Phóng sự - Ký sự

Người đàn ông mù chữ và những chiếc xe từ thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiệm sửa xe nằm trong căn nhà nhỏ trên đường Hồng Lạc (Tân Bình, TP.HCM) chỉ rộng chừng hai chục mét vuông với chiều sâu có chỗ chỉ hơn mét, trong đó ngổn ngang xe cũ và phụ tùng đủ loại. Khi tôi đến, ông chủ còn đang loay hoay giặt đống đồ trong cái thau to tướng. Nghe tôi hỏi, ông chủ ngẩng lên: “Anh chờ chút xíu. Vợ ngày nào cũng đi làm sớm nên tui kiêm luôn nấu cơm, giặt là”.

Phận nghèo nơi phố thị

Ông chủ tiệm sửa xe tên là Lê Văn Thái, sinh năm 1975 tại Quảng Ngãi. Thái kể, nhà nghèo, cậu bé Thái cũng khổ như nhiều đứa trẻ cùng quê, 6-7 tuổi đã phải ra đồng phụ giúp gia đình. Dù gia đình cũng cố cho Thái đi học nhưng trường cách nhà hơn chục cây số, xe đạp lại không có nên Thái đi học bữa đực bữa cái.

 

Anh Lê Văn Thái lắp ráp xe đạp cũ tặng người nghèo.
Anh Lê Văn Thái lắp ráp xe đạp cũ tặng người nghèo.

Thấy con đi học vất vả quá, cha Thái mượn tiền mua đàn vịt, hứa nếu Thái chăm tốt đàn vịt thì cuối vụ sẽ bán để mua cho chiếc xe đạp. Nhưng rồi cúm gia cầm tràn tới khiến đàn vịt chết hết. Gia đình lâm cảnh nợ nần, chiếc xe đạp cũng không có nên Thái nghỉ học luôn, đi làm mướn cùng mấy anh trong làng, mấy chữ học dang dở ở trường coi như cũng mất dần theo thời gian.

Anh Thái tâm sự: “Năm 1990, khi chưa đến 15 tuổi, ở quê vất vả quá nên tôi đã theo người làng vô Sài Gòn kiếm việc. Không biết chữ nên tôi chẳng đi học được nghề gì, đành đi bưng bê ở nhà hàng, rồi giữ xe, rửa xe… Cuối cùng thì đi phụ sửa xe cho một người bà con ở Tân Bình. May mắn nghề này không cần nhiều chữ mà chỉ cần nhớ được mấy ký hiệu của phụ tùng là có thể làm.

Nghề dạy nghề, riết tôi thành thợ sửa xe lúc nào không hay. Rồi người bà con khuyên tôi nên mở tiệm làm ăn riêng nên tôi mướn chỗ này để làm nghề”. Không biết chữ nhưng có trí nhớ rất tốt, mỗi lần gặp ca sửa khó, chỉ cần nhờ người thợ giỏi chỉ cho một lần là những lần sau, Thái đều sửa ngon. Lại thêm giá sửa xe của tiệm Thái luôn rẻ hơn những chỗ khác nên luôn đông khách.

Có thời đa số người dân đều đi xe máy cũ nên tiệm sửa xe nào cũng ăn nên làm ra. Thái cũng thế, hơn chục năm làm nghề, ông ky cóp được chút tiền và quyết tâm đầu tư mua hẳn miếng đất lớn hơn để vừa làm nhà, vừa mở tiệm quy mô đàng hoàng. Nhưng vì không biết chữ nên Thái đã bị lừa, toàn bộ số tiền tích góp hơn chục năm đầu tư vô mua miếng đất bị mất trắng. Tính kiện người bán nhưng rồi Thái không dám bởi “Tui đâu biết người ta đưa giấy gì cho mình ký, cứ tin người ký đại. Giờ kiện lỡ cái giấy lại ghi tui còn nợ người ta thì sao? Thôi mình dốt thì bị lừa nên đành chấp nhận thôi”, ông cười nhẹ.

Mất tiền nhưng Thái lại được vợ. Một cô gái nghèo đem lòng thương Thái, đồng lòng về sống chung với Thái trong căn nhà thuê nhỏ xíu. Liên tục 4 đứa con ra đời, công việc của Thái vất vả hơn. Thái kể, tiền thuê nhà 1 tháng là 5 triệu đồng, rồi tiền ăn, chi phí học hành của mấy đứa con nên mỗi ngày mở cửa tiệm, Thái phải kiếm được 500 ngàn mới đủ lo cho cả gia đình.

 

Anh Lê Văn Thái và các con.
Anh Lê Văn Thái và các con.

Thấy Thái vất vả, vợ xin đi làm công nhân để phụ thêm. Nhưng vợ đi làm thì mấy đứa con lại do tay Thái lo. Vậy là anh thợ sửa xe kiêm thêm việc giặt giũ, bếp núc và trông con. Thái cười: “Có gì đâu, so với ngày xưa ở quê thì cuộc sống của tui như vầy là tốt lắm rồi. Chỉ mong có đủ sức khỏe để làm lo cho chúng nó thôi”.

Hỏi Thái sống ở Sài Gòn gần 30 năm, đã tích lũy được gì chưa, thì anh chỉ vô mấy đứa con: “Có nhiêu đó thôi anh”. Và Thái khẽ thở ra: “Nếu tôi có trình độ thì có lẽ đã khá hơn rồi. Nhưng mình không biết chữ, muốn học cái gì cũng khó. Thôi thì cố cho mấy đứa con ăn học để sau này nó sẽ khá hơn cha nó”.

