Người đào hầm bí mật trong Trại giam Phú Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc khét tiếng tàn bạo, man rợ bởi những đòn tra tấn tù nhân rất dã man như đóng đinh, đục răng, đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, trùm bao bố chế nước sôi, đổ lửa than, thiêu sống, chôn sống... Trong địa ngục trần gian đó, những tù binh cách mạng đã mưu trí, anh dũng, sáng tạo đào khoét các đường hầm bí mật từ trong phòng giam ra ngoài. Một trong số họ là ông Phan Kỳ (tên thường gọi là Hai Lúa), hiện đang ở tổ dân phố 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku.

Ảnh: Hoàng Cư
Ảnh: Hoàng Cư

Ông Phan Kỳ năm nay đã gần 80 tuổi đời, 50 tuổi Đảng nhưng vẫn minh mẫn. Khi nghe nhắc đến Trại giam Phú Quốc, ông ngồi lặng người trong giây lát rồi chậm rãi kể: Sau 10 năm hoạt động điệp báo ở vùng Bàu Cạn (huyện Chư Prông) và xã Gào (TP. Pleiku), tôi bị Mỹ-ngụy phục bắt trong tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Qua rất nhiều lần dụ dỗ, tra tấn dã man, không khai thác được thông tin gì quan trọng, địch đã bắt tôi đi biệt giam tại Trại giam Phú Quốc. Cùng bị đưa đi Trại giam Phú Quốc với tôi còn có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ ở tỉnh Gia Lai.

Thời gian đầu ở Trại giam Phú Quốc, địch đối xử với tù nhân khá tốt nhằm mục đích thăm dò, mua chuộc những thông tin bí mật về cơ sở. Dùng nhiều thủ đoạn lừa phỉnh, cám dỗ, tâm lý chiến không được nên chúng đã bắt ông và một số anh em ở các tỉnh Tây Nguyên đi khai thác gỗ, vác củi ngoài rừng và phục dịch trong các phân khu trại giam. Ra ngoài làm việc tuy rất nặng nhọc, nhưng được thông thoáng, có điều kiện liên lạc với tổ chức Đảng. Nhờ những thông tin mật báo từ các đồng chí mà ông và các anh em có thêm nghị lực để sống, để đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Cuối năm 1968, ông và các đồng chí thuộc bộ phận lao động ngoài trời đã tổ chức vượt ngục trong đêm khuya nhưng không thành. Địch truy lùng, bắt ông và các đồng chí tại một khu rừng ở ven biển Phú Quốc rồi đưa đi biệt giam. Chúng trói tay chân ông lại rồi thay nhau tra tấn khiến ông sống dở chết dở cả tháng trời. Không khai thác được gì, chúng dùng búa đinh đập nát mắt cá chân phải của ông. Sau đó, chúng đưa ông vào nhà B10, phân khu B giam cầm.

Đến năm 1970, chúng chuyển ông sang dãy nhà B6. Nhớ thời đi làm củi có giấu được đoạn cọc sắt để phòng thân, cuối năm 1972, ông đã liên lạc với các đồng chí đưa đoạn cọc sắt đó vào nhà B6 làm cái thuổng. Có thuổng, có nắp cà-mèn đựng cơm và những chiếc muỗng inox ăn cơm, ông và các đồng chí đã thay nhau đào khoét đường hầm. Cái khó nhất của việc đào hầm lúc này là giữ bí mật. Ông và các đồng chí đã sáng tạo nhiều cách để tránh sự phát hiện của kẻ địch như đổ đất đá mới đào lên vào những chiếc thùng phuy đi vệ sinh hàng ngày, bỏ ít một đất mới vào túi quần rồi bí mật đưa ra ngoài khi đi đánh răng rửa mặt... Với cách làm khôn khéo như thế, qua hơn 3 tháng, anh em nhà B6 đã đào thông đường hầm dài hơn 30 mét, đường kính rộng khoảng 70 cm. Nhưng khi hầm thông ra ngoài thì đúng lúc trời mưa rất to, nước tràn ngập vào hầm gây tiếng động lớn làm bọn lính cai ngục tỉnh giấc nên sự việc bị bại lộ. Địch bắt toàn bộ tù nhân đào hầm vào các phòng biệt giam, rồi thay nhau tra tấn cả ngày lẫn đêm. Rất nhiều đồng chí đã bị địch đóng đinh, đổ lửa than, thiêu sống, chôn sống... Riêng ông bị tra tấn trong thùng phuy, bị đục từng cái răng, chết đi sống lại nhiều lần. Ác độc như thế mà vẫn không khai thác được gì, chúng đành phải thả ông trở lại nhà B10. Đến ngày 16-3-1973, ông được trao trả theo Hiệp định Paris.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm