Người dân vùng sâu còn… ngỡ ngàng với Nghị định 34

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã hơn 10 ngày, kể từ khi Nghị định 34/1010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực; mức phạt được tăng cao nhằm hạn chế tình trạng vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, nhưng với những người dân tại các huyện vùng sâu khu vực phía Đông của tỉnh Gia Lai, Nghị định này vẫn chỉ dừng ở mức… nghe nói.
Theo thống kê của Đội Cảnh sát Giao thông tại 4 huyện khu vực phía Đông, sau hơn 10 ngày Nghị định 34 có hiệu lực đã xử lý gần 200 trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, xử phạt, nộp ngân sách nhà nước hơn 50 triệu đồng. Những lỗi chủ yếu là vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, ô tô chở quá trọng tải, tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ… Số vụ vi phạm không những chưa được hạn chế mà còn có xu hướng tăng so với trước.
Tuần tra trên tỉnh lộ 667. Ảnh: L.A
Tuần tra trên tỉnh lộ 667. Ảnh: L.A
Theo ghi nhận của chúng tôi, sở dĩ người dân vẫn chưa cảm thấy “sợ” với mức phạt cao, vì hiện nay, Nghị định 34 vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống của người dân. Với những người dân sống tại các huyện vùng sâu, vùng xa thì Nghị định 34 thậm chí còn chưa nghe đến. Ông Đinh Pơng ở xã Đông (huyện Kbang) khi được hỏi có biết gì về Nghị định 34 của Chính phủ, quy định về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không, thì ông hồn nhiên trả lời: “Có nghe ai nói đâu mà biết!”.
Trung tá Phan Thanh Tùng-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông huyện Kông Chro cho biết: “Chỉ 10 ngày đầu kể từ khi Nghị định 34 có hiệu lực, Đội Cảnh sát Giao thông huyện đã xử lý 45 trường hợp vi phạm. Do địa bàn rộng, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ý thức người dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền chưa phổ biến rộng rãi nên người dân vẫn còn mơ hồ với mức xử phạt mới này.
Ngay tại thị xã An Khê, dù Đội Cảnh sát Giao thông thị xã đã phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến về tận các phường, xã, thậm chí lập hẳn một đội thanh niên tình nguyện để tham gia tuyên truyền nhưng sau 10 ngày đầu thực hiện Nghị định 34, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, Nghị định vẫn còn nhiều điểm gây khó khăn cho công tác xử phạt của Cảnh sát Giao thông. Như xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe gắn máy chở trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm. Nhưng để biết được tuổi chính xác của trẻ em rất khó, ngay cả có giấy khai sinh thì cũng không có ảnh để xác định có đúng hay không, cũng không có thời gian để điều tra những trường hợp này...
Trong quá trình làm việc, nhiều Cảnh sát Giao thông cũng thấy khó xử với những trường hợp vi phạm tại Điều 6, điểm a, xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với trường hợp điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở hay phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng tại Điều 7, điểm a, khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Vì khi đưa máy thử nồng độ cồn, thì những người vi phạm không hợp tác, thậm chí còn cắn nát ống thử. Khi tỉnh lại, họ chỉ xin lỗi thì mọi chuyện đã qua; và cũng không thể đưa người vi phạm đi lấy máu để kiểm tra nồng độ cồn nên khó xử lý.
Để Nghị định 34 thực sự đi vào cuộc sống của người dân, ngoài ý thức của mỗi người, thiết nghĩ các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để xây dựng một nếp văn hóa cho người dân khi tham gia giao thông.
Lê Anh

Có thể bạn quan tâm