Thời sự - Bình luận

Người làm công ăn lương đợi đến bao giờ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đóng góp lớn trong cơ cấu thuế thu nhập cá nhân với số thu ngày càng tăng, nhưng người làm công ăn lương lại bị gạt ra khỏi các đề xuất được hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Suốt hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, đặc biệt là giai đoạn nhiều tỉnh thành trên cả nước phải giãn cách để phòng chống dịch, đã khiến thu nhập của rất nhiều cá nhân, hộ gia đình giảm mạnh. Không ít người còn gánh thêm chồng, con, người thân... thất nghiệp khiến chất lượng cuộc sống bị tác động nặng nề.

Trong bối cảnh đó, các kiến nghị, đề xuất hỗ trợ người làm công ăn lương thông qua việc miễn, giảm, giãn thuế TNCN liên tục được đưa ra nhưng đều rơi vào im lặng. Đáng nói là cũng chính trong giai đoạn đó, nhiều giải pháp tài khóa - tiền tệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN), tiểu thương đã được triển khai áp dụng khiến người ta có cảm giác chính sách đang bỏ rơi người làm công ăn lương - những người đã miệt mài đóng góp cho ngân sách suốt bao năm qua. Mãi đến đầu tháng 3 vừa rồi, Bộ Tài chính mới có văn bản lấy ý kiến rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi 6 luật thuế, trong đó có thuế TNCN. Nội dung rà soát, đánh giá góp ý sửa đổi, theo bộ này, gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh... Hàng triệu người làm công ăn lương trên cả nước đã khấp khởi mừng và kỳ vọng các bất cập, thiệt thòi trong những quy định của luật thuế hiện hành sẽ nhanh chóng được điều chỉnh. Thế nhưng đã gần 5 tháng trôi qua, cái sự lấy ý kiến này lại trôi vào quên lãng.

Nói quên lãng là vì nó không còn được nhắc đến thường xuyên, khẩn thiết như giai đoạn trước đó. Một phần là vì người ta đợi Bộ Tài chính “lấy ý kiến”. Mà việc lấy ý kiến để sửa đổi bất cập của luật thuế đã bao giờ nhanh đâu! Quan trọng hơn, trong gần 5 tháng qua, hàng triệu người làm công ăn lương nói riêng và người dân, DN nói chung phải quay cuồng chống chịu với cơn bão giá, khi xăng dầu - mặt hàng thiết yếu đầu vào - đã có hơn chục lần tăng giá. Xăng tăng kéo theo cước vận tải tăng, dưa cà mắm muối... đều tăng. Rồi học phí, viện phí, sách giáo khoa... hoặc tăng, hoặc rình rập tăng. Cơm áo gạo tiền lấn bấn, với nhiều bà nội trợ, tính toán để thu nhập đủ trang trải 30 ngày trong tháng đã khó khăn lắm rồi, thời gian đâu mà kiến nghị, đề xuất hay chạnh lòng vì bị bỏ rơi, bị gạt ra rìa nữa.

Nhưng dù họ, người làm công ăn lương, có thể đã mệt mỏi vì chờ đợi, có thể chán nản vì kiến nghị mãi chưa được đáp ứng, thì Bộ Tài chính cũng không nên và không thể quên. Bão giá quét trên toàn cầu, lạm phát khiến các nước giàu có như Mỹ, EU, Nhật... đều phải đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân. Là nền kinh tế mở, VN bị tác động nặng nề. Chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng vọt khiến giá thành hàng hóa tiêu dùng đội lên rất cao, trong khi thu nhập ngày càng teo tóp. Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để chính sách thuế phải vào cuộc, phải hỗ trợ người làm công ăn lương, chưa cần nói đến sự lạc hậu của các ngưỡng thuế, sự lỗi thời của mức chiết trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, sự vô lý của định mức cho người phụ thuộc...

Số thu ngân sách cao trong bối cảnh khó khăn bủa vây người dân và DN, trong bối cảnh các đề xuất giảm thuế chính đáng chưa được xem xét... không nên được coi là một thành tích. Chính sách thuế phải nuôi dưỡng nguồn thu mới bền vững.

Theo NGUYÊN KHANH (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm