Phóng sự - Ký sự

Người đi tìm cái đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bạn bè thường gọi “Anh” nhưng Hoàng Đặng đã ngoài “xưa nay hiếm” cũng khá lâu rồi. Hình như tuổi tác chưa làm giảm những tinh anh, đôi mắt ấy vẫn tinh tường.

Ở anh có cái gì đó mâu thuẫn, rất trẻ trong phát hiện tình huống nhưng lại có chút đắn đo mỗi khi nghe nhận xét về ai đó. Xưởng vẽ thì ngổn ngang những toile, những lọ nhưng các típ màu thì lại ngay ngắn thứ tự, xanh đỏ phân minh. Hồi nhỏ rất nghiêm túc nhưng về già lại có chút bông đùa. Chiếc xe máy bao năm cà tàng nhưng chai Martell thì hảo hạng. Buổi sáng thường hay đăm chiêu nhưng buổi chiều thì thường sôi nổi, Hoàng Đặng luôn luôn khao khát thèm sống, thèm nhìn. Qua anh ta dễ nhận ra cái đẹp, cái xấu ở đời.

Họa sĩ Hoàng Đặng.
Họa sĩ Hoàng Đặng.

Về lại nơi bắt đầu

Sinh ra ở Huế, tuổi nhỏ vào Đà Nẵng, hai chữ cực khó mưu sinh quấn lấy anh ngay từ thời còn học cấp một. Việc chi? Phụ chân lò bánh mì, phụ hồ… Không biết có phải vì vất vả hay những bữa cơm nhà Phật đã thôi thúc anh vào con đường học vẽ. Ngày ấy, những năm 70 mà thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế là bước một chân vào thế giới của chân trời sáng tạo. Thầy thương có ý kèm riêng bí kíp sắc màu, trong những buổi học nhân trắc, nhìn người thiếu nữ tới giờ khỏa thân làm mẫu, anh trau chuốt những đường cong, những liêu trai ánh mắt… mà cứ da diết làm sao vẽ được cái lạnh mùa đông xứ Huế đang phà vào cơ thể người mẫu kia. Âu cũng là áo cơm.

Sau bốn năm học trường mỹ thuật (1971-1975) anh mang những chân trời khát vọng để về quê làm… ruộng. Hai năm khoai sắn không thành niềm mơ mộng, bỏ quê anh lên Tây Nguyên với bazan mỡ màng cà phê, tiêu, bơ…, nhưng rồi cái xứ đất đai trù phú ấy không đủ chiều sâu nội tâm níu giữ anh. Anh về lại nơi anh bắt đầu.

Đà Nẵng không phải là nơi anh sinh ra, nhưng là nơi anh gắn bó tuổi thơ, nơi những con đường, góc phố thân quen như một phần kỷ niệm, nhất là nơi đây đủ chỗ cho anh vẫy vùng. Nói cho sang chứ bấy giờ đụng chi làm đó, nhiều nhất là vẽ pa-nô phim cho các rạp. Những Sư trưởng Sapaev, Aladin và cây đèn thần… chỉ sau một buổi đã hiên ngang cầm súng hoặc đầy huyền bí mộng mị trước các rạp để gọi mời người xem. Ngoài ra, một thế giới mênh mông những hội trường nhà văn hóa, hợp tác xã rước anh về vẽ chân dung và khẩu hiệu. Vất vả nhưng đủ để anh sống và mê say.

Thời gian anh về Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ngắn ngủi nhưng lại là dấu ấn định hình cho anh mấy chục năm làm báo, anh gần như độc quyền minh họa cho những trường ca hoặc phóng sự, ghi chép trên báo hằng tuần, anh là người vẽ biếm họa đầu tiên trên báo Đảng của tỉnh, đó cũng là giấy thông hành đủ hấp dẫn để sau đó anh gắn bó với Hội Văn học nghệ thuật.

