Phóng sự - Ký sự

Người đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ông Ngô Thành là một cán bộ lão thành cách mạng, tham gia 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hầu hết là ở chiến trường Gia Lai. Ở tuổi 91, ông vẫn luôn nặng nghĩa nặng tình với đồng đội và với truyền thống cách mạng của mảnh đất đã chở che, đùm bọc mình trong những năm dài gian khổ, hy sinh.
1. Tôi là thế hệ sau nhưng là người quê cùng xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam với ông Ngô Thành. Quê ông ở làng Vĩnh Đại, sát quốc lộ 1, cách làng Vân Trai-quê ngoại tôi-khoảng 1 cây số. Đó là vùng quê nghèo, cát trắng, trước đây cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Câu ca xưa còn nhắc: “Khen rằng Vĩnh Đại có tài/Nấu séc chén gạo nồi hai cũng đầy” hay “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm”.
Năm ấy, nhân chuyến công tác miền Trung, tôi có ghé về xã Tam Hiệp để xác minh lại thành tích kháng chiến của ông ngoại tôi là Phan Châu-nguyên Bí thư chi bộ Vân Khương (chi bộ ghép Vân Trai và Thọ Khương) từ tháng 2-1946, kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Tam Hiệp-để làm chế độ cho người có công. Tại đây, tôi được Bí thư Đảng ủy xã tặng cuốn sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Tam Hiệp 1930-1975”. Tam Hiệp là địa phương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1995. Đoạn viết về thời kỳ trước năm 1945 viết, có người trong tổ chức phản bội, chỉ điểm để địch lùng bắt cán bộ, đảng viên, trong đó có các đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công), Nguyễn Sắc Kim… Tổng cộng có hàng chục người bị địch bắt đưa về giam ở Nhà lao phủ Tam Kỳ. Trong đó, người có tuổi cao nhất là cụ Nguyễn Kế (65 tuổi), người nhỏ nhất là Ngô Chinh (Ngô Thành) mới 16 tuổi… Tôi hơi “giật mình” vì người đồng hương ở TP. Pleiku lại có thời kỳ hoạt động cách mạng cùng cố Chủ tịch nước Võ Chí Công và ông ngoại của mình (đảng viên thời kỳ 1938-1939). 
 Ông Ngô Thành. Ảnh: B.Q.V
Ông Ngô Thành. Ảnh: B.Q.V
2. Sau này, ở Gia Lai, tôi có đến thăm ông Ngô Thành nhiều lần. Rồi khi đọc cuốn hồi ký “Sống trong lòng dân Tây Nguyên” của ông, tôi mới rõ hơn về hoàn cảnh và quá trình hoạt động cách mạng của ông ở quê hương cũng như ở Gia Lai trong 2 cuộc kháng chiến.
Sau khi ra tù, người thanh niên Ngô Thành về quê tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và 1 năm sau, ông nhập ngũ vào Vệ quốc quân (Khu 5). Ông được tiếp tục chuyển học tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, đóng ở Tịnh Minh, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ra trường, ông Ngô Thành được phiên về Trung đoàn 108, sau chuyển sang Trung đoàn 803 (Quân khu 5). Khi Tây Nguyên rơi vào tay thực dân Pháp, ông được điều động về Trung đoàn 120, bổ sung vào Đội vũ trang tuyên truyền 118, hoạt động ở Tây Nam thị xã Pleiku, từ phía Tây đường 14 đến Pô Keo (Campuchia). Và cuộc đời người chiến sĩ cách mạng này đã rẽ sang một giai đoạn khác, giai đoạn “sống trong lòng dân” đầy gian khổ, hy sinh.
Những câu chuyện kể của ông Ngô Thành về những năm tháng đầu về với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện Chư Prông ngày nay để vận động nhân dân kháng chiến chống Pháp là chặng đường đầy cam go, thử thách mà thế hệ chúng tôi, lớp trưởng thành sau năm 1975, hoàn toàn không thể hiểu được. Nhớ lần đầu tiên, tổ vũ trang tuyên truyền có 6 đồng chí do ông làm tổ trưởng về làng Bưt (xã Ia Pia) để vận động dân làng trong khi anh em chưa biết tiếng địa phương, phải thông qua phiên dịch và chưa có kinh nghiệm gì trong việc tiếp xúc với bà con địa phương. Đêm đó, ông bị sốt nằm trên võng, số anh em còn lại trong tổ công tác đang ngồi tiếp chuyện, uống rượu cần cùng dân làng thì địch tấn công. Trong tổ 6 người thì 4 đồng chí hy sinh, chỉ có ông và người thông dịch thoát chết. Một mình trong rừng hoang lạnh, tay không một tấc sắt, không biết tiếng địa phương, ông lần mò về hướng Tây phía núi Chư Prông để tìm đồng đội trong đói khát, cô độc. Bị lạc trong rừng già 18 ngày đêm, ông phải đào củ mì ở rẫy của đồng bào và uống nước suối để cầm cự qua ngày. Giữa lúc sự sống-cái chết rất mong manh, ông quyết định ở lại gần rẫy của đồng bào để may ra đồng đội có đi tìm sẽ bắt gặp chứ nếu đi lạc quá sâu, không may rơi vào tay địch hoặc bị thú dữ tấn công thì vong mạng là cái chắc… Quả nhiên sau đó, đồng đội đã dò la dân làng và tìm ra ông trong tình trạng sắp trở thành “người rừng”! Đó là lần thử thách cay đắng đầu tiên với sự mất mát, hy sinh khá đau đớn của đội công tác mà ông trải qua.
Sau một số thất bại trong công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của bản thân ông Ngô Thành và đồng đội, Tỉnh ủy Gia Lai bấy giờ đã kịp thời kiểm điểm, rút kinh nghiệm, truyền đạt các phương thức để bám dân, gây dựng cơ sở cách mạng. Để được lòng dân thì phải hiểu họ muốn gì và phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với họ, phải có được sự tin cậy, thân tình. Muốn có được điều đó thì phải học tiếng dân tộc địa phương, tìm hiểu phong tục tập quán, sống hòa mình vào cộng đồng như một thành viên. Khi đã kết nối được với các nhân tố tích cực thì việc gầy dựng cơ sở cách mạng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Từ lúc thay đổi phương thức hoạt động, đội công tác của ông lần lượt làm chủ địa bàn, người dân bước đầu đã có lòng tin vào cách mạng. Tuy nhiên, những khó khăn phía trước vẫn còn đó, luôn luôn thách thức người cán bộ cách mạng phải đủ dũng khí để vượt qua. Ngoài việc cảnh giác, đấu tranh với bọn tề điệp, cán bộ nằm vùng còn chiến đấu với bệnh tật, nhất là sốt rét rừng; phòng ngừa, chống lại thú dữ luôn rình rập. Những câu chuyện kể về “đường rừng” của người chiến sĩ cách mạng Ngô Thành cũng khá ly kỳ, hấp dẫn, chẳng khác gì những trận chống càn. Hồi đó, rừng Chư Prông còn dày đặc, là nơi đi lại, sinh tồn của nhiều loài thú dữ như voi, hổ, báo… Đội vũ trang tuyên truyền của ông có hàng chục đồng đội đã chết, bị thương vì hổ vồ. Đi đến đâu cũng nghe tin các làng xung quanh báo có người bị cọp bắt. Thật đáng sợ! Câu chuyện đánh cọp cứu đồng đội của ông Ngô Thành chẳng khác gì các dũng sĩ ngày xưa đánh hổ cứu người.
