Phóng sự - Ký sự

Người 'đa năng' ở làng chài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hiếm có làng chài nào trên cả nước sở hữu hơn chục ca khúc viết về ngư dân, nghề đi biển… như Mân Thái (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Để lập nên bộ sưu tập đặc biệt này, một người đàn ông vừa góp thơ vừa dành nhiều tâm huyết mời gọi, kết nối các nhạc sĩ sáng tác.

TRẠI SÁNG TÁC CÓ MỘT KHÔNG HAI

"Nắng mai Mân Thái, biển sớm Sơn Trà/Dáng mẹ mong manh, đường dài xa xăm…/Gánh trên vai mẹ, cả đàn con thơ/Bầu trên vai mẹ, sữa ngọt nuôi con…", ông Huỳnh Văn Mười (56 tuổi, trú tại địa chỉ 56/15 đường Võ Nguyên Giáp, P.Mân Thái) vừa ngân nga câu hát vừa lau chùi những hũ đựng mắm đặt ở nhà sau. Những ca từ tha thiết đó nằm trong bài Đôi bầu gánh mẹ do chính ông sáng tác, được nhạc sĩ Quang Khánh phổ nhạc và đoạt giải C giải thưởng âm nhạc TP.Đà Nẵng năm 2022. "Tui học hết lớp 9 thôi, nhưng vì yêu văn hóa làng biển, khi nào cũng nghĩ về cảnh quê kiểng của làng chài xưa nên lọ mọ nghiên cứu, viết lách… Bắt đầu từ 6 năm trước, đến nay cũng có chút chi đó vui cùng quê hương", ông Mười mở đầu câu chuyện.

Người “đa năng” Huỳnh Văn Mười với cuốn sách tự in, gồm những đề tài nghiên cứu, sáng tác thơ, nhạc…

Người “đa năng” Huỳnh Văn Mười với cuốn sách tự in, gồm những đề tài nghiên cứu, sáng tác thơ, nhạc…

Sinh ra trong gia đình 11 đời làm nghề biển, thuở nhỏ, ông Mười sớm theo cha lênh đênh theo những con sóng, nghe cha cùng bạn chài nghêu ngao câu hát, hò bả trạo… Tình yêu biển ngấm vào ông qua từng lời ca. Khi bắt đầu có tuổi, ông đau đáu làm sao để làng chài Mân Thái có được những bài hát vừa làm phong phú đời sống ngư dân vừa mang lại niềm tự hào quê hương cho thế hệ trẻ. Ông bảo cả chiều dài lịch sử lập làng 300 năm nhưng chỉ có mỗi ca khúc Mân Thái khúc hát tình quê được nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái sáng tác đã lâu.

"Chỉ một ca khúc thì đơn lẻ quá, nên năm 2019 tôi đã tìm gặp Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.Đà Nẵng Trương Duy Huyến (đã mất vào năm 2021 - PV) để thuyết phục ông hỗ trợ mở trại sáng tác ca khúc về Mân Thái. Hồi đó, tôi chỉ vận động được ít kinh phí nên khi nhận lời giúp chúng tôi, các nhạc sĩ đã bỏ qua câu chuyện tiền nong mà vì cái tình với làng biển này", ông Mười kể. Thông qua UBND P.Mân Thái, một trại sáng tác ca khúc quy tụ đội ngũ nhạc sĩ có tiếng của TP.Đà Nẵng được thành lập. Để các nhạc sĩ có chất liệu sáng tác, ông Mười kết nối đưa họ đi điền dã, gặp gỡ các lão làng, trải nghiệm cùng ngư dân…

Trong khoảng 1 tháng, trại sáng tác do ông Mười khởi xướng đã cho ra đời 12 ca khúc viết về làng biển Mân Thái. Trong số này, từ 5 bài thơ của ông, các nhạc sĩ đã phổ nhạc thành 5 bài hát, dân ca gồm: Nỗi lòng về cha, Tình cha hồn biển, Dặm trường gánh mẹ, Đôi bầu gánh mẹHồn quê làng chài. Quả thật, đọc thơ ông Mười có thể thấy được tình cảm tha thiết, dạt dào của một người con dành cho làng biển, cho những người cha gian lao đánh bắt, cho những người mẹ tảo tần quang gánh, sớm hôm bán cá, bán mắm…

"Vui hơn cả là sau đó, những ca khúc từ trại sáng tác đã được cất lên ngay tại Lăng Ông sát bên bờ biển trong chương trình nghệ thuật Mân Thái khúc hát tình quê (tháng 4.2022 - PV) do tui khởi xướng. Các nhạc sĩ nói có lẽ chưa nơi nào trên cả nước lại có một phường xã lập được trại sáng tác như Mân Thái, với nhiều ca khúc hay. Sau sự kiện, UBND phường đã tặng giấy khen, tui thấy mình đã làm được một việc ý nghĩa cho quê mình…", ông Mười xúc động.

PHỤC DỰNG KÝ ỨC

Một ngày cuối tháng 10.2023, khi đang trò chuyện với tôi, ông Huỳnh Văn Mười nhận được cuộc điện thoại báo tin có cá Ông dạt vào bờ biển. Ông hỏi han kỹ tình hình rồi bày vẽ thêm nghi thức cúng tế. 56 tuổi, chưa phải đã đủ già để lo những việc tâm linh, nhưng nói về văn hóa làng chài, những nghi thức, phong tục của ngư dân… thì ông Mười có vốn kiến thức sâu rộng vào hàng nhất nhì ở Mân Thái. Ông đã dùng vốn liếng hiểu biết để phục dựng ký ức làng chài, tái hiện những hoạt cảnh khiến người xem nao lòng, rưng rức…

Đôi thúng bầu được ông Mười phục chế, nhắc nhớ nghề bán nước mắm dạo ngày xưa

Đôi thúng bầu được ông Mười phục chế, nhắc nhớ nghề bán nước mắm dạo ngày xưa

"Thời thế đổi thay, tui theo đủ nghề, từ làm thợ may, thợ nề, bán buôn… rồi cơ duyên đẩy đưa về lại với nghề làm nước mắm. Chính thời gian ở nhà nhiều hơn, nghe nhiều người già trong làng, trong xóm kể về những câu chuyện của làng chài xưa, tui lo lắng khi thế hệ người già qua đi, những ký ức về làng chài ngày xưa rồi cũng sẽ theo họ. Vậy làm sao để bảo tồn?", ông Mười tự hỏi rồi trả lời: "Chỉ có cách phục dựng các hoạt động, chụp hình, quay phim để lưu giữ thì mới hy vọng còn chút gì đó để kể cho con cháu…".

Cầm trên tay cọc chèo do chính ông đẽo từ một thân cây để trưng bày cùng với chiếc thuyền thúng, ông bảo muốn phục dựng trước hết phải tìm hiểu kỹ lưỡng, đối chiếu lời kể, tư liệu… Sau khi kiểm chứng, nếu là hiện vật, ông sẽ phục chế giống với nguyên bản; nếu là bối cảnh, thì phải chân xác để mang lại cảm xúc cho cả người vào vai lẫn người xem.

Chẳng hạn, khi phục dựng bối cảnh người mẹ gánh đôi bầu đi bán mắm, ông Mười mời 2 bà mẹ làng Mân Thái vào vai là cụ Trần Thị Nương (79 tuổi) và bà Đặng Thị Hoa (56 tuổi). Đây là 2 nhân chứng sống của nghề bán mắm dạo ngày xưa. Hai người được đưa vào một cánh đồng tại TP.Hội An (Quảng Nam) ghi hình với gánh đôi bầu kiểu cũ. Ban đầu có chút ngượng nghịu, nhưng khi nhập vai, cả hai người ứa nước mắt nhớ lại những khoảnh khắc xưa, con đường quen thuộc hằn in dấu chân của cuộc mưu sinh nghèo…

Từ tháng 3.2021, ông Mười đã phục dựng thêm các hoạt động như đẽo cháng, gọt phao gỗ, cột cây kình, trét dầu rái vào đôi bầu và thúng đựng cá, dùng dây tơ hồng chà phân bò vào thúng, giã vỏ thông... Những nhân vật được chọn tham gia tái hiện đều là những người có kinh nghiệm đi biển hoặc làm nghề biển ở Mân Thái khiến cho cảnh sinh hoạt, lao động đời thường của làng chài xưa rất sống động và có hồn trong những thước phim, bức ảnh.

Ông Huỳnh Văn Mười cũng đang theo đuổi niềm đam mê sưu tầm hiện vật về nghề đi biển xưa. Trong không gian rộng chừng 20 m2, ông bày biện đủ thứ, từ thuyền thúng, máy phát điện, lưới đánh bắt… cho đến các hiện vật phục chế như tay chèo, cọc chèo, các loại đèn nhử cá… "Sách về văn hóa làng biển, tui đã tự in một cuốn dày 150 trang. Giờ tui ấp ủ một bảo tàng chuyên đề về làng chài xưa và một thương hiệu nước mắm Mân Thái do chính mình xây dựng", ông trải lòng.

GÌN GIỮ NGHỀ LÀM MẮM TRUYỀN THỐNG

Đau đáu với nỗi lo thất truyền nghề làm nước mắm Mân Thái, 6 năm qua ông Huỳnh Văn Mười miệt mài nghiên cứu quy trình, cách thức và cho ra thị trường loại nước mắm thượng hạng, chọn từ cá cơm tươi, công thức muối cũng khác (nhiều cá hơn, tỷ lệ 3 kg cá + 1 kg muối). "Tui sẵn sàng mua cá cơm tươi với mức giá cao để làm nước mắm, chứ không bao giờ muối loại cá đã mềm. Để có được 1 lít nước mắm, tui phải muối cả năm trời. Tui tâm niệm nước mắm ngoài ngon thì phải vệ sinh, không có mùi hôi ở xưởng. Làm nước mắm nhưng hàng xóm không ngửi thấy mùi mắm…", ông Mười cười tươi.

Có thể bạn quan tâm