Người cựu tù làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở làng Bông (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, Gia Lai) ai cũng biết ông Siu Amach làm kinh tế giỏi với mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Thế nhưng, không nhiều người biết rằng ông từng là một cựu tù gan dạ, dũng cảm trong nhà lao của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Kiên trung trong kháng chiến
Gần 70 tuổi nhưng ông Siu Amach vẫn còn minh mẫn lắm. Bên ly cà phê sáng, ông hồi tưởng lại quá khứ tham gia cách mạng của mình với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Ông sinh năm 1949 tại làng Ya (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah). Lúc lên 13 tuổi, thấy địch bắt bớ, giết hại dân làng vô cớ, ông căm thù lắm. Song vì còn nhỏ nên ông chỉ được cha mẹ cho tham gia sản xuất để lấy lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho cách mạng. Năm 17 tuổi, ông tham gia cách mạng tại địa phương với nhiệm vụ: gùi lúa gạo cho bộ đội; vót chông rồi tham gia cắm chông để bẫy địch và kiêm luôn công tác giao liên. “Dù vẫn biết tham gia làm cách mạng là nguy hiểm nhưng vì căm thù giặc, mình xông pha ngay”-ông Amach nhớ lại.
Năm 1966, trong một lần cùng cha gùi gạo lên núi Kon Grang (xã Chư Đăng Ya) cho cán bộ cách mạng, cả 2 cha con không may bị địch bắt và giam ở nhà lao Pleiku. Vì cho rằng 2 cha con ông là những người thường xuyên liên lạc với cách mạng nên chúng dùng đủ mọi hình thức tra tấn nhằm khai thác thông tin. “Cứ đến 9 giờ tối, chúng bắt đầu tra tấn các tù nhân. Những ai kiên quyết không khai thông tin về căn cứ cách mạng đều chết đi sống lại bởi những trận đòn roi của địch. Bản thân tôi nhiều lúc bị chúng dùng roi cao su đánh, dùng chân đá vào ngực, bụng và mặt cho bật cả máu. Nhiều đêm, đau đến tưởng chừng không thể sống nổi”-kể đến đây, ông Amach chùng giọng.
 Ông Siu Amach. Ảnh: Hồng Thương
Ông Siu Amach. Ảnh: Hồng Thương
Thế nhưng, sau 1 năm giam cầm và tra tấn nhưng không khai thác được gì, cuối cùng địch phải trả cha con ông về lại quê nhà. Sức khỏe bị giảm sút trầm trọng do đòn roi tra tấn của địch nên cha ông mất 3 năm sau đó, còn bản thân ông Amach phải điều trị cả năm mới hồi phục. Trong thời gian này, ông lập gia đình rồi chuyển về quê vợ sinh sống tại làng Bông (xã Hà Bầu). Tại đây, ông tiếp tục tham gia du kích với nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực đánh phá các ấp chiến lược. Ông Amach tâm sự: “Tôi không nhớ mình đã bao nhiêu lần dẫn đường cho bộ đội đánh giặc. Tôi chỉ nhớ, chiến tranh lúc đó rất ác liệt. Bộ đội mình chiến thắng cũng nhiều nhưng hy sinh cũng lắm. Càng chứng kiến cảnh đó, tôi càng căm thù và luôn xác định ngày nào còn sống là ngày đó tôi còn vót chông, dẫn đường cho bộ đội”.
Tích cực lao động sản xuất
Sau ngày đất nước được giải phóng, ông Siu Amach tham gia nhiều hoạt động xã hội tại địa phương và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong khoảng thời gian từ năm 1983 đến năm 2009, ông đảm nhận nhiều chức vụ như: Chủ tịch UBND xã Hà Bầu, Bí thư Đảng ủy xã Hà Bầu và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đak Đoa. Trong suốt quá trình công tác, ông luôn làm tốt nhiệm vụ của mình và có nhiều đóng góp cho địa phương. Ông hồi tưởng: “Hồi mới giải phóng, quê hương bị tàn phá nặng nề nên dân làng rất đói khổ. Do đó, tôi quyết tâm vận động bà con khôi phục đất đai để sản xuất nhằm đẩy lùi cái đói cũng như dần dần đưa kinh tế đi lên”.
Việc làng, việc nước ông đều lo tươm tất, việc nhà ông cũng không bê trễ. Trong quá trình cùng dân làng khôi phục sản xuất, gia đình ông trồng 2 ha lúa để đảm bảo lương thực, sau đó, khai thác lại một số diện tích đất bị bỏ hoang để trồng bắp và mì. Năm 1990, gia đình ông chuyển đổi diện tích mì và bắp sang trồng cà phê và chăn nuôi bò để lấy phân bón cho vườn cây. Nhờ chăm chỉ lao động, kinh tế gia đình ông ngày càng được cải thiện. “Gia đình tôi hiện có 2 ha lúa, 3 ha cà phê và 20 con bò. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu trên 200 triệu đồng”-ông Amach cho biết.
Hiện nay, sức khỏe có phần giảm sút nhưng ông Amach vẫn tích cực phát triển kinh tế và nhiệt tình tham gia các phong trào Hội Cựu chiến binh xã phát động. Nói về ông Amach, ông Phyap-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hà Bầu-chia sẻ: “Ông Siu Amach không những là tấm gương dũng cảm trong những năm tháng đấu tranh chống Mỹ mà còn là điển hình trong thời bình về tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa. Đặc biệt, ông còn là một hội viên tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, có nhiều đóng góp trong tuyên truyền và vận động người dân không nghe theo kẻ xấu xúi giục, chăm lo lao động để xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.
 Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm