Phóng sự - Ký sự

Người hồi sinh loài cá tiến Vua

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cá tiến Vua - người dân địa phương gọi với tên thân thuộc là cá rô Tổng Trường với hương vị thơm ngon và béo ngậy. Ca dao của đất Trường Yên đã từng: “Dập dìu tài tử giai nhân/ Xem thuyền vua Lý đang rời kinh đô/ Khi đi nhớ cậu cùng cô/ Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường”. Loài cá tưởng chừng đã tuyệt chủng, nay được anh Ngô Đức Tâm “hồi sinh” với mong muốn trở thành món ăn đặc sản góp phần quảng bá du lịch Ninh Bình.

Huyền thoại một loài cá

Trong một sự kiện du lịch mang tên “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”, du khách có thể chiêm ngưỡng những khung cảnh tuyệt đẹp như tranh giữa cánh đồng lúa chín như dải lụa vàng trải dài trên dòng sông Ngô Đồng. Tại đây, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ anh Ngô Đức Tâm ở Trường Yên, Hoa Lư (Ninh Bình), người đàn ông với khuôn mặt khắc khổ và già trước tuổi.

Sau khi trò chuyện được biết, anh Tâm xa quê từ khi tròn đôi mươi. Anh đã sống ở đất khách quê người suốt 30 năm ròng với khát vọng khám phá những miền đất mới. Nhờ làm việc chăm chỉ và sáng tạo trong khoảng thời gian ấy, anh Tâm đã thành công, xây dựng được chuỗi 5 nhà hàng tại TP HCM. Tuy nhiên, anh Tâm đã quyết định từ bỏ những thành công đó để trở về quê hương và khởi nghiệp. Quyết định này khiến nhiều người ngạc nhiên và cảm thấy khó hiểu.

Anh Tâm cho biết, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch ở Ninh Bình và những thành tựu của lớp đàn anh đi trước, đã tạo được nền móng vững chắc và những bước đi đột phá.

Quần thể danh thắng Tràng An gồm 3 khu vực bảo tồn chính gồm, Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Khu rừng đặc dụng Hoa Lư. Tổng diện tích của quần thể là 6.226ha vùng lõi chiếm toàn bộ khối đá vôi Tràng An và được bao quanh bởi vùng đệm rộng 6.026ha.

Đó là một trong những động lực giúp anh Tâm nảy ra ý tưởng phát triển cá rô Tổng Trường, một nguồn lợi mới cho du lịch Ninh Bình.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Tâm kể lại những kỷ niệm thuở nhỏ khi cha dẫn đi mò cua, bắt ốc, và đến khu vực đền Trần ở thung Thắm (Tràng An). Anh Tâm nhớ rõ, chi tiết về hình ảnh con cá rô sống động đậu trên cột đá đền Trần. Đến nay, nhiều du khách khi đến đền Trần vẫn kinh ngạc khi thấy bầy cá rô như đang tung tăng trên cột đá.

Không chỉ anh Tâm, có lẽ những ai đã biết đến cá rô Tổng Trường dù có đi bốn phương trời khi quay về Ninh Bình vẫn nhớ tới nó.

Nghĩ là làm, anh Tâm lập trang trại và khu vực chế biến cá rô Tổng Trường thành món đặc sản đại diện cho quê hương Ninh Bình. Anh bắt đầu kinh doanh với việc chế biến ruốc từ cá rô Tổng Trường và đã thành công trong việc đưa món ruốc cá tiến Vua này ra khắp các tỉnh thành của Việt Nam.

Anh Tâm được coi là người đầu tiên ở Ninh Bình thành công trong việc khai thác và phát triển cá rô Tổng Trường, tạo nên một nguồn lợi du lịch mới cho vùng đất này. Anh đã góp phần làm phong phú và đa dạng hóa thị trường du lịch Ninh Bình, nơi đã thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Ngoài cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, Ninh Bình còn có tiềm năng về văn hoá, nghệ thuật và ẩm thực mà anh Tâm muốn khai thác và phát triển.

