Tình yêu dành cho các loài linh trưởng, cho cánh rừng già Cúc Phương l à động lực khiến chuyên gia người Đức Elke Schwierz (48 tuổi) gắn bó gần 20 năm ở Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC), Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình.
Tự học tiếng Việt, tiếng Mường
Năm 2002, bà Elke Schwierz đến Việt Nam với tư cách là chuyên gia Sở thú Berlin - Zollogarten (Đức) được cử sang làm việc tại EPRC Cúc Phương. “Cú nhảy việc” này ban đầu chỉ vì tò mò, bà Elke Schwierz muốn tận mắt chiêm ngưỡng, chăm sóc những loài voọc chỉ có ở Việt Nam, không thể tìm thấy ở nơi khác trên thế giới.
Thời gian đầu làm việc, bà chỉ nói tiếng Anh, trong khi đồng nghiệp đa phần nói tiếng Việt, số ít người bản địa thì nói tiếng người Mường. Khao khát hòa nhập và giao tiếp cùng đồng nghiệp, bà Elke Schwierz bắt đầu bập bẹ học nói tiếng Việt, rồi sau đó thêm cả tiếng Mường. “Tôi nhờ đồng nghiệp làm cùng dạy nói tiếng Việt, cứ vừa làm, vừa dạy và học. Họ nói trước rồi tôi nghe để phát âm theo, nhiều câu rất khó, phải nói đi nói lại hàng chục lần”, bà kể lại.
Elke Schwierz thảnh thơi chơi đùa cùng voọc chân xám. Ảnh: Quốc Vinh |
Cũng theo bà Elke Schwierz, công việc chăm sóc voọc từ khi lọt lòng, hay được giải cứu trong các vụ buôn bán bất hợp pháp, đến khi đủ điều kiện tái thả trở về tự nhiên là hành trình vô cùng gian nan. Đối với con non phải cho bú sữa thì càng cơ cực vất vả, mỗi lần nó chỉ ăn được 12 ml, đều đặn 2 - 3 tiếng phải cho ăn 1 lần, bất kể ngày hay đêm. Mỗi lần cho voọc ăn, bình sữa phải súc rửa sạch sẽ như chăm em bé.
Ý tưởng nuôi voọc con bằng sữa bò là của một chuyên gia nước ngoài từng làm việc tại EPRC Cúc Phương. Công thức trước đây dùng 100% sữa bò, voọc lớn chậm và thường gặp phải vấn đề rối loạn tiêu hóa, bệnh đường ruột. Còn công thức do bà Elke Schwierz sáng chế, ngoài phần sữa có thêm loại trà đắng là một loại vỏ cây mang từ Đức sang. Khi phối trộn sữa bò và loại trà này, con non sẽ không gặp phải rắc rối về đường tiêu hóa, tăng cân nhanh và ổn định hơn.
Còn đối với voọc trưởng thành, bà Elke Schwierz cho rằng: “Không có nhà khoa học nào biết chính xác loài voọc có thể ăn được bao nhiêu loại lá cây. Mình nuôi voọc mà muốn biết thì phải thử nghiệm thôi”. Theo đó, bà cho thử nghiệm rất nhiều loại lá cây mới vào khẩu phần ăn hằng ngày. Ngoài những loại lá voọc quen ăn, bó lá có thêm loại mới, công nhân phải đánh dấu và quan sát xem lượng ăn, voọc tiêu hóa ra sao để đưa ra kết luận chính xác, loại lá đó voọc có thể ăn được, thích ăn hay không nhằm bổ sung vào danh mục thức ăn và cho công nhân đi cắt hằng ngày. “Chúng tôi giờ đã biết voọc có thể ăn được hơn 100 loại lá cây khác nhau rồi”, bà Elke Schwierz tự hào khoe.
Trực tiếp chăm sóc và dành nhiều thời gian quan sát để hiểu tính cách của từng con voọc là bí quyết để bà Elke Schwierz ghép đôi thành công, gầy dựng nhiều gia đình voọc ở Cúc Phương. Ảnh: Phan Hậu |
“Bà mối” dựng vợ, gả chồng cho đàn voọc !
