Phóng sự - Ký sự

Người phụ nữ miền Tây để dành tiền nuôi hàng trăm con chó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 2 năm qua, căn nhà nhỏ của bà Trần Thị Lệ Thủy (52 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) trở thành nơi cưu mang hơn 170 con chó bị bỏ rơi, bệnh tật.

Nơi cưu mang hơn 170 con chó

Bà Thủy kể, cuối năm 2022, trong buổi chiều đi làm về, con gái bà phát hiện một con chó bệnh nặng, nằm thoi thóp bên đường nên mang về chăm sóc. Quá trình chăm sóc được gia đình chia sẻ trên mạng xã hội, với mục đích tìm lại chủ nuôi, nhưng bất ngờ nhận được sự quan tâm của rất nhiều người yêu thú cưng. Dần dần, nhiều người biết tin, hễ nơi đâu có chó bệnh tật, bị bỏ rơi cũng liên hệ hoặc chở thẳng đến nhà bà Thủy. Dần dần, căn nhà của bà trở thành nơi cưu mang hơn 170 con chó.

Gần 2 năm qua, bà Thủy cưu mang 170 con chó bị bỏ rơi

Gần 2 năm qua, bà Thủy cưu mang 170 con chó bị bỏ rơi

"Trước đây, tôi chưa từng nghĩ mình cưu mang chó với số lượng nhiều như vậy. Rồi khi người ta gửi hình những con chó bị bỏ rơi, thấy tội nghiệp nên tôi đón về. Không chỉ ở Đồng Tháp, biết ở An Giang, Vĩnh Long có chó bị bỏ rơi tôi cũng chạy xe đến đón, nếu không làm vậy thì bứt rứt lắm", bà Thủy chia sẻ.

Gắn bó với đàn chó, bà Thủy dần trở thành "bác sĩ thú y bất đất dĩ". Bà rành rẽ những chứng bệnh và cách điều trị để chúng phục hồi tốt nhất. Nhiều con bệnh nặng, thương tích đầy mình tưởng chừng không qua khỏi, nhờ vòng tay yêu thương chúng hồi sinh và trở thành thành viên trong ngôi "nhà chung" như cách nói của bà Thủy. Chỉ có con nào bệnh nan y bà mới nhờ đến sự hỗ trợ của phòng khám thú y.

Những con chó bị ghẻ lở, bệnh tật, sau thời gian được gia đình bà Thủy chăm sóc đã lành lặn, khỏe mạnh trở lại. Ảnh: DUY TÂN

Những con chó bị ghẻ lở, bệnh tật, sau thời gian được gia đình bà Thủy chăm sóc đã lành lặn, khỏe mạnh trở lại. Ảnh: DUY TÂN

Theo bà Thủy, mỗi tháng, chi phí ăn uống, điều trị bệnh cho đàn chó khoảng 20 triệu đồng. Trong đó, cộng đồng yêu thú cưng hỗ trợ 50% kèm thêm gạo, thịt; còn lại là tiền túi của gia đình bà, dù cả nhà là người lao động chân tay, không dư dả gì.

Mong mọi người yêu thương động vật nuôi trong nhà

Điều khiến bà Thủy vui nhất là chứng kiến những em học sinh ở xa rủ nhau mua gạo, thịt đến góp nuôi đàn chó. Người dân địa phương, mỗi người cũng góp ít nhiều để chung tay hỗ trợ. "Con gái tôi làm nail, con rể làm mướn, nhà chỉ có hơn 1 công vườn nhưng cố gắng dành dụm huê lợi để chăm đàn chó sao cho tốt nhất, bù đắp những tổn thương mà chúng phải chịu khi bị bệnh, bị bỏ rơi", bà Thủy cho biết.

Những chú chó bị bỏ rơi trong nhà chung của bà Thủy, quấn quýt bà không rời. Ảnh: DUY TÂN

Những chú chó bị bỏ rơi trong nhà chung của bà Thủy, quấn quýt bà không rời. Ảnh: DUY TÂN

Để nuôi chó, bà Thủy cải tạo đất nhà thành các khu nuôi, gồm: chó bệnh, chó mang thai, sinh con và khu nuôi tập trung. Những con chó chết do bệnh nặng, già yếu bà đều đem đến lò thiêu để không ảnh hưởng môi trường.

Anh Bùi Thành Đông (con rể bà Thủy) cho biết, anh không có việc làm ổn định, ai thuê việc gì làm đó. Thu nhập bấp bênh nhưng anh vẫn để dành tiền để cưu mang những con chó tội nghiệp. "Có tháng, gia đình phải vay, mượn người thân để có tiền mua gạo nấu cháo cho chó. Ông bà xưa nói 'cứu vật vật trả ơn', nhưng gia đình tôi không mong cầu điều đó. Điều tôi mong muốn là mọi người hãy yêu thương động vật nuôi trong nhà và chăm sóc chúng tốt nhất có thể", anh Đông nói.

Nhờ sự yêu thương, chăm sóc của bà Thủy, những chú chó kiểng xấu xí bị bỏ rơi đã trở nên “xinh đẹp”. Ảnh: DUY TÂN

Nhờ sự yêu thương, chăm sóc của bà Thủy, những chú chó kiểng xấu xí bị bỏ rơi đã trở nên “xinh đẹp”. Ảnh: DUY TÂN

Ông Võ Minh Quý, cán bộ thú y xã Tân Khánh Đông, cho biết đàn chó được cưu mang tại nhà bà Thủy đều được tiêm ngừa đầy đủ theo quy định. Thời gian qua, cơ quan thú y cũng thường xuyên nhắc nhở gia đình tuân thủ tiêm ngừa những con chó mới nhận nuôi; vệ sinh chuồng nuôi thông thoáng tránh để tránh lây nhiễm bệnh cho cả đàn chó.

Có thể bạn quan tâm