Người dân gồng mình chống hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không gì cực khổ và bất tiện hơn khi phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Về các làng vùng sâu, vùng xa trong cơn đại hạn này, nhìn cách họ chắt chiu ngay cả từng nhúm nước đục đỏ mới thấm thía nỗi cơ cực ấy…

Giếng phần thì nhiều vôi, phần thì cạn kiệt, không còn nước để phục vụ cho sinh hoạt nên ngày nào cũng vậy, bà Trần Thị Thủy (thôn 6, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) đều xách xô ra cái hố nhỏ mới được khoét ngay suối Xà Guồng gần nhà để lấy nước đem về dùng. Đã hơn nửa năm nay, cái hố nhỏ với bề ngang chưa đầy mét này đã trở thành nơi cung cấp nước cho hơn chục hộ dân tại thôn 6, xã Hà Tam. Theo lời bà Thủy, chưa bao giờ con suối Xà Guồng vùng này lại cạn đến mức ấy và người dân thôn 6 cũng chưa bao giờ sống trong cảnh điêu đứng vì khô khát như thế này. “Múc về còn phải lọc lại cho trong mới dám nấu nướng, sinh hoạt. Tắm giặt thì người nọ nhìn người kia, ra suối tắm luôn. Hố nhỏ, không phải là nhiều nước nên cả thôn phải dùng dè sẻn từng chút một và chỉ để dành cho các gia đình lấy về nấu nướng. Mỗi lần lấy cứ phải canh me, người này múc xong đến người kia, chứ dồn lại một lúc thì hố cũng không đủ nước”-bà Thủy nói.

 

Người dân thôn 6 (xã Hà Tam) đi mót nước tại các hố đào bên suối về dùng. Ảnh: C.A
Người dân thôn 6 (xã Hà Tam) đi mót nước tại các hố đào bên suối về dùng. Ảnh: C.A

Khá hơn một chút, gia đình ông Phạm Văn Minh (thôn Tân Phong, xã Tân An) vẫn có nước để sinh hoạt, vì xin bơm nước nhờ được từ giếng của nhà đối diện. Song nguồn nước ấy không biết còn được sử dụng đến bao giờ khi mà thời tiết vẫn dự báo còn hạn. Nhiều nhà xung quanh nhà ông cũng chẳng khá hơn. Chỉ cho chúng tôi xem cái giếng cạn trơ đáy nhà mình, ông Minh thở dài: “Mấy năm trước, giếng nước nhà tôi sử dụng vô tư không lo khô cạn gì hết. Từ 2 năm nay, thời tiết hạn hán quá, nước cạn sạch, không có dùng phải đi xin nhờ hàng xóm. Không có nước để sinh hoạt, tưới tiêu cho rau màu nên thiệt hại và khổ cực nhiều lắm. Nói thiệt vì đi xin nước nên nhiều ngày nóng nực tui cũng không dám tắm. Giờ mình xin nước người ta mình xài phung phí đâu có được”.

Tại huyện Kbang, người dân nhiều vùng cũng quắt quay vì thiếu nước. Tại xã Đông, theo thống kê đến thời điểm hiện tại có gần 230 hộ thiếu nước. “Tình trạng thiếu nước gay gắt nhất là ở các làng bà con người Bahnar sinh sống. Xã có 8 làng thì cả 8 làng đều thiếu nước, trong đó có 2 làng là làng Muôn và làng Rõ do mới được đầu tư khoan 2 cái giếng nên thiếu ít nghiêm trọng hơn. Riêng làng Broch từng được xây dựng hệ thống nước tự chảy cũng cạn khô ngay từ thời điểm sau Tết Nguyên đán”-ông Phạm Ngọc Thạch-Chủ tịch UBND xã Đông, cho biết.

Chia sẻ với nỗi vất vả của người dân trong tình cảnh thiếu nước như hiện nay, các cấp, ngành địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân có nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Tại xã Đông (huyện Kbang), xã đã tiến hành rà soát, lập danh sách các vùng/hộ thiếu nước để hỗ trợ kinh phí khơi thêm giếng. “Ngoài đợi nguồn hỗ trợ từ cấp trên thì địa phương đã chủ động trích từ nguồn kinh phí dự phòng của xã để hỗ trợ khơi 11 giếng, mỗi giếng sẽ được hỗ trợ khoảng 5 triệu đồng”-ông Thạch nói.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, đến thời điểm này, toàn huyện có 629 hộ thiếu nước sinh hoạt. Điển hình một số nơi thiếu gay gắt như: thôn 2 (xã Đak Smar), làng Chợch, làng Lợt (xã Lơ Ku), các làng: Bờ Ngăn, Đáp, Kjang, Bờ, Chư Pâu (xã Kông Lơng Khơng)… “Hầu hết các giếng nước trên địa bàn các xã phía Nam và Tây Nam của huyện mực nước chỉ đạt rất thấp, nhiều giếng cạn kiệt. Hiện tại, toàn huyện có 236 giếng đã cạn, 25 giếng nước chỉ còn dưới 1 mét và có nguy cơ khô cạn nếu trời tiếp tục khô hạn. Ngoài ra, 15/50 công trình nước sinh hoạt tập trung phải ngừng hoạt động do hư hỏng và cạn nguồn”-ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho biết.

Còn tại huyện Đak Pơ, tổng số giếng đào của toàn huyện là 685 công trình thì tính đến ngày 4-4-2016, đã có 357 giếng bị khô cạn. Tình trạng này đã khiến cho 1.043 hộ dân với 4.634 khẩu rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tại khu vực xã Yang Bắc, với 456 hộ dân bị thiếu nước. Toàn bộ 13/13 làng ở đây đều đã không còn đủ nước để sinh hoạt. Riêng các làng: Chai, Kruối, Môn và Klah đã bị thiếu nước hoàn toàn. “Trước mắt, để hỗ trợ người dân, UBND huyện Đak Pơ đã xuất kinh phí, giao Đội Công trình Giao thông huyện chở nước đến tận làng cung cấp cho người dân làng Chai và làng Kruối 2 ngày/lần, mỗi lần 8 m3. Đồng thời xuất kinh phí dự phòng 300 triệu đồng hỗ trợ các địa phương tiến hành khoan giếng, đào giếng lấy nước sinh hoạt cho nhân dân tại 4 làng. Tuy nhiên, hiện việc khoan giếng và đào giếng đang gặp khó khăn do địa hình có nhiều đá ngầm, nguồn nước ngầm rút sâu. Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ bồn chứa nước dung tích 5.000 lít để người dân dự trữ nước tại các khu vực có giếng nước tập trung”-ông Đoàn Minh Duy-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ chia sẻ.

Những ngày qua, tại một số khu vực phía Đông tỉnh đã có mưa, tuy nhiên lượng mưa thấp nên chưa thể đủ sức giải quyết áp lực thiếu nước sinh hoạt và sản xuất đang bao trùm khu vực này. Theo dự báo, hiện tượng El Nino sẽ còn kéo dài đến hết tháng 4-2016, cho nên, tình trạng thiếu nước vẫn còn tiếp tục diễn ra tại các địa phương.

Lê Hòa-Cát An

Có thể bạn quan tâm