Đó là vào hồi đầu năm 1954, trong chuyến công tác, tổ 3 người của ông ngủ đêm trong chòi rẫy ở làng Lút, xã Al Bá. Nửa đêm, ông Trần Bài, quê ở Đập Đá, Bình Định đang say giấc thì bị cọp vào vồ mang đi. Ông Klêu, cán bộ người địa phương nằm cạnh phát hiện cọp tha đồng đội nhưng miệng lưỡi cứng đơ không la được. May thay ông Thành thức giấc kịp thời. Dưới ánh trăng lờ mờ, ông thấy con cọp đã mang ông Bài chạy xa cả chục mét. Không kịp lấy khẩu súng để cạnh, ông vớ được cây gậy rồi rượt theo. Khi cọp mang ông Bài chạy đến bờ rào của rẫy và có lẽ nghe tiếng chân người đuổi theo nên nó phải bỏ con mồi lại, nhảy qua hàng rào đi vào rừng. Bấy giờ, ông Bài vẫn nằm im, không biết sống hay chết. Ông Thành sờ vào người ông Bài thì thấy bê bết máu… Khi ông Klêu cắp súng chạy ra thì con cọp cũng vừa trở lại vì nó tiếc con mồi. Ông Ngô Thành ngăn không cho ông Klêu bắn cọp vì địch đang ở khá gần đó, sợ bị lộ. Ông cầm gậy, chờ khi cọp đến gần và chồm tới, sẵn đà ông phang trúng nó một cú như trời giáng. Hoảng hồn, con cọp cong đuôi chạy vào rừng. Các ông đưa ông Bài vào chòi sơ cứu, băng bó vết thương. Rất may là con cọp chưa cắn vào chỗ hiểm trên cơ thể nạn nhân. Các ông phải khiêng nạn nhân đi mất 5 ngày đường mới đến trạm xá của ta để cứu chữa. Nhờ vậy, ông Bài đã thoát chết khỏi móng vuốt cọp dữ.
3. Những gian khổ, hy sinh mà ông Ngô Thành và đồng đội đã trải qua trong 2 cuộc kháng chiến giữa núi rừng Tây Nguyên không thể nào kể hết. Nhưng sống trong lòng dân, được nhân dân đùm bọc chở che, ông và những cán bộ cách mạng kiên trung đã vượt qua tất cả để chiến thắng kẻ thù, đem lại hòa bình, độc lập cho buôn làng các dân tộc nói riêng và đất nước nói chung. Từ năm 1954 đến 1975, ông Ngô Thành đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng: quyền Bí thư huyện Chư Prông (1959), Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (1973). Sau ngày giải phóng, ông giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum, rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum. Khi tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum, ông Ngô Thành là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai.
Từ ngày về hưu, ông sống thanh nhàn cùng vợ con ở TP. Pleiku. Ông luôn quan tâm đến đồng đội cũ và truyền thống cách mạng ở địa phương. Tôi làm báo, có lúc cần tư liệu sống nên thường đến nhà nhờ ông giúp và lần nào ông cũng nhiệt tình cung cấp đầy đủ những gì liên quan đến lịch sử cách mạng tỉnh nhà. Cuốn Lịch sử Báo chí Gia Lai ra đời gần đây, chúng tôi cũng dựa vào một phần tư liệu quan trọng mà ông Ngô Thành và nhiều cán bộ lão thành khác cung cấp. Dù tuổi cao nhưng nhờ biết rèn luyện, sống mực thước nên ông còn khá minh mẫn, trí nhớ tốt. Khi có việc liên quan đến đồng đội cũ, ông không hề ngần ngại, sẵn sàng giúp đỡ tận tình. Hôm trước, tôi đưa vợ của liệt sĩ Khổng Tố (cậu ruột của vợ tôi, cán bộ ở lại của Gia Lai, hy sinh trong trận Mậu Thân năm 1968 ở Pleiku nhưng không tìm được mộ phần), đến thăm ông Ngô Thành và tìm hiểu thêm thông tin về liệt sĩ ấy. Khi được thông tin về nơi hy sinh và chôn cất, ông nhiệt tình bảo với người thân của liệt sĩ là khi nào bắt đầu tìm kiếm thì báo cho ông biết để tham gia cùng… Tôi hết sức xúc động, trân trọng tấm chân tình ấy của ông.
Bùi Quang Vinh
--------------------------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này

Có thể bạn quan tâm