải chết, nhưng vì nó đã hứa không theo cái tai, cái bụng Hồ Chí Minh nữa và khuyên dân làng làm như thế. Nó sẽ chỉ bọn theo Hồ Chí Minh cho tao, tao sẽ tha tội chết và cho nó làm Chánh tổng”. Trong lúc tên đồn trưởng đang khoác lác, anh Hngim đứng hiên ngang, hai tay bị còng, ngoảnh mặt về phía dân làng, tủm tỉm cười, bĩu môi và lắc đầu (muốn nói với bà con là thằng Tây nó nói láo, anh không bao giờ làm như thế!).

Tên đồn trưởng quay lại bảo anh Hngim: “Mày hứa đi, khuyên dân làng đi và chỉ bọn theo Hồ Chí Minh cho tao-chức Chánh tổng đang chờ mày đấy!”. Anh Hngim bình tĩnh bước tới gần bà con và nói lớn: “Thưa bà con dân làng! Thằng Tây đây bảo tôi hứa không theo cái bụng tốt của Bok Hồ nhưng tôi không biết hứa. Thằng Tây bảo tôi khuyên bà con đừng theo cái bụng tốt của Bok Hồ, vì Tây sợ không còn ai theo Tây…”.

Anh định nói thêm, nhưng tên Tây đồn trưởng đã nắm gáy anh giật ngược lại, quát lớn: “Thôi! Đủ rồi! Mày nói bậy!”, rồi nói tát tới tấp vào mặt anh, máu miệng máu mũi anh trào ra… Tên Pháp tức tối nghiến răng ken két và gầm lên: “Mày nói bậy, mày muốn chết!...”, nhưng tao không giết mày đâu! Bây giờ mày chỉ đi?...”. Nó lệnh lính tháo còng tay để anh chỉ…

Vẫn tư thế ban đầu, anh Hngim nhìn xuống đám đông, đảo mắt qua một lượt. Mặc dù thấy rõ cán bộ, đảng viên, du kích, những người đã cùng anh sinh hoạt, công tác và hoạt động du kích, đánh lính Pháp hàng chục trận khi chúng ngang nhiên vào làng cướp bóc hãm hiếp. Nhưng anh quay mặt lại nhìn tên Tây đồn trưởng, anh lắc đầu. Thằng Tây nổi khùng quát lớn: “Tại sao mày không chỉ? Cái tay mày không biết chỉ hả? Đưa tay đây tao dạy cho mày chỉ!”. Nó vừa hét vừa nắm cánh tay anh Hngim, rút kiếm chặt mạnh vào bàn tay anh, làm đứt phăng 3 ngón rơi xuống đất, một ngón khác còn dính lòng thòng. Anh cắn răng, dùng tay không bị chặt bứt đứt ngón tay mình, ném vào mặt tên đồn trưởng và thét:

- Đó! Mày ăn đi! Con cọp dữ!
Anh Hngim chỉ vào mặt tên đồn trưởng nói tiếp:
- Mày hung bạo hơn cọp, nhưng lại ngu hơn heo! Theo Bok Hồ hay không theo là ở trong bụng họ, làm sao tao thấy được mà bảo tao chỉ?
Tên đồn trưởng quát:
- Thế trong bụng mày cũng có Hồ Chí Minh?
- Tùy mày hiểu. Anh Hngim trả lời.

Theo lệnh của tên đồn trưởng, bọn lính kéo anh Hngim lại trói vào cột cờ. Anh ngoái cổ, nhìn tên Tây đồn trưởng, hô lớn:

- Yang sẽ bắt chết mày! Hồ Chí Minh muôn năm! Đả đảo giặc Pháp! Giặc Pháp nhất định thua! Kháng chiến nhất định thắng…!”. Anh chưa hô đến chữ “lợi” thì mũi dao găm nhọn hoắc của tên Pháp đã phập vào ngực anh, rọc một đường từ ngực đến rốn, làm đứt luôn hai lớp khố anh quấn ngang lưng. Nó thọc tay vào móc lấy quả tim anh Hngim giơ lên trước đám đông dân làng. Cả thân nó nhuộm đầy máu.

Ngay sáng hôm sau, chúng tôi hướng dẫn cho một số cơ sở nội tuyến (chủ làng được ta giác ngộ) vào đồn phản đối hành động dã man của bọn Pháp, đòi đưa xác anh Hngim về làng chôn cất theo phong tục của người Bahnar. Nhưng khi đến nơi, chúng bảo là xác anh Hngim đã vứt xuống sông Ba rồi. Năm ngày liên tiếp dân làng huy động ghe thuyền bè… và người lặn nước giỏi, cố gắng theo sông Ba tìm xác anh Đinh Hngim nhưng không thấy!

Trong thời kháng chiến chống Pháp, ở địa bàn Gia Lai đã có biết bao cán bộ, đảng viên, du kích và dân làng bị Pháp giết hại, nhất là những nơi phong trào nhân dân du kích chiến tranh phát triển mạnh như huyện Đak Bơt, huyện An Khê… Nhưng ít có ai gan dạ và khí phách anh hùng như anh Đinh Hngim.

Văn Xử
 

Có thể bạn quan tâm