Phóng sự - Ký sự

Người miền Tây dừng cuộc ly hương: Vợ vẫn sau lưng... nhưng đã hóa tàn tro

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

'Ai ngờ khi về cũng trên chiếc xe đó, cũng vợ ở phía sau nhưng không còn hình hài, chỉ còn hũ tro cốt lạnh ngắt, cũng chẳng còn ai đồng hành quãng đời còn lại', người chồng đau xót đưa vợ về quê miền Tây yên nghỉ.

Ngày về đau thương

Theo dòng người về miền Tây, ông Võ Văn Tươi (37 tuổi) chở theo phía sau xe tro cốt vợ là chị Nguyễn Thị Bích Phượng (36 tuổi) từ Bình Dương để về an táng tại quê nhà Hậu Giang.

 

 Nói về người vợ hiền hậu, tảo tần làm việc nuôi con khiến anh bật khóc. Ảnh: Duy Tân
Nói về người vợ hiền hậu, tảo tần làm việc nuôi con khiến anh bật khóc. Ảnh: Duy Tân


Khi đến khu vực cửa ngõ Cần Thơ, anh Tươi được nhóm thiện nguyện hỗ trợ. Đuối sức, anh ngồi bệt xuống đất, ôm di ảnh vợ trên tay, chốc chốc anh lại đứng lên ôm thùng xốp đựng tro cốt vợ vào lòng, vẫn không thể tin nổi đó là sự thật. Anh gào khóc như mưa gọi vợ, khiến ai chứng kiến đều xót xa.

“Ngày đi, 2 vợ chồng tính toán nhiều lắm, mỗi người đều tìm kiếm việc làm để có dư tiền dành dụm, một phần gửi về lo cho con, một phần để xây nhà trên phần đất của cha mẹ ở quê. Bởi thế, khi đi hân hoan nói cười nhiều mơ về tương lai phía trước. Ai ngờ mà ngờ khi về cũng trên chiếc xe đó, cũng vợ ở phía sau nhưng không còn hình hài, giờ chỉ còn hũ tro cốt lạnh ngắt, cũng chẳng còn ai đồng hành suốt quãng đời còn lại”, anh Tươi đau đớn.


 

Anh Tươi trở về cùng hũ cốt của vợ. Ảnh: Duy Tân
Anh Tươi trở về cùng hũ cốt của vợ. Ảnh: Duy Tân
Khi ly hương 2 vợ chồng đi trong hân hoan, giờ trở về vợ vẫn ở yên sau nhưng là hủ cốt lạnh ngắt. Ảnh: Duy Tân
Khi ly hương 2 vợ chồng đi trong hân hoan, giờ trở về vợ vẫn ở yên sau nhưng là hủ cốt lạnh ngắt. Ảnh: Duy Tân



Cố nén nước mắt, đưa tay vuốt ve tấm di ảnh vợ được lấy ra từ ba lô, anh Tươi cho biết, do gia cảnh nghèo khó, để lo cho 2 đứa con gái (13 và 16 tuổi) nên 2 vợ chồng phải đành rời quê, gửi con cho ông bà chăm sóc. Hai năm trước, vợ chồng anh đến Bình Dương kiếm việc làm, có thu nhập khá.

“Lúc ở quê, gia đình 4 người sống trên ghe nhỏ. Vợ chồng tôi đi làm cắt lúa mướn, lo cho 2 con. Nhưng do thu nhập không đủ lo cho con, ở dưới ghe sông nước nguy hiểm nên quyết định rời quê, gửi con cho ông bà ngoại lo. Đến Bình Dương, tôi đi làm công nhân ở Dĩ An, còn vợ thì thuê mặt bằng nhỏ bán quán nước giải khát ở Thuận An. Đến khi dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội, tôi không thể về nhà trọ cùng vợ”, anh kể.

Đến khi nhận tin vợ nhiễm Covid-19 đưa đi điều trị cách ly tập trung, anh Tươi bàng hoàng, lo lắng. Suốt ngày anh điện thoại hỏi thăm, động viên vợ cố gắng khỏe về với gia đình. Nhưng rồi, phép màu không xảy ra. Sau 16 ngày điều trị, vợ anh trút hơi thở cuối cùng vào ngày 23.9.

 

Di ảnh vợ được anh để cẩn thận trong ba lô. Ảnh: Duy Tân
Di ảnh vợ được anh để cẩn thận trong ba lô. Ảnh: Duy Tân


“Khi gọi vợ, thấy hình ảnh vợ mệt mỏi thở oxy mà tôi đau đến tận cùng, chịu không nổi. Nhưng càng ngày bệnh càng biến chuyển nặng, bác sĩ báo vô tới phổi rồi. Sau đó vợ qua đời. Tôi mới vừa lấy cốt vợ về hôm 14.10 đến ngày 15.10 thì chở hủ cốt và di ảnh vợ về quê nhà an táng”, anh Tươi nước mắt lưng tròng.

Trên hành trình trở về quê, anh Tươi đem vội ít hành lý, tấm di ảnh vợ được anh gói kỹ vào ba lô. Phía sau xe, anh cố định thùng xốp, bên trong chứa hũ cốt vợ để chở về sum họp với gia đình. Tại quê, gia đình cũng đã chuẩn bị phần mộ để đưa vợ về an táng, các con thờ cúng.

 

Khi đi là người bằng xương, thịt còn ngày trở về lại hóa tàn tro. Ảnh: Duy Tân
Khi đi là người bằng xương, thịt còn ngày trở về lại hóa tàn tro. Ảnh: Duy Tân


 “Tôi cũng cố gắng lo liệu, an táng vợ tử tế. Sau đó cũng ráng gượng để trở lại Bình Dương tiếp tục làm công nhân kiếm tiền nuôi 2 con. Giờ ở lại quê cũng không mần gì ra tiền. Giờ không còn vợ, nỗi đau đó hằn sâu mãi, không khi nào nguôi ngoai”, anh Tươi ngậm ngùi.

Thấu cảnh khổ, ngoài các nhóm thiện nguyện hỗ trợ cháo dinh dưỡng, đồ ăn, thức uống tiếp sức về quê. Một số nhà hảo tâm còn hỗ trợ chi phí để anh lo liệu hậu sự cho vợ.

Chở giúp người đi bộ về đến quê

Trong dòng người ngược đường về lại quê nhà, anh Nguyễn Văn Tuấn (37 tuổi) lội bộ vượt hàng trăm km từ Đồng Nai về Cà Mau. Trên đường đi đến Vĩnh Long anh được ông Khưu Chí Kiên (41 tuổi) cũng đang về Sóc Trăng ghé đến cho quá giang và hứa chở về đến Cà Mau.

Anh Tuấn cho biết, ở Đồng Nai anh phụ bếp ở quán cơm. Nhưng dịch, thất nghiệp và khó khăn quá nên anh quyết định về quê. Do không tiền, không có xe nên anh lội bộ về khi trong túi còn vài chục ngàn và ổ bánh mì không ăn cầm hơi.

“Mệt quá nên ngồi nghỉ suốt. Tôi đi suốt 2 ngày rồi mới đến được đoạn Vĩnh Long. Đang kiệt sức thì anh Kiên ghé vào hỗ trợ cho quá giang. Anh hứa nếu có tiền đổ xăng anh sẽ chở tôi đến quê luôn. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của anh”, anh Tuấn kể.


 

Anh Tươi tiếp tục hành trình đưa vợ về bên con cái, cha mẹ. Ảnh: Duy Tân
Anh Tươi tiếp tục hành trình đưa vợ về bên con cái, cha mẹ. Ảnh: Duy Tân


Ông Kiên cho biết, bản thân ông cũng lắm khó khăn, thất nghiệp triền miên, không bám trụ nổi nên về quê. Trên đường thấy anh Tuấn lội bộ thấy xót lòng. Thế là ông quyết định hỗ trợ mặc dù đang rất khó khăn, trong túi chỉ còn vỏn vẹn 5.000 đồng, trong khi xăng cũng dần cạn.

“Hai anh em đến cửa ngõ Cần Thơ thì được nhóm thiện nguyện hỗ trợ thức ăn, nước uống thấy ấm lòng lắm. Bản thân tôi nhịn đói suốt 2 ngày qua, bởi trong túi chỉ còn 5.000 đồng, xăng còn chút ít nhưng khổ quá nên chạy đại về. Trên đường gặp người cùng khổ nên cũng quyết định hỗ trợ. May nhờ nhóm thiện nguyện hỗ trợ xăng và ít chi phí nên tôi có thể tiếp tục chở Tuấn về Cà Mau”, anh Kiên vui vẻ nói.

 

Ông Kiên (bên trái) và anh Tuấn trên hành trình về quê. Ảnh: Duy Tân
Ông Kiên (bên trái) và anh Tuấn trên hành trình về quê. Ảnh: Duy Tân


Theo DUY TÂN (TNO)

Có thể bạn quan tâm