Quê tôi ở vùng ngoại ô thành phố Huế - nơi mà hầu hết người sống cùng thời với ba mạ tôi, đều biết cất lên tiếng hò ơ giãi bày tâm trạng mình giữa trời cao, đất rộng.
Khúc sông quê tôi... |
Thời cắp sách đến trường, tôi đã ngẩn ngơ với tiếng hò của khách thương hồ xuôi, ngược trên con sông quê mình. Đang chèo thuyền, tức cảnh chiều rơi hoang hoải trên mặt sông, họ cất lên giọng hò mái nhì, mái đẩy… nghe buồn man mác: “Hơ… ơ… gánh cực mà đổ trên non… ơ… quay lưng mà chạy… cực còn chạy theo… ơ hơ… thương cho cái kiếp nhà nghèo… quanh năm sông nước, phận bèo lênh đênh…!”.
Quê tôi hồi ấy vào những đêm trăng sáng, tiếng chày giã gạo cùng tiếng hò đối đáp của nam thanh, nữ tú trên sân đình lan xa đến tận từng nhà. Nhưng trong tất cả giọng hò xứ Huế, tôi thích nhất là giọng hò ơ của bà con làm việc trên cánh đồng làng.
Ngày ấy mạ tôi thường lặn lội đồng sâu tối mịt mới về. Tan trường, tôi không muốn ở nhà một mình nên ôm cặp chạy thẳng ra đồng đợi mạ về luôn thể. Trên đồng, cứ đến chiều là bà con cất tiếng hò đối đáp nhau cho vơi mệt nhọc, quên cái đói để làm xong công việc trong ngày. Đứng giữa cánh đồng làng mênh mông xanh ngát lúa sắp đến thì con gái, tôi có cảm giác như đứng trước một sân khấu lớn, xem diễn về cuộc đời nhọc nhằn của bà con quê mình. Những câu hò vui đối đáp nhau được cất lên từ những con người đang nhấp nhô trong ruộng lúa. Tôi còn nhớ giọng hò kim của một bác có dáng người nhỏ nhắn, ve vãn một dì có dáng thanh mảnh nhổ cỏ lúa gần đó: “Hơ… ơ… anh về thưa với mạ cha… mà… mang cau trầu rượu tới nhà hỏi em… (nghe?)”. Dì ấy hò đáp lại: “Ơ… chồng thấp mà lấy vợ cao… chớ ơ… mỗi khi “bọp bụ” lấy… sào mà quơ… (à)”! Bác trai ấy tếu cũng không vừa, hò lại: “Ơ… bởi em không biết đó nờ… ơ… anh bắc ghế đẩu mà sờ… chớ… lấy sào quơ chi…”! Lời đối đáp tếu ấy, đã làm mọi người cười rân, có tác dụng như liều thuốc bổ! Và rõ là “chương trình văn nghệ” đại chúng ấy, đã làm cho tôi quên đi cái bụng đang sôi rồn rột của mình.
Xa quê, thỉnh thoảng tôi lại “ới” bạn bè cùng cảnh ngộ lên sân thượng nhà mình “tửu đàm, nhạc luận” thư giãn. Đêm khuya trăng sáng, rượu ngon… càng làm tiếng hát hoài niệm về quê hương chúng tôi thêm sâu lắng.
Bận nọ, hình như có nỗi niềm chi đó mà mạ tôi không ngủ được. Mạ lần mò lên sân thượng xem chúng tôi mần cái chi mà thức khuya dữ rứa. Thấy mạ, tôi đã lo thầm. Cũng may gặp lúc thằng bạn đang trải lòng với bài Trách thân xứ nẫu quê mình. Lời bài hát có giai điệu lạ, đặc biệt với ý tình hai câu cuối: “Anh bây chừ như con cuốc nó kêu tu oa. Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn... Ôi chu choa là buồn…” đã làm mạ tôi lặng người.
Đang đứng, bỗng mạ ngồi xuống chiếu và nói: “Mệ hát một bài cho vui nghe”! Chúng tôi chưa kịp hưởng ứng gì thì đã nghe một giọng hò cất lên vút cao. Rồi khi đạt độ trải lòng, mạ cất thành lời: “Ơ… đêm khuya dưới ánh trăng tàn… ơ… nhìn trăng em nhớ ngày chàng ra đi… ơ… chàng đi lúc độ xuân thì… mà… ơ… để em thương nhớ đến khi bạc đầu…”.
Dứt câu hò, mạ tôi lặng ngồi nhìn trăng với ánh mắt xa xăm như nhớ về một người đang ở phương trời nào đó. Mạ mặc cho bạn bè tôi nhìn nhau ngẩn ngơ, xuýt xoa thú vị. Không ngờ một người đã già, ánh mắt đục ngầu lại có giọng hò xứ Huế trong trẻo, cao vút và đầy tâm trạng đến vậy…
Tôi lặng người xúc động với niềm riêng của mình.
Tiếng hò ơ của mạ đã đưa tôi về sống lại thời dĩ vãng xa xăm ở quê nhà! Chiều ấy, thấy hàng xóm lục tục kéo nhau từ đồng về hết rồi mà mạ vẫn biệt bóng, tôi thẫn thờ ra đồng tìm mạ. Trên cánh đồng chiều muộn lúc đó, chỉ còn bóng mạ in trên nền trời tối sẫm. Mạ mải mê cấy cho hết đám ruộng nên không biết tôi đứng bên cạnh. Bỗng giọng hò mạ vang lên: “Ơ… ơ… chàng đi để lại nỗi sầu… cho em ở lại một trời mưa ngâu… đêm khuya một dĩa đèn dầu… ơ… dĩa dầu khô cạn… mà… nước mắt này… ờ… không… khô…”. Giữa cánh đồng hoàng hôn rơi tím thẫm, âm ba tiếng hò của mạ đã làm cho lũ cò tần tảo kiếm ăn gần đó nghểnh cổ ngơ ngác rồi cất cánh bay đi. Tiếng ếch nhái cũng im bặt, nhường chỗ cho nỗi buồn mênh mông của mạ lan tỏa khắp cánh đồng. Dù còn nhỏ, tôi vẫn cảm nhận lúc đó mạ đang thả hết nỗi lòng cô phụ ra cánh đồng mỗi lúc càng cô tịch này…
Giờ đây mạ tôi đã ra người thiên cổ, người cùng thời với mạ cũng không còn. Mỗi lần về quê thăm mộ mạ, đứng giữa cánh đồng làng mà tôi nghe như tiếng hò của mạ vẳng đâu đây. Lòng tôi lại trào dâng cảm xúc. Nhớ thương mạ. Luyến tiếc những giọng hò dân dã, đã lâu rồi không còn vang lên trên cánh đồng và trên con sông quê mình.
Trần Kiêm Hạ (TNO)