Đi tìm cái đẹp

Chuyện vẽ tranh biếm (họa) không chỉ là giải pháp tình thế áo cơm. Trong sâu xa Hoàng Đặng muốn qua tranh để phê phán cái xấu trong cuộc sống. Điều anh tự hào không phải anh đoạt giải chính thức tại triển lãm Quốc gia về biếm họa (2008), mà sâu xa hơn anh mừng vì hiệu quả của cái cười có chút phê phán của anh được thừa nhận, tác động của nó được lan tỏa. Những Cop, Đan... trở thành bút danh thân quen trên các báo lớn. Thật ra đối với nhiều nước, tranh biếm trở thành một thể loại báo chí không thể thiếu, thậm chí có hẳn những tạp chí châm biếm, cười cợt nhưng sức nặng phê phán của nó cũng dữ dội như bất cứ loại vũ khí chữ nghĩa nào. Hình ảnh bộ ria mép và cái cần câu trong tranh biếm của Chóe vẫn còn lưu lại lâu dài.

Tác phẩm Tái định cư đoạt giải 3, cuộc thi biếm họa toàn quốc 2008.
Tác phẩm Tái định cư đoạt giải 3, cuộc thi biếm họa toàn quốc 2008.

Nhưng phê phán cái xấu thông qua tranh châm biếm không phải là mục đích cầm cọ của Hoàng Đặng. Cái chính chi phối toàn bộ tâm can của anh là tranh sơn dầu. Vì sao anh chọn sơn dầu? Có lần tôi hỏi và để trả lời cho sự thắc mắc cắc cớ này, Hoàng Đặng có chút bối rối. Bối rối không phải khó mà chính là hình như anh cũng không để ý vì sao anh lại đắm đuối sơn dầu đến vậy. Thì thôi, mỗi họa sĩ thường chọn cho mình một thể loại, mà với hội họa nó cũng mênh mông như trường phái văn chương. Lụa Nguyễn Phan Chánh, đôi mắt thiếu nữ trong tranh của Mai Trung Thứ, “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn trở thành bảo vật Quốc gia, những khám phá bất tận sơn mài Nguyễn Gia Trí, những liêu trai thân phận chiến tranh của những Nghiêu Đề, Đinh Cường… trở thành mẫu mực cho con đường đi đến cái đẹp. Hoàng Đặng một đời sơn dầu, sơn dầu thành dấu ấn nghệ thuật cái đẹp của anh.

Nghệ thuật là chân trời đầy cám dỗ, con đường đến đó thì vô tận nhưng tất cả phải trải qua bằng một sợi chỉ mong manh. Hội họa là sự im lặng đầy xung động. Tôi đang vẽ. Sẽ còn vẽ. Mỗi lần đứng trước tấm toile trắng là mỗi lẫn tôi cứ run ngợp như trẻ thơ. Không có “cái run ngợp như trẻ thơ” ấy thì xem như dừng lại. May mắn, kể từ triển lãm cá nhân đầu tiên (1987), Hoàng Đặng vẫn si mê “tôi đang vẽ”. Nói thêm, những ngày bộn bề cơm áo ấy, đường lối đổi mới triển khai chưa đầy năm mà có một triển lãm riêng của mình là một sự kiện. Đó không chỉ kết quả của mười năm lao động miệt mài mà còn là những bước khẳng định trên con đường dốc còn nhiều gập ghềnh cho một định hình thẩm mỹ.

Tác phẩm Trăng chiều.
Tác phẩm Trăng chiều.

Có thể bạn có chút ngạc nhiên khi trên trang đầu tiểu thuyết “The Time In Between”, NXB Mc Clelland&Stewart - Toronto, 2005 (bản tiếng Việt “Ở lưng chừng thời gian”, NXB Văn Học, 2007) của David Bergen - một nhà văn được ca ngợi rộng rãi ở Canada - trang đầu quyển sách ghi “To Tran Cau and Hoang Dang”. Đó là kết quả của một tình bạn cũng là nguồn cảm hứng của một họa sĩ Việt Nam cho một nhà văn nước ngoài. David Bergen viết về chiến tranh Việt Nam, về những bi kịch nội tâm của một người tham chiến ở chiến trường Quảng Ngãi, chính tuổi thơ cơ cực, những ám ảnh đại bác đêm đêm vọng về thành phố của người họa sĩ trước thời cuộc đã giúp cho tác giả trời tây neo lòng mình giữa lưng chừng thời gian. Trong những họa sĩ hiện nay, Hoàng Đặng là một trong số ít ỏi có trình độ tiếng Anh đủ để đọc tiểu thuyết nước ngoài, dĩ nhiên là đủ để giao du đây đó. Mà anh đi khá nhiều, và có lẽ, anh cũng là trong số ít họa sĩ đương đại được mời đi vẽ và triển lãm ở nước ngoài.

