(GLO)- Nhà bố mẹ tôi và nhà chị cách nhau một bức tường rào. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ 2 giờ sáng chị đã thức dậy, mặc vội bộ quần áo công nhân cũ mèm với những mảng mủ cao su chỗ đen, chỗ xám, đặc quánh, bám chặt vào từng thớ vải. Chị đội chiếc đèn pin lên đầu, cầm vội con dao cạo chạy ra sân dắt vội chiếc xe dính đầy bùn đất cộng với mủ cao su tạo thành một màu đặc trưng. Chiếc xe nổ phạch phạch lao đi trong đêm.
Có những hôm, chị cố tình đặt giờ báo thức sớm hơn 15 phút nhưng khi chuông đồng hồ điểm, chị vẫn không thể dậy được. Chị cố nằm thêm 15 phút. Từ 2 giờ đến 5 giờ sáng là khoảng thời gian làm việc cật lực, không ngơi nghỉ của chị. Khi mặt trời vừa hé những tia nắng đầu tiên báo hiệu cho một ngày mới thì cũng là lúc chị cùng mọi người lục tục kéo nhau về. Sau một đêm mất ngủ, khuôn mặt chị như hốc hác hẳn đi, làn da hồng hào thời con gái đôi mươi không còn nữa, thay vào đó là một làn da sạm đen vì sương, vì nắng.
Ảnh minh họa |
Chiếc xe máy đỗ xịch trước sân nhà. Chị bước xuống, lê từng bước chân mệt mỏi, cởi vội đôi giày bẩn, cất ngay chiếc dao cạo, thay đồ, rửa chân tay và lên giường chợp mắt. Giấc ngủ đến với chị nhanh chóng, bỏ qua những nhọc nhằn, lo toan hàng ngày... Trước khi ngủ, chị quên cài báo thức, có lẽ chị mệt quá, vì thế, mãi đến tám giờ sáng chị mới giật mình tỉnh dậy: “Chết cha, mình còn phải đi chợ”. Lúc này trong nhà vắng hoe, chồng chị và các con đã ăn mì tôm qua quít rồi ra khỏi nhà từ sớm. Chồng chị lên rẫy cà phê, còn 2 đứa con thì đi học.
Cuộc sống hàng ngày của những người công nhân khai thác mủ cao su như chị chưa bao giờ có được một giấc ngủ trọn vẹn. Có hôm tôi hỏi chị: “Đã bao giờ chị có được một giấc ngủ từ đầu hôm đến sáng chưa?”. Chị cười bảo: “Chưa em ạ!”. Tôi thắc mắc: “Ủa! Mùa cạo thì mất ngủ đã đành, mùa nghỉ cạo thì sao lại không ngủ được ạ?”. Chị bảo: “Thói quen dậy sớm nó in sâu vào trong máu rồi em ạ. Mùa cạo thì lo dậy sớm để cho kịp đi làm. Mùa không đi cạo cũng không thể ngủ được, cứ tầm đó là giật mình tỉnh giấc. Đôi khi giật mình tỉnh dậy nhìn đồng hồ rồi bật dậy lao xuống khỏi giường, chạy xuống vớ lấy cây đèn pin mới chợt nhớ ra, mùa này đâu có cạo được”.
Ngày cuối tuần về thăm bố mẹ. Mẹ nấu cho tôi những món ăn tôi thích, kể chuyện làng, chuyện xóm cho tôi nghe. Có hôm mẹ kể về chị, mẹ bảo: “Khổ thân con bé, cặm cụi từ 2 giờ sáng tới quá trưa, chẳng biết đi đứng thế nào hôm qua lại làm đổ hết mủ”.
Nghe mẹ kể, tim tôi bỗng thấy nhói đau. Hơn ai hết, tôi hiểu sự vất vả của chị để có được một thùng mủ lúc tận thu. Cần mẫn, tỉ mẩn từng nhát dao để cho giọt mủ chảy xuống. Hôm nào trời mưa thì đội cả áo mưa mà cạo, nước mưa cộng với mồ hôi chảy xuống mặt, xuống môi mặn chát. Mùa nắng thì muỗi, chao ôi, cơ man nào là muỗi, muỗi vây kín người. Có khi được nửa đường cạo, có con muỗi vô tâm nào đấy lại chích vào cánh tay, thế là cả đường cạo chệch hướng. Xong đường cạo chị kẹp con dao vào nách, giáng cho con muỗi một cái. Cú giáng đó chứa đựng tất cả sự mệt mỏi, bực bội của cả một đêm mất ngủ.
