Phóng sự - Ký sự

Người giữ đảo đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chị là nữ chủ nhân của đảo, là cột mốc sống nơi đảo tiền tiêu. Có những người như chị ở nơi địa đầu Tổ quốc, mỗi tấc đất của tổ tiên để lại sẽ mãi vẹn nguyên, để non sông Việt mãi trường tồn.
Chị là Nguyễn Thị Cảnh - trưởng thôn đảo Trần, thuộc xã đảo Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Gia đình chị chính là hộ dân đầu tiên trên đảo Trần, nơi được mệnh danh là "Trường Sa của tỉnh Quảng Ninh", ở tuyến đầu biển Đông Bắc.
Vợ cùng chồng ra đảo hoang
Đảo Trần, hòn đảo có diện tích chừng 4,5 km2 nằm ở vị trí đặc biệt, chỉ cách đường phân giới vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa đầy 10 hải lý. Bây giờ thì đảo Trần đã có dân sinh sống nhưng từ trước năm 2014 đảo này chỉ có duy nhất một hộ dân, chính là hộ chị Nguyễn Thị Cảnh. Dẫu biết sự hoang vắng và khó khăn trăm bề, chị đã lặn lội đưa chồng ra bám trụ sinh sống trên đảo từ năm 2006, một mình một cõi.
 
Chị Nguyễn Thị Cảnh trên đảo Trần. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy
Chị Cảnh sinh năm 1977. Năm 2002, chị lấy chồng. Chồng chị là anh Hoàng Văn Hiển, chàng trai quê Thủy Nguyên, Hải Phòng, hơn chị một tuổi, đến Hà Cối, Hải Hà, Quảng Ninh làm ăn và bén duyên với người con gái đất này. Anh quyết định ở lại làm rể Hà Cối. Chị khi ấy đang là cán bộ Đoàn xã. Lấy nhau, anh chị sinh được một cháu trai. Thế rồi cuộc sống khó khăn, công ăn việc làm không ổn định. Bố mẹ chị Cảnh là những người buôn bán nhỏ thường qua lại các đảo trên tuyến đảo Đông Bắc. Lần nọ, đồng chí chỉ huy một đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo Trần đi nhờ thuyền về đất liền, hỏi gia cảnh, ông bà có kể chuyện về cô con gái, anh mới nói đùa với ông Nguyễn Minh Đức và Đinh Thị Sửu - là bố mẹ chị Cảnh: "Trong bờ không sống được thì ra đảo đi, tôi sẽ giúp!". Tưởng chỉ nói chơi, ai dè khi ông bà bảo lại việc này, chị Cảnh gật đầu cái rụp. Vợ đồng ý thì anh Hiển cũng theo. Ngỡ làm rể quê vợ, gần gũi nhờ nhà ngoại, ai dè vợ lại kéo anh ra "làm rể" hòn đảo chưa có một mống người dám trụ lại này.
Vượt khó, kiên trì bám trụ
Điều kiện ở đảo khắc nghiệt, nhà cửa lại chưa có, những gì đôi vợ chồng trẻ có được nói không ngoa, chỉ hai bàn tay trắng. Để có thể trụ lại nơi đảo xa, họ phải gửi lại cậu con trai nhỏ nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Thế rồi được sự giúp sức của bộ đội, vợ chồng chị Cảnh cũng dựng được căn nhà thưng cót ép nép mình vào vách núi bên bờ eo biển, gọi là lấy chỗ chui ra chui vào. Thế là từ đó, đảo Trần đã có dân - một hộ duy nhất.
Ngày ngày, anh Hiển đi làm cho các tàu qua lại đánh bắt hải sản trên biển Đông Bắc, còn chị sắm sanh vài thứ hàng hóa nhu yếu phẩm bán cho bộ đội trên đảo. Mùa gió chướng, căn nhà nhỏ bị táp xuôi giật ngược, nằm trong nhà mà gió thốc tháo như ngoài bãi trống. Cuộc sống nơi đảo xa không điện, không nước, cả đảo có một cái giếng nhỏ, chị phải cùng bộ đội dậy từ 3 giờ sáng đi lấy nước (vì hôm trước dùng hết nước nên giếng cạn trơ đáy, ban đêm mạch ngầm chảy ra đến giờ ấy mới hồi phục), chị và những người lính đảo chia nhau từng xô nước nhỏ đục ngầu, đem về phải lọc mới có thể dùng. Vì thế, bố mẹ chị mỗi lần ghé đảo, ngoài các nhu yếu phẩm khác đã không quên tiếp tế cho vợ chồng con gái chút nước ngọt từ đất liền. Khó khăn là vậy nhưng chị vẫn kiên trì bám đảo, gia cố nhà cửa, trồng cây xanh, chăn nuôi. Cuộc sống vừa tạm ổn định thì chị cũng kịp có bầu lần thứ hai, cháu bé được phôi thai trong căn nhà nhỏ trên hòn đảo tưởng như sẽ chẳng bao giờ có tiếng trẻ con ấy.
