Người phụ nữ nhiệt tình với công tác dân số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 9 năm làm công tác dân số, chị Nguyễn Thị Lan đã có nhiều đóng góp tích cực vào thành tích nhiều năm không có người sinh con thứ 3 của thôn Hợp Hòa (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông). Chị là cộng tác viên duy nhất của huyện vừa được Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh biểu dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc về công tác DS-KHHGĐ tại cơ sở.

Gắn bó với công tác dân số ở thôn Hợp Hòa từ năm 2008, nhớ lại ngày mới đảm nhận công việc này, chị Lan kể: Thôn Hợp Hòa có địa bàn rộng, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nên đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Với trách nhiệm của một cộng tác viên dân số kiêm cộng tác viên y tế, chị luôn tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện tốt việc xóa đói giảm nghèo.

 

Chị Nguyễn Thị Lan-cộng tác viên dân số xuất sắc. Ảnh: Đ.Y
Chị Nguyễn Thị Lan-cộng tác viên dân số xuất sắc. Ảnh: Đ.Y

Những ngày đầu, chị Lan gặp không ít khó khăn, bởi lúc ấy trên địa bàn chị phụ trách, tình trạng sinh con thứ 3 còn phổ biến, quan niệm “trọng nam, khinh nữ” rất nặng nề. Vì vậy, chị phải dành thời gian “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thăm hỏi thường xuyên những gia đình cần tiếp cận các dịch vụ tránh thai để từ đó tư vấn, giúp đỡ. Cách thức tuyên truyền cho các hộ dân trong thôn cũng đòi hỏi chị phải khéo léo, vận dụng những biện pháp phù hợp. Ngay trong các cuộc họp, các dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của thôn, chị đều tổ chức truyền thông về DS-KHHGĐ để trang bị thêm kiến thức cho người dân. Chị còn luôn gần gũi chị em, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, hướng dẫn cho các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai.

Qua nhiều lớp tập huấn cho cộng tác viên dân số cơ sở do tỉnh và huyện tổ chức cũng như quá trình công tác, chị nhận thấy, muốn làm tốt công tác vận động thì phải thông qua quá trình hoạt động từ thực tế tại địa phương; phải nắm chắc số đối tượng trên địa bàn; luôn gần gũi với người dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ; tuyên truyền tới các cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con, đặc biệt là những cặp vợ chồng sinh con một bề, nhằm động viên, giải thích cho họ hiểu được việc sinh con thứ 3 trở lên sẽ ảnh hưởng không tốt đến kinh tế gia đình, không có điều kiện thuận lợi để quan tâm, chăm sóc các con. Đồng thời, chị cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát những cặp vợ chồng đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để động viên họ luôn duy trì tốt các biện pháp tránh thai đã lựa chọn, thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ.

Trước đây, Hợp Hòa là thôn có dân số đông đứng đầu trong xã nhưng nhờ phương pháp tiếp cận vận động của chị nên thôn này đã kéo giảm được tình trạng sinh nhiều con, nhất là tỷ lệ sinh con thứ 3 đã giảm hẳn. Hiện thôn có 501 hộ với 2.204 khẩu. Năm 2017, chỉ có 3 hộ sinh con thứ 3. Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hiện toàn thôn chỉ còn 5 hộ nghèo do có người đau ốm thường xuyên. Điều đáng mừng là nhận thức của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) được nâng cao, trong thôn có 367 cặp vợ chồng biết sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Các chị em phụ nữ khi mang thai đã có ý thức đi khám thai định kỳ đầy đủ và thực hiện sàng lọc trước sinh; nhờ đó mà chẩn đoán và phát hiện sớm được bệnh tật cho thai nhi.   

Không chỉ là cộng tác viên năng động, nhiệt tình trong công việc, chị Lan còn là một người vợ, người mẹ đảm đang, tháo vát, nuôi dạy 2 con chăm ngoan, hiếu thuận. Với nỗ lực của bản thân trong công tác DS-KHHGĐ, chị Nguyễn Thị Lan vừa được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh biểu dương, khen thưởng là cộng tác viên có thành tích xuất sắc về công tác DS-KHHGĐ tại cơ sở.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm