Phóng sự - Ký sự

Người của biển khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt

Tôi gặp anh Trần Cu Anh ở cảng cá Sa Huỳnh, sau khi anh hạ thủy con tàu dài 17 m. Vuốt mớ tóc dài đẫm mồ hôi, anh nói: "Mùa cá Nam đã bắt đầu rồi. Mấy hôm nay, tôi lo tu sửa máy móc, làm nước thân tàu ở HTX Cơ khí tàu thuyền Viễn Đông. Giờ xong rồi, chuẩn bị ra khơi".

Đứng mũi chịu sào

Trần Cu Anh vóc người tầm thước, khỏe mạnh, hay cười. Anh nói đến với nghề biển là điều tất nhiên, bởi ở cửa biển Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trẻ con sinh ra là đã thấy biển, lớn lên một chút thì đi học, mùa hè theo cha phụ làm những công việc nghề biển.

Năm 18 tuổi, Trần Cu Anh đã trở thành thành viên chính thức trên chiếc tàu đánh cá chuồn mà cha mình làm thuyền trưởng. Biết đời anh rồi sẽ gắn bó dài lâu với biển, nên lúc ra khơi, cha anh thường chỉ cho con về cách nhìn gió, nhìn trời, nhìn dòng hải lưu luân chuyển mà dò luồng cá.

Ngư dân Trần Cu Anh

Ngư dân Trần Cu Anh

"Cha dạy nhiều. Nhưng hồi đó tuổi trẻ nông nổi, nghĩ mọi sự nhẹ hều. Bởi xảy ra chuyện gì thì cứ dựa vào cha" - Trần Cu Anh kể.

Cho đến 5 năm sau, khi anh cưới vợ, chuyện làm ăn mới thật sự bắt đầu. Góp nhặt tiền mừng cưới, tiền cha mẹ cho, anh cùng vợ là Lê Thị Minh bàn bạc rồi quyết định vay thêm vốn để mua một con tàu cũ, giá 22 cây vàng.

"Cái ngày đầu tiên làm chủ con tàu ra khơi nó khác lắm. Thì cũng biển, cũng các thành viên là anh em trong xóm nhưng mình đứng mũi chịu sào, lo cơm áo cho anh em nên phải tính toán rất nhiều. May mà lèo biển đầu tiên đánh bắt cá được sản lượng khá" - Trần Cu Anh nhớ lại.

Vùng biển quần đảo Hoàng Sa lệ thường sau Tết Nguyên đán cá chuồn quần tụ khá nhiều. Chúng bơi trong lòng biển xanh và cao hứng bay giữa không trung. Có con rơi độp xuống boong tàu. Hồi đó chưa có định vị nên sử dụng radio để bắt sóng mà xác định tọa độ, ra khơi là tách biệt với đất liền, chỉ còn trời mây và biển mênh mông.

Trần Cu Anh có trí nhớ khá tốt. Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu luân chuyển thế nào để mùa sau, năm sau quay trở lại...

Nhờ đó, nên lệ thường mỗi lèo biển kéo dài khoảng 10 ngày thì tàu bạn đánh được 5 - 7 tấn cá, còn tàu của anh đánh bắt được 8 - 9 tấn cá. Ở bến cảng, nghe tiếng của Cu Anh là biết cá chuồn về. Những con cá chuồn cồ khá lớn lấp đầy khoang.

Ngang dọc biển khơi

Đánh bắt cá chuồn sau 15 năm, Trần Cu Anh bán con tàu cũ rồi đóng tàu mới dài 17 m, công suất hơn 700 CV, chuyển sang nghề đánh bắt cá ngừ đại đương và cá ngừ chù, cá ngừ sọc dưa.

Hôm bán con tàu cũ, anh cứ tần ngần mãi. Bởi nó không đơn thuần là phương tiện sinh kế, mà còn gắn bó với anh sau những tháng năm dài lênh đênh.

Ngư dân Trần Cu Anh (bìa phải) cùng bạn chài chuyển đá cây lên tàu chuẩn bị ra khơi

Ngư dân Trần Cu Anh (bìa phải) cùng bạn chài chuyển đá cây lên tàu chuẩn bị ra khơi

Vùng ngư trường trải rộng từ quần đảo Hoàng Sa đến Trường Sa - nơi có khá nhiều tàu của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tham gia đánh bắt hải sản.

Đầu mùa biển, Trần Cu Anh đưa tàu đi đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa rồi về cửa biển Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ) hoặc Sa Kỳ (TP Quảng Ngãi) bán, tiếp nhiên liệu. Rồi ngư trường chuyển dịch về phía Nam, đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa, nơi bán cá và tiếp nhiên liệu là cảng Quy Nhơn, Hòn Rớ, Cam Ranh…

Khác với cá chuồn, cá ngừ ở vùng có chà cây nên ban đêm anh cùng bạn chài chong đèn để cá quần tụ, quây lưới đánh và canh chừng lúc rạng đông cá bơi nhiều thì bủa lưới. Riêng cá ngừ đại dương thì móc mực câu. Có con lớn từ 100 - 150 kg, mắc câu nhưng còn khỏe lắm, phải lập kế mới đưa được lên tàu.