Những chiếc xe đạp cũ

Chuyện làm từ thiện đến với Thái khá tình cờ. Thái nhớ lại, những ngày đầu hè năm 2004, ngày nào Thái cũng thấy một cậu bé lếch thếch ôm cặp sách đi bộ giữa trưa nắng. Có hôm thấy mặt cậu bé tái mét vì say nắng, Thái gọi cậu bé vào nghỉ chân. Nghe cậu bé kể là nhà nghèo, đi học nhưng bố mẹ không có đủ tiền để mua xe đạp. Mỗi lần đi nắng cậu bé mệt lắm.

Cha mẹ khuyên cứ cố gắng học rồi sẽ kiếm tiền mua xe đạp cho. Nghe cậu bé kể, Thái bỗng nhớ lại hình ảnh của mình ngày xưa. Chỉ vì không có chiếc xe đạp mà cuối cùng phải bỏ học. Rồi Thái nhìn mấy chiếc xe hỏng nằm lăn lóc và chợt nảy ra ý nghĩ. Thái hỏi: “Thế nếu chú cho con chiếc xe đạp cũ, con có lấy không?”. Thằng bé gật đầu mừng rỡ: “Con chỉ cần cái xe chạy được thôi. Chứ cũ cỡ nào con cũng lấy, chỉ sợ phải mất tiền mà ba con thì không có”. Thái bảo: “Thôi, chú sẽ cho con một chiếc”.

Ngay tối hôm đó, Thái loay hoay tìm những phụ tùng còn tốt, cái nào thiếu thì gắn mới luôn rồi sơn lại sườn, tra thêm dầu mỡ để lắp ráp xe đạp. Mấy hôm sau, khi chiếc xe hoàn thành, Thái tới trường cậu bé học, nhờ Ban giám hiệu gọi cậu để trao tặng chiếc xe đạp đầu tiên. Nhìn cậu bé mân mê mãi không rời chiếc xe đạp, Thái cũng có cảm giác sung sướng. “Nếu cậu bé mua chiếc xe đạp cũ này ít nhất cũng phải tốn 7 đến 8 trăm ngàn. Nhưng tôi là người trong nghề, tôi kiếm phụ tùng cũng dễ nên tốn vô chiếc xe có hơn 2 trăm thôi”.

Từ hôm đó, Thái bắt đầu kiếm xe đạp cũ, sơn sửa lại để cho học trò nghèo. Dĩ nhiên, việc chính của Thái vẫn là sửa xe nhưng khi vắng khách, Thái lại đi tìm phụ tùng cũ để lắp ráp. Thái thu gom từ vựa ve chai, nhặt nhạnh từ phụ tùng cũ nhưng còn xài được mà khách bỏ lại. Thấy Thái ráp xe để trao tặng cho học sinh nghèo, nhiều người có xe đạp hư, cũ cũng đem cho Thái.

Bởi vậy, chi phí lắp xe đạp bớt đi rất nhiều. Thái kể: “Có nhiều chiếc xe còn rất tốt, tôi chỉ cần cho chút dầu nhớt, lau chùi sạch sẽ là đã ngon lành. Còn nhiều chiếc thì chỉ cần thay vài phụ tùng chính là xong. Nên cứ vài ngày tôi lại xong một chiếc xe cho mấy cháu. Thực ra, mình chỉ tốn công thôi, còn phụ tùng thì đáng bao nhiêu đâu!”.

Tính ra hơn chục năm làm từ thiện, Thái đã tặng cho học sinh nghèo trên 100 chiếc xe đạp. Có phụ huynh tới cảm ơn Thái, xin gửi phụ tiền nhưng Thái không nhận. “Tôi đã nói làm xe đạp tặng tụi nhỏ là tôi tặng. Nhận tiền thì hóa ra tôi bán xe à? Tôi không lấy đâu”, Thái đã nói với nhiều phụ huynh như thế. “Mình nghèo thật nhưng giúp được những người nghèo hơn thì cũng là điều tốt”, Thái nói.

 

Học sinh nghèo được anh Lê Văn Thái tặng xe đạp.
Học sinh nghèo được anh Lê Văn Thái tặng xe đạp.

Sống là để cho đi

Không chỉ giúp cho trẻ nhỏ, Thái còn giúp cả người lớn. Có bà bán vé số ở Củ Chi đi bộ đến tận chỗ Thái, hy vọng nhờ giúp cho chiếc xe đạp để đi bán vé số đỡ mỏi chân, có ông thương binh ở Bình Dương cũng tới tận tiệm của Thái để xin một chiếc xe… Ai xin Thái cũng giúp.

“Tôi vẫn làm thêm nhiều chiếc xe nữa, vì còn rất nhiều học sinh, rất nhiều người nghèo cần xe. Là một người đã phải bỏ học vì không có xe, tôi mới hiểu họ cần như thế nào. Chuyện từ thiện nếu có tâm ai cũng có thể làm được. Sống là để cho đi chứ đừng có ý nghĩ sẽ nhận lại”, Thái nói như tâm sự với chính mình.

Tôi hỏi Thái về tương lai, các con lơn lên sẽ có nhiều nhu cầu, chỉ sửa xe liệu có lo được mãi hay không, Thái cười: “Cháu lớn nhà tôi năm nay cũng 16, cũng biết đi làm phụ cho gia đình rồi. Còn tôi thì vẫn làm ổn định, cũng có tích lũy để mai mốt kiếm căn nhà nhỏ ngoại ô cho mấy cháu. Còn việc làm từ thiện thì tôi vẫn tiếp tục. Tôi tuy nghèo nhưng may mắn có điều kiện để giúp người nghèo hơn thì tôi giúp thôi. Tôi nghĩ làm thế cũng là giúp cho tâm trí mình thêm thanh thản, đêm ngủ ngon hơn. Chỉ thế thôi”.

Trọng Thịnh/tienphong

Có thể bạn quan tâm