Ăn cơm xong, tôi ra ngồi trước thềm nhà thì thấy chị, tôi chào. Chị ngạc nhiên nhìn tôi: “Ơ! Cô mới về à. Dạo này nhìn cô trắng hơn nhỉ!”. Tôi hỏi chị: “Em nghe mẹ nói hôm qua chị bị đổ mủ à?”. Thoáng chút buồn chị bảo: “Đường trơn quá cô ạ, chân chị lại yếu nên lúc chiếc xe bị trượt chị không thể chống được. Xe đổ đè lên người, còn mủ thì đổ hết sạch. Nhưng hãy còn may hơn con Hường hôm trước, cũng bị ngã vì đường trơn, rồi mủ đổ hết lên tóc, không gỡ ra được phải cắt hết cả mái tóc đấy em ạ”.
Thế đấy! Tôi sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này, sống trong vòng tay của những người lao động nơi đây mà vẫn không hiểu hết được cuộc sống của họ, những điều mà họ phải trải qua. Đôi khi, nhìn thấy một người phụ nữ như chị chở 5, 6 thùng mủ trên một chuyến xe, tôi chỉ trầm trồ thán phục mà không hiểu rằng cực nhọc đằng sau đó.
Có hôm, tôi thấy chị ngượng nghịu trong bộ áo dài truyền thống màu xanh. Chị bộc bạch: “Công nhân như chị mặc “đồ mủ” quen rồi, giờ mặc đồ này thấy không quen”. Tôi khen chị: “Em thấy chị mặc áo dài đẹp mà. Có lẽ leo đồi nhiều nên eo thon mặc hợp lắm”. Chị nói như cố giải thích cho việc hôm nay tại sao mình mặc thế: “Hôm nay, có hội nghị quán triệt nghị quyết của Đảng, chị là đảng viên nên phải tham gia”.
Đối với những người lao động cực khổ như chị, đôi khi mặc đẹp một chút, ăn ngon một chút cũng cảm thấy như mình có lỗi. Nhiều khi ngồi tâm sự, chị bảo: Nói thật với em, lắm lúc chân tay toàn mủ đen sì, có việc lên Công ty bọn chị ngại lắm.
Tôi nắm lấy bàn tay chị và có cảm giác tay mình như bị một miếng nhám chà lên. Nhìn kỹ mới thấy da tay chị bị bong hết lớp bên ngoài, nứt nẻ từng đường, có nơi còn chảy máu. Tôi hỏi: “Tay chị bị sao thế này?”. Chị bảo: “Công nhân cạo mủ cao su hầu như đều bị thế này cả em ạ. Tiếp xúc nhiều với mủ nên bị như thế đấy. Nhất là mùa lạnh, những vết nứt này cứ há miệng, chảy máu, đau lắm!”. Nghe chị nói thế, tôi thật sự xót xa và cảm thấy thương chị hơn. Tôi không biết phải nói gì vào lúc này cả.
Mới đây, gặp tôi, chị hồ hởi: “Đợt vừa rồi trong hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cao su chị được bàn tay vàng đấy cô ạ!”. Tôi nói như reo lên: “Ôi! Tuyệt quá. Được nhiều tiền không chị?”. Chị nheo nheo mắt và giơ hai ngón tay lên ra hiệu là được 20 triệu đồng. Tôi thực sự mừng vui như chính mình được thưởng. Tôi choàng vai ôm chị vào lòng.
Vào nhà chị, trên bốn bức tường treo kín giấy khen, bằng khen của chị và hai đứa con. Nhiều khi, chồng chị tếu táo: Đấy, cô nhìn xem, anh cũng vất vả không kém thế mà chẳng có ai khen cả. Nhà này mỗi mình anh là kém cỏi thôi. Anh vừa nói vừa lườm yêu chị. Chị vội chống chế: “Anh cứ nói thế! Nếu mà không có anh thì một mình em làm sao xuể 3 ha cà phê, 2 ha điều với 800 trụ tiêu”.
Vất vả là thế, cực nhọc là thế nhưng chưa bao giờ chị có ý định từ bỏ con đường mình đã chọn. Đó là chị Nguyễn Thị Thúy, hiện là công nhân Đội 1, Công ty 715, Binh đoàn 15.
Nguyễn Thị Linh