Ngư dân Trần Cu Anh hiểu rừng có những quy tắc của rừng, biển có quy tắc của biển. Với anh, chỉ có sự cảm thông, chia sẻ mới thực sự bền lâu. Chính suy nghĩ này nên nhiều năm qua, với anh không có chuyện giành giật ngư trường. Mỗi khi trên hải trình mà gặp tàu của ngư dân tỉnh bạn, bao giờ anh cũng phát tín hiệu chào nhau. Mỗi chuyến ra khơi, nhóm tàu của anh gồm 7 chiếc luôn cùng nhau chia sẻ ngư trường đánh bắt.

Nơi biển khơi, hết mùa biển yên là đến kỳ bão tố. Kinh nghiệm cho mấy rồi cũng phải có lần "dính" bão. Biết bao lần trong cơn cuồng nộ của biển, những con sóng cao vài chục mét bổ xuống thân tàu. Những mẻ cá mới đánh được, thậm chí cả dầu máy, cũng phải trút ngay xuống biển để con tàu nhẹ và thăng bằng hơn.

Những lúc như thế, Trần Cu Anh chỉ còn cách ghìm bánh lái, cố gắng đưa tàu ra khỏi vùng sóng lớn rồi cho tàu trôi tự do. Có khi dạt vào vùng biển Bình Định, có khi tận Khánh Hòa.

Đối diện với những trận cuồng phong, những tai nạn trên biển, Trần Cu Anh hiểu hơn chút tình bền chặt của người xứ biển.

Cách đây 5 năm, khi đánh bắt ở vùng biển quần đảo Trường Sa, ngư dân Thái Thành Nguyên trong lúc xay đá để ướp cá trên tàu, sơ suất bị máy cắt đứt tay, thuyền trưởng vội tăng tốc đưa anh đi cấp cứu nhưng không may va phải rạn san hô nên bị chìm. Nghe tin, Trần Cu Anh bỏ ngay chuyện đánh bắt, mở hết tốc độ, đưa tàu của mình đến cứu anh Nguyên, đưa vào trạm xá hải quân ở quần đảo Trường Sa. Với việc làm năm đó, anh được tặng giấy khen. Anh nói: "Biết anh em bị nạn, ai cũng làm vậy thôi mà".

Góp phần gỡ thẻ vàng

Trần Cu Anh hiểu đánh bắt xa bờ "lớn thuyền thì lớn sóng". Nếu ngày trước, cứ mỗi lèo biển, đánh cá chuồn chỉ khoảng 10 ngày và tàu chỉ có 6 thành viên nên chi phí thấp.

Còn bây giờ, trên tàu có 10 người, mỗi lèo biển kéo dài cả tháng trời, phí tổn khoảng 150 triệu đồng. Nếu không có sự đồng tâm hiệp lực để đánh bắt có hiệu quả thì khó mà trụ được. Vả lại, những năm gần đây, nghề cá phát triển, nếu ứng xử không đúng thì bạn chài sẽ rời tàu của mình mà đi.

Ngư dân Trần Cu Anh và ngư dân Lê Tấn Thành kiểm tra giàn đèn trên tàu trước giờ xuất phát

Ngư dân Trần Cu Anh và ngư dân Lê Tấn Thành kiểm tra giàn đèn trên tàu trước giờ xuất phát

Ngư dân Lê Tấn Thành, thành viên của chiếc tàu mà Trần Cu Anh làm chủ, bộc bạch: "Tôi đi bạn 20 năm rồi, qua nhiều đời chủ tàu. Riêng tàu của anh Cu Anh thì đã 4 năm. Ảnh vui tính, có kinh nghiệm đánh bắt nên tàu đạt hiệu quả, chia phần rất sòng phẳng nên mình nghĩ là sẽ gắn bó dài lâu".

Trần Cu Anh cầm tinh tuổi chuột, giờ đã 53. Bấm đốt ngón tay anh nhẩm tính đã 35 năm làm bạn với biển khơi. Anh bộc bạch: "Biển cho mình nhiều lắm. Nhờ biển mà cuộc sống của mình khá hơn. Có con tàu, có ngôi nhà vững chãi và nuôi được 4 con. Chính vì vậy, mình càng yêu biển và hiểu rõ đánh bắt khơi xa để kiếm sống mà cũng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo".

Lẽ đó, khi nhà nước triển khai chương trình IUU để gỡ thẻ vàng châu Âu, anh lắp ngay thiết bị giám sát hành trình cho tàu và luôn mở thiết bị khi ra khơi để ngành chức năng theo dõi giám sát. Anh cũng không đánh bắt hải sản quý hiếm, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt khi tàu cập bến bán hải sản. Không chỉ dừng lại ở việc thực hiện, anh còn nhắc nhở những ngư dân trong nhóm tàu của mình tự giác nghiêm chỉnh chấp hành.

Thượng úy Phan Đại Dương, Trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Huỳnh, nhận xét: "Trần Cu Anh là ngư dân làm ăn hiệu quả và chấp hành đúng quy định của nhà nước về khai thác hải sản trên biển. Qua anh Trần Cu Anh, lực lượng biên phòng thuận lợi hơn trong việc tuyên truyền về IUU để ngư dân chấp hành quy định tốt hơn...".

Hỏi sao tên của anh lại là Trần Cu Anh? Anh cười khì, nói: "Thì trong gia đình, mình là con trai lớn nên cha mình đặt vậy. Thời đi học, bạn bè chọc ghẹo nhiều lắm nhưng rồi cũng quen". Còn dân làng biển khi nhắc đến anh, họ bảo cái thằng này "chì" lắm, nó ngang dọc biển khơi.

Có thể bạn quan tâm