Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Người cộng sản kiên cường, bất khuất, cần, kiệm, liêm chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhớ đến cụ Trần Hữu Dực, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bất cứ ai đã từng làm việc cùng thời với cụ đều bày tỏ sự tôn kính và lòng ngưỡng mộ, coi cụ là tấm gương sáng về đức tính kiên cường, bất khuất, cần, kiệm, liêm chính của một người cộng sản.
 

 

Cụ Trần Hữu Dực sinh ngày 15-1-1910 tại làng Dương Lệ Đông, tổng An Gia, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nay thuộc xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân trong một gia đình nho học nhưng thực chất là nông dân nghèo, cụ tham gia hoạt động cách mạng từ năm 15 tuổi, và đến năm 1929, khi mới 19 tuổi, cụ được kết nạp vào Đảng cộng sản. Năm 1930, khi tròn 20 tuổi, cụ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Trong 60 năm hoạt động cách mạng của mình, cụ bị đế quốc thực dân bắt giam tại bốn nhà tù, nhà đày, đó là: nhà tù Quảng Trị, nhà đày Lao Bảo, nhà đày Buôn Ma Thuột, nhà tù Phan Thiết với tổng thời gian tù đày là 13 năm. Trước mọi cực hình tra tấn tàn khốc của kẻ thù, cụ đã giữ vững ý chí chiến đấu, kiên cường “bước qua đầu thù”.

Ông Trần Hữu Thắng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, con trai út của cụ kể: “Khi đối mặt với kẻ thù, ba tôi đã chịu mọi cực hình tra tấn, mọi thủ đoạn rất dã man của kẻ thù. Nhiều lúc chết đi sống lại trước những đòn roi tra tấn và công cụ cực hình, ông đều vượt qua. Ba tôi còn nhắn nhủ với các đồng chí của mình đang bị giam trong các nhà tù rằng, nếu khi kẻ thù tra tấn mà mình run sợ thì mình càng bị chúng lấn tới và khả năng chịu đựng của mình sẽ kém hơn. Thậm chí ông còn thách thức với những kẻ đã tra tấn ông. Chính những kẻ đã tra tấn ba tôi thì lại run sợ trước ý chí kiên cường và sức chịu đựng của ông. Chính tên chánh mật thám Pháp tại nhà tù Phan Thiết cũng phải thốt lên rằng, những người cộng sản như ông thì chúng cũng phải đầu hàng, không có thể làm gì khác được”.

Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ Trần Hữu Dực được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ. Trong quá trình công tác, cụ được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách khác nhau: Ủy viên Trung ương Đảng (khóa I, II, III, IV), đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII, Ủy viên Đảng đoàn Chính phủ, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Trưởng Ban công tác nông thôn Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông trường, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Trưởng Ban công tác đặc biệt của Đảng và Nhà nước, Bí thư Khu ủy Trị Thiên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… Trong hoàn cảnh công tác nào, cụ cũng nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường, trung thực của người đảng viên cộng sản, chiến đấu quyết liệt chống mọi kẻ thù của cách mạng.

Trong mọi việc làm và hành động của mình, cụ đều chú ý đến việc tiết kiệm, từ việc sử dụng giấy tờ tài liệu, tài sản công, đến chi tiêu cá nhân. Cụ cho rằng, tiết kiệm là một yêu cầu của cách mạng và cuộc sống trong lúc đất nước còn rất khó khăn và cần phải tiết kiệm để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của Tổ quốc. Đúng như phương châm của Nhà nước ta “Tiết kiệm là quốc sách, lãng phí là kẻ thù của cách mạng”, nên cụ thực hiện rất nghiêm túc và luôn nêu một tấm gương về tiết kiệm. Đức tính tiết kiệm của cụ có từ rất lâu, nhưng cũng là học tập từ gương của Bác Hồ để soi vào trong cuộc sống của mình.

Được làm việc với cụ Trần Hữu Dực trong giai đoạn 1964 - 1975, khi cụ giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng và sau đó là Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Dương Văn Phúc nhớ lại: “Tôi nghĩ cụ là một con người đặc biệt. Cụ rất tận tụy, hết lòng hết sức vì công việc, chứ không nghĩ gì khác, chỉ công việc và công việc thôi. Cụ rất liêm khiết, không bao giờ có suy nghĩ hay yêu cầu gì cho cá nhân mình. Khi đó tôi vừa phụ trách mảng tổ chức cán bộ, vừa quản trị nên tôi biết rất rõ. Khi làm bất cứ việc gì, cụ cũng đều cân nhắc, không có chuyện nịnh thủ trưởng hay quan tâm thủ trưởng để được thủ trưởng ban cho đặc ân gì đó. Tôi luôn noi gương cụ - một tấm gương sáng về sự tận tụy với công việc, về trách nhiệm và liêm khiết, cuộc sống rất giản dị, không đòi hỏi gì ở Nhà nước cho việc riêng của mình”.

Nhớ về cụ Trần Hữu Dực, ông Trần Việt Phương - nguyên Thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Tôi được biết ông Trần Hữu Dực từ khi hoạt động ở Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp năm 1949. Lúc đó, ông Trần Hữu Dực là Ủy viên Đảng đoàn Chính phủ. Con người ấy mắt nhìn, chân đi, miệng nói, óc nghĩ, tâm ghi và tay làm. Tức là một con người toàn thân hoạt động, và hoạt động suốt đời, từng giây, từng phút, rất hiếm tìm được một con người thứ hai như thế. Trần Hữu Dực là con người dám bay bổng trên bầu trời lý tưởng của mình vì dân, vì nước, vì dân tộc. Đồng chí ấy rất được Thủ tướng Phạm Văn Đồng kính trọng”.

Từ lúc nghe, đọc và biết hai chữ “cộng sản” cho đến khi trở thành người đảng viên và trong suốt cuộc đời, lúc nào cụ Trần Hữu Dực cũng suy nghĩ phải sống sao cho xứng đáng là người cộng sản. Từ hai chữ “cộng sản”, đến Đảng Cộng sản, đảng viên cộng sản, giai cấp vô sản, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chế độ xã hội chủ nghĩa, và rất nhiều vấn đề khác của cách mạng, tất cả đều quy vào con người cộng sản. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết: “Đồng chí Trần Hữu Dực là một đảng viên cộng sản hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, nêu tấm gương kiên cường bất khuất, cần kiệm liêm chính”.

 

https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42913602-nguoi-cong-san-kien-cuong-bat-khuat-can-kiem-liem-chinh.html

Theo Quốc Khánh (nhandan)

Có thể bạn quan tâm