Thời sự - Sự kiện

Người dân Gia Lai hân hoan chào đón năm mới Giáp Thìn 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xuân yêu thương, Tết đoàn viên” cùng màn bắn pháo hoa đặc sắc tại Quảng trường Đại đoàn kết (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã khép lại năm Quý Mão 2023 và chào đón năm mới Giáp Thìn 2024. 

Trong thời khắc giao hòa của thiên nhiên, đất trời, mỗi người dân Gia Lai đều hân hoan chào đón năm mới với một tâm thế mới, tràn đầy niềm tin và hy vọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (ngoài cùng bên phải) tham dự chương trình nghệ thuật. Ảnh: P.D

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (ngoài cùng bên phải) tham dự chương trình nghệ thuật. Ảnh: P.D

Chương trình nghệ thuật do UBND tỉnh, UBND TP. Pleiku và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức. Tham dự chương trình có các đồng chí: Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện các ban, ngành, đoàn thể và các xã, phường của TP. Pleiku.

Đêm giao thừa, tiết trời phố núi Pleiku se lạnh. Đường phố cũng trở nên lung linh bởi những ánh đèn hoa rực rỡ. Từ rất sớm, hàng ngàn người dân từ khắp nơi trong tỉnh đã tập trung về khu vực Quảng trường Đại đoàn kết để tranh thủ du xuân, thưởng ngoạn cảnh đẹp, lưu giữ những tấm ảnh đẹp bên bạn bè, người thân. Đúng 22 giờ, người dân tập trung về trung tâm Quảng trường, phía dưới Tượng đài Bác Hồ để cùng thưởng thức các tiết mục múa, hát đặc sắc do các nghệ sĩ, diễn viên, cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku biểu diễn với chủ đề: “Xuân cao nguyên-Xuân yêu thương”.

Lãnh đạo thành phố và các cơ quan, ban ngành tham dự chương trình nghệ thuật. Ảnh: B.B

Lãnh đạo thành phố và các cơ quan, ban ngành tham dự chương trình nghệ thuật. Ảnh: B.B

Ngay sau các tiết mục văn nghệ của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thành phố, đúng 23 giờ, Chương trình nghệ thuật “Xuân yêu thương- Tết đoàn viên” chính thức bắt đầu. Những giai điệu ngọt ngào, tươi vui, rộn ràng như: Rạng rỡ Việt Nam, Vui như Tết, Chúc Tết mọi nhà, khúc Xuân, nàng Xuân, Xuân ca, Mùa cây trổ lá,...đã giúp xua tan đi những phiền lo của năm cũ, nhường chỗ cho một năm mới với bao hân hoan và tràn đầy hy vọng. Đất trời giao hòa, mùa xuân ấm áp, vạn vật căng tràn sức sống và lòng người cũng nhẹ nhàng, mê say trong thời khắc chuyển giao của đất trời. Xen trong các giai điệu mùa Xuân là màn biểu diễn múa rồng “Song lang hợp nhất”, múa lân “Tứ quý hưng long” và nhảy hiện đại. Đây là những tiết mục thể hiện sự may mắn, hạnh phúc cũng như một năm mới với nhiều năng lượng tích cực.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc biểu diễn trong đêm giao thừa tại Quảng trường Đại đoàn kết. Ảnh: P.D

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc biểu diễn trong đêm giao thừa tại Quảng trường Đại đoàn kết. Ảnh: P.D

Để khán giả trải nghiệm đêm giao thừa đáng nhớ với các tiết mục văn nghệ đặc sắc, gần 200 nghệ sĩ, diễn viên, cộng tác viên của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San và Trung tâm Văn hoá-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku đã tập luyện các tiết mục nhuần nhuyễn trong khoảng thời gian dài. Ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho biết: “Gần 70 nghệ sĩ, diễn viên, cộng tác viên của Nhà hát đã tập luyện gần 2 tháng. Tất cả đều mong muốn mang đến các tiết mục chỉn chu nhất, tươi vui nhất về mùa Xuân, về Tây Nguyên đến với đại biểu và người dân. Qua đó, mọi người cùng nhau chào đón năm mới với tâm thế mới, niềm tin mới và cùng nhau cố gắng vì sự phát triển chung của tỉnh, của quê hương, đất nước”.

Sân khấu hoành tráng, tiết mục dàn dựng công phu cùng sự chuyên nghiệp đến từ các nghệ sĩ, diễn viên đã mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc. Bế cậu con trai 7 tháng tuổi trên tay, anh Rơ Chăm Long (làng Yang, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Năm nào mình cũng chở vợ con lên Pleiku trong đêm giao thừa. Năm nay, mình rủ thêm 4 gia đình khác cùng chở con theo. Các gia đình tranh thủ dạo một vòng quanh Quảng trường, chụp hình với hoa Xuân, với linh vật và xem các hiện vật được trưng bày tại Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai. So với năm trước, mình thấy đêm giao thừa năm nay đông vui, nhộn nhịp hơn. Mình cũng hy vọng năm mới gia đình, người thân luôn may mắn, hạnh phúc”.

Anh Long và cậu con trai 7 tháng tuổi cùng 4 gia đình khác có mặt rất sớm tại Quảng trường Đại đoàn kết để cùng đón giao thừa. Ảnh: P.D

Anh Long và cậu con trai 7 tháng tuổi cùng 4 gia đình khác có mặt rất sớm tại Quảng trường Đại đoàn kết để cùng đón giao thừa. Ảnh: P.D

Với bạn Võ Thị Trúc Uyên (tổ dân phố 7, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) thì đây là lần đầu tiên cùng bạn lên Pleiku đón giao thừa nên niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt. Uyên bộc bạch: “Em không nghĩ mọi người lại tập trung về đây đông vui như thế! Các tiết mục văn nghệ đều nói về mùa Xuân vô cùng ý nghĩa. Đặc biệt, lần đầu được xem bắn pháo hoa ở khoảng cách gần, em thấy rất thú vị. Hàng ngàn bông pháo phát sáng trên bầu trời rất đẹp. Khoảnh khắc này, em mong sao gia đình, người thân luôn thật mạnh khỏe và bình yên trong năm mới”.

Pháo hoa rực sáng trên bầu trời Pleiku. Ảnh: B.B

Pháo hoa rực sáng trên bầu trời Pleiku. Ảnh: B.B

Sau những giây đếm ngược là màn bắn pháo hoa kéo dài 15 phút do cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện. Từng chùm pháo hoa tỏa sáng trên bầu trời rực rỡ, mang theo ước vọng của người dân về một năm mới hạnh phúc, thành công. Ngước nhìn bầu trời ngay khoảnh khắc chuyển giao năm mới, bà Nguyễn Thị Hương (tổ 1, phường Ia Kring, TP. Pleiku) thì thầm: Mong năm mới với nhiều thắng lợi mới! Gia đình luôn bình an, hạnh phúc. Người người, nhà nhà đón nhiều niềm vui mới.

Hàng ngàn người dân tập trung về Quảng trường để xem các tiết mục văn nghệ và chào đón giao thừa. Ảnh: B.B

Hàng ngàn người dân tập trung về Quảng trường để xem các tiết mục văn nghệ và chào đón giao thừa. Ảnh: B.B

Cùng với TP. Pleiku, thị xã An Khê cũng tổ chức Chương trình văn nghệ mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 và bắn pháo hoa đêm giao thừa tại Hội trường 23-3. Sau 10 năm, thị xã mới lại tổ chức bắn pháo hoa, do đó người dân đã tập trung về khu vực Hội trường 23-3 và đứng chật các tuyến đường xung quanh từ rất sớm.

Chương trình văn nghệ mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn do Thị xã An Khê tổ chức. Ảnh: Ngọc Minh

Chương trình văn nghệ mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn do Thị xã An Khê tổ chức. Ảnh: Ngọc Minh

Cùng chồng con về thị xã An Khê đón Tết, chị Nguyễn Thị Hồng Cẩm (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) háo hức cùng người thân thưởng thức màn bắn pháo hoa. Chị Cẩm cho biết: “Năm nay, vợ chồng tôi cùng con gái về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết. Biết được thị xã tổ chức bắn pháo hoa, cả gia đình ai cũng háo hức. Màn bắn pháo hoa vô cùng hấp dẫn, đẹp lung linh hoành tráng. Tôi mong thị xã ngày càng phát triển, tổ chức thêm nhiều sự kiện lớn như thế này để người dân được trải nghiệm, đời sống tinh thần không ngừng được nâng cao”.

Sau 10 năm, người dân thị xã An Khê mới lại chứng kiến màn bắn pháo hoa tại thị xã. Ảnh Ngọc Minh

Sau 10 năm, người dân thị xã An Khê mới lại chứng kiến màn bắn pháo hoa tại thị xã. Ảnh Ngọc Minh

Hòa cùng dòng người háo hức, chăm chú theo dõi màn bắn pháo hoa rực rỡ, ông Võ Công Sơn (tổ 3, phường An Tân, thị xã An Khê) hồ hởi chia sẻ: “Năm 2013, thị xã An Khê có tổ chức bắn pháo hoa kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập. Việc thị xã bắn pháo hoa mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 người dân chúng tôi rất mong chờ, chúc cho mọi người sang năm mới nhiều sức khỏe, an lành, hạnh phúc, thị xã ngày càng phát triển, đổi mới, đẹp giàu”.

Không khí đón Giao thừa tại khu vực Đông Nam tỉnh cũng rộn ràng không kém. Khắp các con đường, ngõ hẻm đều rực sáng ánh đèn, nhộn nhịp người qua lại. Tại thị xã Ayun Pa, linh vật rồng ngậm hạt trân châu bằng tượng gỗ cao hơn 2m được đặt tại trung tâm Quảng trường cùng nhiều hoa tươi trang trí tạo nên điểm nhấn của thị xã trong năm mới. Tuy không có chương trình bắn pháo hoa hay biểu diễn văn nghệ mừng xuân trong đêm Giao thừa nhưng khu vực Quảng trường thị xã Ayun Pa vẫn thu hút rất đông người dân đến vui chơi và chụp hình lưu niệm. Ai cũng muốn lưu lại những khoảnh khắc bên người thân trong dịp đầu Xuân.

Quảng trường thị xã Ayun Pa là địa điểm check-in lý tưởng của người dân thị xã trong đêm Giao thừa. Ảnh: Vũ Chi

Quảng trường thị xã Ayun Pa là địa điểm check-in lý tưởng của người dân thị xã trong đêm Giao thừa. Ảnh: Vũ Chi

Cùng với hoạt động vui chơi giải trí, nhiều người dân thị xã Ayun Pa vẫn giữ được tục đốt lửa đêm giao thừa. Đống củi được dựng trước cổng nhà từ chiều 30 Tết. Thời khắc Giao thừa, người đàn ông trụ cột trong gia đình sẽ nhóm lửa lên, cả nhà ngồi xung quanh trò chuyện vui vẻ, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Tại một số tuyến đường, ngọn lửa bập bùng thành hàng thẳng tắp, sáng bừng cả một vùng, tạo thành nét văn hóa độc đáo của người dân vùng thung lũng Cheo Reo. Bà Phạm Thị Vui (tổ 2, phường Cheo Reo) chia sẻ: “Thời tiết đêm Giao thừa năm nay mát mẻ thuận tiện cho người dân du ngoạn vui Xuân. Sau khi dạo một vòng quanh thị xã, thời khắc thiêng liêng, cả gia đình tôi quây quần bên ánh lửa bập bùng. Theo ông bà truyền lại, ngọn lửa được thắp lên trong thời khắc đầu tiên của năm mới sẽ giúp xua đuổi tà ma, mang lại may mắn, bình an. Tôi cũng chúc tất cả mọi người sang năm con rồng đều dồi dào sức khỏe, phát tài phát lộc”.

Tục đốt lửa đêm giao thừa trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân vùng thung lũng Cheo Reo. Ảnh: Vũ Chi

Tục đốt lửa đêm giao thừa trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân vùng thung lũng Cheo Reo. Ảnh: Vũ Chi

.... Trong thời khắc chuyển giao của đất trời, trên khuôn môi mỗi người đều nở nụ cười rạng rỡ. Họ cùng gửi trao câu “Chúc mừng năm mới”. Chúc cho mình, cho mọi người, mọi nhà với thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và an khang, thịnh vượng.

Nhóm Phóng viên

Có thể bạn quan tâm