Sự “hồi sinh” của cá rô Tổng Trường đã mang lại hy vọng và tiềm năng mới cho ngành du lịch Ninh Bình. Nhờ những nỗ lực của những người như anh Ngô Đức Tâm, quê hương Ninh Bình càng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và độc đáo.

Cá rô Tổng Trường trở thành biểu tượng đặc sản của Ninh Bình, thu hút sự quan tâm và thưởng thức của du khách. Kết quả, việc phát triển du lịch ở Ninh Bình đã được nhiều tạp chí danh tiếng như Fobes của Mỹ; tạp chí du lịch Canada The Travel bình chọn là điểm đến thân thiện nhất thế giới…

Tràng An - nơi sinh sống của loài cá tiến Vua

Tràng An - nơi sinh sống của loài cá tiến Vua

Sự thành công của anh Tâm trong việc “hồi sinh” cá rô Tổng Trường không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương mà còn giúp bảo tồn loài cá quý hiếm này. Được nuôi trong môi trường tự nhiên của vùng hang động ngập nước ở xã Trường Yên, cá rô Tổng Trường có hương vị độc đáo và dinh dưỡng cao. Thịt cá mềm, ngọt, khiến nó trở thành một món ăn thú vị và đặc biệt của vùng đất này.

Cá tiến Vua được điêu khắc trên cột đá đền Trần. Ảnh: Đức Hoàng

Cá tiến Vua được điêu khắc trên cột đá đền Trần. Ảnh: Đức Hoàng

Góp phần quảng bá du lịch

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng, sự “hồi sinh” loài cá rô Tổng Trường đã tạo ra một chuỗi cung ứng ổn định, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cũng theo ông Mạnh, ngoài anh Ngô Đức Tâm, hiện một số hộ dân ở Trường Yên cũng đang phát triển loài cá này.

Chính vì thế, thời gian tới, cá rô Tổng Trường không chỉ cung ứng cho các tỉnh, thành trên cả nước, mà còn hướng tới việc xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này không chỉ giúp quảng bá hình ảnh và giá trị của Ninh Bình trên trường quốc tế mà còn mở ra cơ hội kinh doanh và tạo thu nhập cho người dân địa phương, ông Mạnh nói.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho hay, việc khai thác và phát triển cá rô Tổng Trường góp phần giúp Ninh Bình trở thành một điểm đến du lịch đa dạng và phong phú, mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Anh Ngô Đức Tâm bên ao nuôi cá. Ảnh: Đức Hoàng

Anh Ngô Đức Tâm bên ao nuôi cá. Ảnh: Đức Hoàng

Với thành công “hồi sinh” cá rô Tổng Trường, anh Ngô Đức Tâm không chỉ dừng lại ở việc chế biến và cung ứng loại cá này, mà anh còn có kế hoạch phát triển các sản phẩm từ cá rô nhằm tăng giá trị gia tăng.

Trò chuyện với chúng tôi anh Ngô Đức Tâm cho biết, anh đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ chế biến hiện đại để tạo ra những sản phẩm đa dạng từ cá rô Tổng Trường như mỡ cá, gia vị từ cá, nước mắm cá rô, bột cá rô và các món ăn chế biến từ cá rô như lẩu, nướng, chiên, hấp...

Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, Ninh Bình đón 4,5 triệu lượt khách, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ước đạt hơn 3.750 tỷ đồng,.

Việc phát triển các sản phẩm chế biến từ cá tiến vua không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp tăng thêm giá trị và sự đa dạng cho du lịch ẩm thực. Du khách có thể thưởng thức những món ăn độc đáo và hấp dẫn từ cá rô, cùng trải nghiệm văn hóa ẩm thực đặc sắc của địa phương.

Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm chế biến từ cá rô Tổng Trường cũng mang lại cơ hội cho người dân địa phương tham gia vào ngành công nghiệp chế biến và du lịch, tạo công ăn việc làm cho địa phương. Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm