Người khai mở giáo dục Phật giáo tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tết Nhâm Dần 2022 đánh dấu 40 năm xây dựng và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai. Những năm qua, nhiều vị chức sắc, giáo phẩm đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo cũng như sự phát triển của tỉnh nhà, trong đó có Tiến sĩ-Hòa thượng Thích Tâm Tường-thành viên Ban Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh.

Hành trình xuất gia tu học

Hòa thượng Thích Tâm Tường quê ở xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn (nay là phường Hoài Xuân, thị xã Hoài Nhơn), tỉnh Bình Định. Từ nhỏ, ông xuất gia để vào chùa Thiên Trúc (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Sau đó, ông vào tu viện Nguyên Thiều (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước). Một thời gian dài, ông được cố Hòa thượng Thích Giác Ngộ (nguyên Trụ trì chùa Bửu Thắng, TP. Pleiku) dìu dắt, hướng dẫn tu học. Ông theo sư phụ từ Bình Định ra Đà Nẵng, rồi lên Tây Nguyên từ năm 1974 cho đến nay. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), ông là vị tăng sinh đầu tiên của Phật giáo Gia Lai thi đậu vào Trường Cao cấp Phật học của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Không những thế, ông tiếp tục là nghiên cứu sinh Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ Phật học tại Đại học New Delhly (Ấn Độ), bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Tiến sĩ-Hòa thượng Thích Tâm Tường. Ảnh: Thanh Nhật
Tiến sĩ-Hòa thượng Thích Tâm Tường. Ảnh: Thanh Nhật


Trở về Gia Lai, Hòa thượng được bổ nhiệm làm Trụ trì chùa Bửu Thắng (TP. Pleiku), cũng là nơi đặt Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Gia Lai. Với phương châm phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật, Hòa thượng cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các chùa, tịnh xá tích cực làm từ thiện nhân đạo, chia sẻ vật chất và tinh thần cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người tàn tật, người không nơi nương tựa, bệnh nhân, các cơ sở bảo trợ xã hội. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Hòa thượng cùng tập thể Ban Trị sự chủ trì tổ chức các đại lễ cầu siêu hương linh anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ và nhiều nghĩa trang liệt sĩ khác trong tỉnh.

Hòa thượng thường lồng ghép những điều hay lẽ phải trong đời sống xã hội, đời sống gia đình, nhắc nhở phật tử chấp hành pháp luật, bỏ điều ác, làm điều thiện, sống vị tha, dạy dỗ con cái đạo đức và hiếu thảo... Hòa thượng Thích Tâm Tường cũng hướng các chùa, tịnh xá tổ chức “khóa tu mùa hè” cho thanh-thiếu niên, tạo sân chơi bổ ích giúp các em tìm hiểu Phật pháp, rèn luyện đạo đức, tránh xa các tệ nạn xã hội, chuyên cần học tập để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Nhiều đóng góp cho văn hóa và giáo dục

Thời gian tại Ấn Độ, ngoài việc tham gia nhiều công trình nghiên cứu, Hòa thượng Thích Tâm Tường đã dày công đầu tư vào 2 luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ tại Đại học New Delhly. Dù đang học tập tại Ấn Độ nhưng tâm nguyện của thầy luôn hướng về quê hương đất nước. Đó cũng là lý do chọn nghiên cứu đề tài “Bối cảnh Phật giáo đời Trần tại Việt Nam” nhằm giới thiệu cho bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về truyền thống đoàn kết yêu nước, “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam. Trong luận án tiến sĩ, Hòa thượng Thích Tâm Tường đã chọn nghiên cứu đề tài “Đánh giá, phê bình quan điểm của Đức Phật đối với môi sinh”. Hòa thượng Thích Tâm Tường chia sẻ: “Trong bối cảnh phát triển của nền văn minh nhân loại thì những mặt trái ảnh hưởng và tác động xấu đến môi trường, môi sinh là rất lớn và đó cũng là vấn đề quan tâm lớn của các quốc gia trên thế giới. Bản thân tôi luôn trăn trở, làm sao để giúp mọi người cùng hiểu, cùng hành động tích cực hơn để bảo vệ môi trường trái đất, sự sống cho vạn vật, chúng sanh”.