Giá trị được thời gian kiểm chứng

Tranh Hoàng Đặng vẽ gì? Rất nhiều thể loại được anh thể hiện, nhưng tập trung nhất là chủ đề ký ức buồn và phong cảnh nông thôn Việt Nam. Ký ức buồn là nói chung những hy sinh, mất mát và nhất là sự chịu đựng của con người trong chiến tranh. Còn nông thôn Việt Nam, với những ngọn cỏ, cọng rơm, những giọt mồ hôi, chút rêu xanh trên đá, chút vi vu gió trời, nhưng tập trung nhất là đôi mắt của người nông dân trên những luống cày… là thế giới mới cho sắc cho màu, cho đường nét cái đẹp trong tranh Hoàng Đặng lên ngôi. Nếu nói Nhà hát lớn Hà Nội là thánh đường âm nhạc, thì Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là đền thờ của cái Đẹp

Tác phẩm Chiều thu bên sông Hàn.
Tác phẩm Chiều thu bên sông Hàn.

Việt Nam qua các thời đại, được trưng bày và lưu giữ tranh ở đó là giấy xác nhận tên tuổi trong thiêng liêng ký ức thời gian. Ngoài 30, Hoàng Đặng có tranh trong ngôi đền thiêng đó. Dĩ nhiên ngoài Hà Nội, các bảo tàng ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng và các nhà sưu tập trong ngoài nước đều có chung ý nghĩ: Tranh của Hoàng Đặng là một giá trị được thời gian kiểm chứng.

Tham gia chung hoặc mở triển lãm riêng trong Nam, ngoài Bắc, và ở miền Trung nữa, Hoàng Đặng đến với công chúng không chỉ bằng tài hoa sắc màu, mà hơn thế còn cả sự lao động hành xác. Nguyễn Tuân nói trước trang giấy bản thảo là pháp trường trắng. Với Hoàng Đặng cũng vậy, biết bao lần vung cọ rồi lại chần chừ, tẩy xóa. Khi xem “Góc phố mùa thu ở Huế” ta bị màu trắng áo dài thiếu nữ và nhất là đôi mắt mở to cuốn hút, nhưng hình như chiếc nón lá của người phu xích lô, cái tĩnh lặng đường phố mùa thu rất Huế kia mới ngân lên da diết. Anh mang tranh qua Mỹ, qua Anh trưng bày, các nhà sưu tập trong ngoài nước quan tâm theo dõi và dành sự tin cậy, bởi họ tìm thấy từ tranh của anh một Việt Nam đương đại. Một Việt Nam đang chuyển mình nhưng biết giữ lại bờ cỏ xanh đồng ruộng, cái tam cấp nhọc nhằn lên xuống bờ ao, và nhất là bầu trời trong xanh đầy những quầng mây thương nhớ.

Một buổi chiều mưa tôi đứng rất lâu trong xưởng vẽ của anh. Trên giá một khung toile trắng tinh, căng tràn chờ đợi. Tôi không biết anh sẽ vẽ cái gì trên đó, chỉ biết rằng nét cọ đầu tiên, xanh đỏ đầu tiên ấy là sự rung động của sự im lặng tuyệt đối. Trên tường, bức tranh một người đàn ông với đôi kính nhìn xuống, cái miệng như mím lại, hình như đang nhìn một cái gì rất gần nhưng cũng rất xa, lơ đễnh kiếm tìm. Không hỏi nhưng tôi biết đó chính là anh, Hoàng Đặng đang buồn.

Có thể bạn quan tâm