Được thành lập vào năm 1993, EPRC Cúc Phương có sứ mệnh cứu hộ, phục hồi, cho sinh sản, tái thả động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, EPRC Cúc Phương cũng được cộng đồng các tổ chức bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã biết đến là trung tâm có 4 loài linh trưởng được sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt là: voọc mông trắng, voọc Chà Vá chân xám, voọc Cát Bà và voọc Hà Tĩnh. Cùng với các thế hệ tiền bối đi trước, bà Elke Schwierz có đóng góp ấn tượng trong thành tựu này, với vai trò là “bà mối” se kết duyên lành, dựng vợ, gả chồng cho các cá thể voọc.
Từ năm 2012, EPRC Cúc Phương đã tái thả thành công nhiều cá thể voọc trở về tự nhiên. Cụ thể, voọc mông trắng được sang khu bảo tồn Vân Long, khu Tràng An; voọc Hà Tĩnh thả về Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), Khu bảo tồn Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh). Trong tương lai, tái thả voọc về tự nhiên sẽ được Vườn quốc gia Cúc Phương và các vùng phân bổ phù hợp với sinh cảnh của các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm này của Việt Nam.
Dẫn chúng tôi đi thăm các “gia đình voọc”, bà kể rằng loài linh trưởng này cung bậc cảm xúc rất phong phú, đôi khi phức tạp như con người. Chúng biết yêu, biết ghét, biết giận hờn, thậm chí thích được cưng chuộng, nựng nịu. Một chuồng voọc nếu chỉ có riêng con đực hoặc con cái, cuộc sống chúng rất cô đơn, tâm lý dễ bị stress nên việc ghép chuồng để con đực, con cái cùng chung sống giúp chúng có cuộc sống cân bằng, tự nhiên. Khi sống chung, “vợ chồng voọc” sẽ giao phối để sinh sản ra cá thể voọc con.
Kể chuyện dựng vợ, gả chồng cho voọc, bà Elke Schwierz dẫn chúng tôi đi sâu vào bên trong EPRC và dừng lại ở “một gia đình voọc hạnh phúc” gồm con đực tên Béo sống cùng 2 cô vợ là Hanna, Maya và cô con gái nhỏ Nuna. Đây là loài voọc Chà Vá chân nâu, còn có tên gọi khác là voọc Chà Vá chân đỏ hoặc voọc ngũ sắc, được Tổ chức Động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” linh trưởng. Ở Việt Nam, loài này được xếp vào danh mục nhóm IB thuộc Nghị định 06/2019/NĐ-CP - loài nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại. Còn trên thế giới, các tổ chức bảo tồn thiên thiên quốc tế coi đây là loài cần được “bảo hộ vô điều kiện”.
Bà Elke Schwierz cho biết hơn 5 năm trước, Béo được cứu hộ đưa về trung tâm chỉ nặng 0,8 kg. Còn bây giờ, Béo có thân hình phát triển vạm vỡ, cường tráng và làm chủ một gia đình 4 thành viên. Theo các nhân viên, Béo là con voọc rất có cá tính, thích được nịnh nọt, ai mắng nặng lời là giận dỗi, dỗ mãi mới chịu ăn.
Công nhân ở Vườn quốc gia Cúc Phương học được nhiều kỹ năng chăm sóc voọc do bà Elke Schwierz trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn. Ảnh: Phan Hậu |
Nhưng không phải cuộc hôn phối nào cũng mỹ mãn như gia đình Béo. Để ghép đôi thành công, phải tìm được 2 con voọc “thích” nhau. Thực tế, có những cuộc ghép đôi giữa cá thể đực - cái thả vào chung chuồng, sau mươi phút đã quấn quýt giao phối ngay và cũng có cặp dù ghép đôi hòa thuận, chung sống cùng vài ngày nhưng sau đó vẫn thấy “cãi nhau liên tục”, nhân viên phải tách chuồng ngay.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Khoa học hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Cúc Phương, kiêm Giám đốc dự án Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam, chia sẻ: “Bà Elke Schwierz là chuyên gia lão làng về chăm sóc và bảo tồn linh trưởng. Gần 20 năm chấp nhận sống xa gia đình và từ chối nhiều lời mời làm việc với thu nhập tốt hơn để ở lại làm việc cùng các đồng nghiệp Việt Nam chính là minh chứng cao nhất cho sự tâm huyết, tình yêu dành cho các loài linh trưởng và EPRC Cúc Phương”.
Theo Phan Hậu (TNO)