Ông Rah Lan Chung (thứ 4 từ phải sang)-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm chùa Bửu Thắng (TP. Pleiku, nơi Hòa thượng Thích Tâm Tường lên tu học từ năm 1974 cho đến nay) nhân dịp 40 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7-11). Ảnh: Thanh Nhật
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Rah Lan Chung (thứ 4 từ phải sang) thăm chùa Bửu Thắng (TP. Pleiku, nơi Hòa thượng Thích Tâm Tường lên tu học từ năm 1974 cho đến nay) nhân dịp 40 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7-11). Ảnh: Thanh Nhật


Trong các cuốn sách của Hòa thượng Thích Tâm Tường đã được phát hành, Chi nhánh Nhà xuất bản Văn học tại miền Trung và Tây Nguyên cùng với Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam đã chọn để tổ chức chương trình giới thiệu 2 tác phẩm. Trong đó, tác phẩm “Phật giáo đời Trần-Cách tiếp cận từ lịch sử” đã đề cập sâu về bối cảnh lịch sử, đặc điểm cơ bản của Phật giáo đời Trần và những tác động về lịch sử, văn hóa xã hội, vai trò của Phật giáo đời Trần đối với dân tộc, những tu sĩ Phật giáo nổi tiếng đời Trần, Phật giáo đời Trần và những bài học lịch sử.

Tác phẩm sách “Thơ thiền Lý Trần-Tinh tuyển và chú giải” cũng mang dấu ấn về tinh thần làm việc miệt mài của tác giả, đầu tư công sức tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu rất công phu, giúp người đọc khám phá nghệ thuật thơ thiền Lý-Trần. Sách đã tuyển chọn giới thiệu tác giả và tác phẩm của các thiền sư với nguyên văn chữ Hán, phiên âm, chú thích, dịch nghĩa, dịch thơ, cùng phần bình chú một số bài thơ thiền đặc sắc của các thiền sư. Cuối sách là phần bình luận ngắn về một số bài thơ thiền, như một sự gợi mở để giúp người đọc có thể tự cảm nhận sự uyên bác về Thiền học và tinh tế trong cảm thụ nghệ thuật. Ngoài ý nghĩa tôn vinh nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của thơ thiền Lý-Trần, tác phẩm còn là tư liệu học tập, nghiên cứu, bổ sung kiến thức Phật học, văn học, Hán văn cho tăng ni sinh các trường Phật học, sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn ở các trường đại học.

 

Các tác phẩm của Tiến sĩ-Hòa thượng Thích Tâm Tường là tư liệu học tập, nghiên cứu cho tăng, ni sinh các trường Phật học, sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn. Ảnh: Thanh Nhật
Các tác phẩm của Tiến sĩ-Hòa thượng Thích Tâm Tường là tư liệu học tập, nghiên cứu cho tăng, ni sinh các trường Phật học, sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn. Ảnh: Thanh Nhật

Với tâm nguyện góp phần đào tạo tăng tài cho Giáo hội, giúp tăng ni trẻ học tập, hiểu biết sâu về Phật pháp, vừa có kiến thức xã hội, phù hợp xu thế phát triển chung của đất nước và thế giới, Hòa thượng đã nhiều năm trăn trở và tận tâm trong các khâu chuẩn bị mở trường Phật học. Sau đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định thành lập và chuẩn y nhân sự Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Phật học tỉnh Gia Lai. Đây cũng là cơ sở giáo dục đào tạo tăng ni đầu tiên ở Gia Lai thuộc hệ thống các trường đào tạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trường đã tổ chức ra mắt và khai giảng khóa I vào năm 2012. “Đến nay, trường đã hoàn thành 3 khóa đào tạo cho khoảng 150 tăng ni sinh và đang đào tạo khóa IV. Từ mái trường này, nhiều vị đã tiếp tục vào các trường đại học trong nước, hoặc theo học thạc sĩ, tiến sĩ ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản. Nhiều vị được phân công đảm nhận công việc trong Giáo hội tại địa phương và trung ương cũng như làm trụ trì nhiều ngôi chùa trong và ngoài tỉnh”-Hòa thượng Thích Tâm Tường phấn khởi chia sẻ.
 

Ông Hồ Hải Tần-Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh: Hòa thượng Thích Tâm Tường là vị tu sĩ tiêu biểu về đạo hạnh, có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, luôn quan tâm hướng dẫn tăng ni và phật tử sống tốt đời đẹp đạo, thực hiện đúng đường hướng “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân...

 THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm