Hết học kỳ 1 năm học 1959 - 1960, thầy Nguyễn Văn Bôn về huyện Mường Tè họp, mới biết Mù Cả tập hợp gần như 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, trong khi các xã khác chỉ có 4 - 5 em.
Thầy giáo Nguyễn Văn Bôn với dân bản Mù Cả, Mường Tè, năm 2012. Ảnh: NVCC |
Thành tích của Mù Cả lan nhanh khắp Tây Bắc khiến cán bộ huyện, tỉnh theo nhau vượt núi băng rừng vào xem. Kết thúc năm học, thầy Bôn được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen.
Kết nạp đảng trong rừng sâu
Giữa tháng 1.1961, thầy Nguyễn Văn Bôn được kết nạp Đảng ngay tại Trường cấp 1 Mù Cả. Không có cờ Đảng, thầy Bôn nắm tay tuyên thệ trước 5 đảng viên người Hà Nhì trong chi bộ và nhận quyết định đánh máy trên giấy pơ luya, do ông Trịnh Văn Biên mang từ huyện vào. “Hồi ấy tôi chỉ nặng 39 kg, ốm yếu suốt vì toàn nhường cơm cho học sinh, mình thì ăn củ nâu củ mài. Lương thì cao, những 44 đồng (mua được 2 chỉ vàng) nhưng tiền nhận toàn cất dưới đáy hòm, nửa năm xuống chợ huyện thì mới lấy lên mua đồ dùng, thực phẩm nuôi học sinh”, thầy Bôn nhớ lại và cười: “Tự động viên vượt qua vì mình không chỉ là đảng viên, phải gương mẫu mà còn là thầy giáo dưới xuôi lên”.
4 năm liền nỗ lực dạy chữ, đến năm 1963, Mù Cả là xã đầu tiên của rẻo cao phía bắc được ghi nhận đã xóa nạn mù chữ, và thầy giáo Nguyễn Văn Bôn được coi như là “cha đẻ” của mô hình nuôi học sinh tại nhà dân ở miền Bắc. Trước đó ngày 3.6.1962, Hồ Chủ tịch ký tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam cho thầy giáo Nguyễn Văn Bôn, giáo viên phổ thông cấp 1 xã Mù Cả, H.Mường Tè, khu tự trị Tây Bắc do có thành tích “xung phong lên dạy vùng rẻo cao, kiên trì vận động đồng bào đi học, từ chỗ không có người biết tiếng phổ thông nay đã mở được nhiều lớp và ký túc xá cho học sinh. Là người dạy giỏi, đồng thời là người tuyên truyền các chính sách của Đảng và Chính phủ, phổ cập trong đồng bào miền núi, góp phần thay đổi bộ mặt của xã từ chỗ nghèo nàn lạc hậu trở thành 1 xã tiên tiến nhất trong châu”.
Thầy Nguyễn Văn Bôn gặp lại học sinh cũ của mình khi trở lại Mù Cả, năm 2012.ẢNH: NVCC |
Khi thầy Nguyễn Văn Bôn được gọi về Hà Nội, tại trụ sở Bộ Giáo dục, ông rất ngạc nhiên khi thấy mọi người cứ nhìn ông thầm thì: “Anh hùng đấy!”. Mãi mấy ngày sau, khi dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III và được gọi lên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông mới biết mình được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cùng bác sĩ Tôn Thất Tùng, kỹ sư Trần Văn Giao, thuyền trưởng Hồ Xuân Tuyên...
Hôm nhận danh hiệu, báo chí xúm vào phỏng vấn “Động cơ nào phấn đấu thành anh hùng”, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn thật thà: “Tôi chẳng biết thi đua là gì đâu. Tôi chỉ làm theo lương tâm và nhiệt tình của mình chứ không nghĩ đến việc thành anh hùng. Mình ở vùng sâu vùng xa, thì chỉ cắm đầu làm tốt công việc”, khiến mọi người cười bò.
Không chịu làm hiệu trưởng
Sau khi được phong Anh hùng lao động, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn quay lại Mù Cả, dạy học sinh của mình hết lớp 4 và giữa năm 1964 mới bàn giao công việc, về Hà Nội học Trường phổ thông lao động T.Ư (hệ cán sự 3) để hoàn thiện văn hóa cấp 3.
2 năm 3 lớp, đến năm 1966 ông được xét tuyển vào đại học. Nguyện vọng của ông là vào Đại học Bách khoa, nhưng lãnh đạo Bộ Giáo dục không đồng ý, đưa ông sang học Khoa Vật lý của Đại học Sư phạm. Trầy trật học, đến cuối 1970, thầy Nguyễn Văn Bôn ra trường và được cử về TP.Hải Phòng công tác. Do là Anh hùng lao động của ngành, nên lãnh đạo Sở Giáo dục TP.Hải Phòng đưa ông về Q.Ngô Quyền làm hiệu trưởng 1 trường điểm. Thầy giáo Bôn nhất quyết không nhận với lý do: “Tôi dạy lớp 1 quen rồi. Đừng bắt tôi làm cán bộ, quản lý các thầy cô giáo có trình độ”, và viết đơn lên Bộ Giáo dục xin được trở về Mường Tè (Lai Châu) công tác. Sở Giáo dục TP.Hải Phòng không đồng ý, thầy Bôn đạp xe lên tận Hà Nội, tìm thứ trưởng Hồ Trúc đề xuất nguyện vọng, khiến ông Trúc bật cười: “Anh cứ về lại TP.Hải Phòng công tác. Làm lãnh đạo mới khó, chứ muốn làm giáo viên bình thường thì quá đơn giản”.
Mọi người cứ bảo là tôi đã biến Mù Cả thành sáng cả. Nhưng không, chính Mù Cả đã thắp sáng cho tôi lý tưởng cộng sản để tôi được làm anh hùng. Giờ có làm lại, tôi vẫn chọn con đường Tây Bắc ấy
Anh hùng lao động Nguyễn Văn Bôn
|
Năm 1972, sau khi đã hoàn thành khóa học tại Trường Đảng (nay là Trường Chính trị Tô Hiệu, TP.Hải Phòng), thầy Nguyễn Văn Bôn được cử về dạy môn vật lý tại Trường cấp 3 Ngô Quyền B (nay là THPT Trần Nguyên Hãn, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng) cho đến khi nghỉ hưu (năm 2000). Suốt 28 năm làm giáo viên, ông cặm cụi vì học sinh, nhà trường và rất ít người biết ông là Anh hùng lao động từ năm 1962.
Anh hùng lao động Nguyễn Văn Bôn phát biểu trong lễ kỷ niệm 55 năm đoàn giáo viên lên công tác miền núi, tháng 11.2014 ẢNH: TƯ LIỆU |
Sống khổ cũng không xin xỏ
Tháng 8.1959, trước khi xung phong lên Tây Bắc dạy học, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn yêu cô giáo dạy vỡ lòng Phạm Minh Huệ (xã Thụy Phong, H.Thái Thụy, Thái Bình). Ở Tây Bắc, thầy Bôn biết cô Huệ chuyển công tác sang đoàn văn công Tả Ngạn (nay là đoàn chèo Hải Phòng), nên viết thư về dặn: “Tôi lên công tác Tây Bắc. Chốn này rừng thiêng nước độc, chẳng biết sống chết ra sao. Huệ đi tìm hạnh phúc cho mình đi. Chúng ta từ giờ sẽ là bạn”. Mấy tháng sau, cô Huệ trả lời: “Dù gian khổ thế nào, em vẫn đợi anh”.
Khi về Hà Nội nhận danh hiệu Anh hùng lao động, báo chí phỏng vấn “có người yêu chưa?”. Thầy Bôn thật thà: “Tôi có yêu một cô văn công”. Khi báo đăng, ông Bình Phương (Bí thư khu tự trị Thái - Mèo) hỏi: “Sao lại yêu văn công?”. Thấy thầy Bôn lơ ngơ: “Trước cô ấy là giáo viên. Yêu thì cứ yêu thôi”, ông Bình Phương đốc thúc tổ chức đám cưới. Cuối tháng 8.1962, thầy Bôn về Hải Phòng cưới vợ, theo mô hình “nếp sống mới”. Đang tổ chức thì chú rể lăn đùng ra sàn Nhà hát lớn Hải Phòng vì... lên cơn sốt rét.
Khi mới lấy nhau, ông Bôn ở nhờ tiêu chuẩn của vợ trong khu tập thể tự phát của nhân viên Đoàn chèo Hải Phòng, phía sau Nhà hát lớn. Những năm 1980 khu nhà bị giải tỏa, ông Bôn đi khắp nơi tìm chỗ nương náu nhưng không được, đành đưa cả nhà xuống ở khu hầm ngầm (hầm trú ẩn, người Pháp làm từ 1904 - 1912, khi xây dựng nhà hát).
Mấy người bạn trên Bộ Giáo dục xuống thăm, tròn mắt: “Ông là anh hùng, có chế độ nhà cơ mà?”. Ông Bôn chỉ sang ngăn bên: “Ông Diệu làm sở văn hóa, có con là liệt sĩ mà cũng không có tiêu chuẩn ấy. Mình đã là gì mà được cấp nhà!”... Câu chuyện 2 gia đình anh hùng lao động và bố mẹ liệt sĩ không có chỗ ở, phải chui xuống hầm ngầm cũ kỹ tá túc, đến tai ông Trần Kiên (lúc ấy là Bí thư Thành ủy Hải Phòng) và ông Kiên chỉ đạo cấp ngay cho 1 gian gác 16 m2 ở phố Ký Con. Thời kỳ khó khăn vất vả, vợ chồng ông Bôn đành bán căn nhà lấy tiền nuôi 5 đứa con ăn học và chuyển ra mua đất ở khu đất hoang toàn muỗi chuột, cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (bây giờ thuộc Q.Hải An, TP.Hải Phòng).
Tôi tìm về TP.Hải Phòng thăm người anh hùng đang sống một mình. Ông kể: Bà Huệ đã mất 20 năm trước. 5 đứa con thì cũng mất 2 còn 3. Giờ, ông ở cạnh con cả (52 tuổi, lái xe ở Sở GTVT TP.Hải Phòng). Mỗi tháng, ông nhận chế độ gần 9 triệu (7 triệu lương hưu và 1,4 triệu tiền anh hùng), nhưng cũng chẳng tiêu gì, toàn đóng góp các quỹ từ thiện xây trường lớp, tặng học bổng học sinh. Cuối tháng 7.2020, khi biết tin Trường mầm non Mù Cả quyên góp xây dựng nhà ăn cho học sinh, ông gửi luôn 10 triệu đồng đóng góp.
“Mọi người cứ bảo là tôi đã biến Mù Cả thành sáng cả. Nhưng không, chính Mù Cả đã thắp sáng cho tôi lý tưởng cộng sản để tôi được làm anh hùng. Giờ có làm lại, tôi vẫn chọn con đường Tây Bắc ấy”, Anh hùng lao động Nguyễn Văn Bôn khẳng định.
(còn tiếp)
Theo Mai Thanh Hải-Nguyễn Độc Lập (TNO)