Hồi năm 2014, tỉnh Quảng Ninh thực hiện dự án đưa dân ra đảo, sau khi có dân thì thôn Đảo Trần mới được thành lập. Lập thôn thì phải có trưởng thôn. Chị Nguyễn Thị Cảnh, vốn trước khi ra đảo đã tham gia công tác Đoàn thanh niên tại địa phương và với sự am hiểu, gắn bó với đảo đã được chính quyền huyện Cô Tô, xã Thanh Lân động viên đi học bồi dưỡng sơ cấp rồi trung cấp chính trị, rồi bồi dưỡng kết nạp Đảng và động viên chị giữ vị trí trưởng thôn. Số dân khiêm tốn chỉ hơn 50 người nên đảo Trần, với diện tích 4,5 km2, là một đảo độc lập nhưng theo đơn vị hành chính vẫn chỉ là một thôn của xã đảo Thanh Lân, một thôn nhưng là hẳn một đảo - thôn Đảo Trần. Mỗi lần đi họp là chị Cảnh phải sang xã Thanh Lân, thuyền bè cách trở, sinh hoạt chi bộ cũng ở bên ấy. Bởi thế, trước mỗi lần đi họp, chị lại vòng quanh các hộ trên đảo một vòng để gom góp giấy tờ và những gì cần xác nhận đóng dấu để làm cho bà con. Nói về chức sắc bé mọn này, chị Cảnh bảo việc đến thì phải làm thôi chứ không bao giờ chị nghĩ ra đây để làm này làm nọ, bởi chỉ làm một người dân bình thường ở đảo cũng phải cố gắng rất nhiều rồi.
Chị Cảnh vẫn chưa được cấp nhà theo chính sách dành cho dân ra đảo định cư, là bởi chị là trưởng thôn nên gương mẫu, sẽ nhận nhà đợt sau, vì nhà nước sẽ còn đưa dân ra tiếp, nhà nước sẽ còn xây nhà tiếp. Nhìn vào khu dân cư hiện tại thì nhà trưởng thôn Cảnh là ngôi nhà nhỏ nhắn, "hoàn cảnh" nhất. Nhưng chị không vì thế mà buồn. Chị vẫn sống hồn hậu như thuở đầu đến với đảo.
Khát khao ánh điện
Chị vốn thông minh, khi cậu con trai đã lớn, thấy anh em bộ đội đi lao động trên đảo nắng nôi vất vả mà chỉ có nước đóng chai, chị đã tìm công thức trên mạng tự mày mò học nấu nước ngô và nước đậu nành ướp lạnh bán cho các chiến sĩ sau giờ lao động với giá rất phải chăng. Cũng nhờ đó, nhà chị đã thành điểm dừng chân quen thuộc của anh em bộ đội các đơn vị. Ở cương vị trưởng thôn, chị cũng cùng với các đơn vị bộ đội tích cực động viên bà con trên đảo sống xanh - sạch, trồng cây xanh, bảo vệ môi trường biển. Năm 2019, chị đã vận động xin vật liệu của đơn vị thi công công trình trên đảo và nhờ bộ đội giúp công sức xây cho mỗi hộ dân một lò đốt rác trước nhà để giải quyết vấn đề rác sinh hoạt, không thải ra môi trường gây ô nhiễm. Bởi thế, đảo Trần vẫn là hòn đảo xanh, không bị rác thải và đồ nhựa xâm lấn như một số hòn đảo khác.
 Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy
Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy
Hiện tại, trong khi các đảo khác trong huyện đảo Cô Tô đều đã có điện thì đảo Trần chưa có, nên muốn làm ăn, nuôi trồng gì cũng bất tiện. Đảo tuy không quá xa đất liền, chỉ chừng vài ba giờ chạy xuồng máy nhưng hầu như mọi lương thực - thực phẩm, nhu yếu phẩm sinh hoạt, rau xanh đều phải mang từ đất liền ra, có khi biển động, cả chục ngày bị "cắt nguồn tươi sống" là chuyện thường. Riêng nguồn điện để thắp sáng và chạy các thiết bị điện phải dùng máy nổ, tiền dầu cộng với công duy trì máy hoạt động chia đều cho các hộ đóng góp, tính ra mỗi KW điện lên tới 5.000 đồng. Nhà chị Cảnh có 2 tủ đông để giữ đồ anh Hiển đi biển đánh bắt mang về khỏi ươn cộng với điện sinh hoạt mỗi tháng chi phí cho tiền điện lên tới 4 triệu đồng. "Làm được bao nhiêu vào tiền điện hết" - chị Cảnh giãi bày khi tôi hỏi khó khăn lớn nhất là gì. Vì thế, nguyện vọng lớn nhất của nữ trưởng thôn và bà con trên đảo là đến một ngày, đảo Trần sẽ được thắp sáng bởi dòng điện lưới quốc gia như các đảo khác.
Nữ trưởng thôn nói chắc nịch: "Không cần phải động viên, nếu có điện, tự khắc bà con sẽ tìm ra với đảo".
Nguyễn Xuân Thủy (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm