Phóng sự - Ký sự

Người thuở Tiền Phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hỡi người xưa của ta nay! Thốt nhiên bật lên câu của tiền nhân về một người cũ. Người của thuở Tiền Phong.

Còn mươi bữa nữa là 70 năm báo Tiền Phong.

Tạo hóa lưu nhân. Lưu (giữ) chứ không phải liêu (đùa cợt). Tiền Phong giờ còn lại mỗi 3 người ở độ tuổi gần 90. Hai cụ bà. Một cụ ông. Lê Thị Túy. Nguyễn Thị Bích Hậu và ông, Nguyễn Chí Tình.

Ông Nguyễn Chí Tình

Ông Nguyễn Chí Tình

Ở tuổi sắp cửu thập (88) nói chữ là lão đương ích tráng. Nhưng dung dị là cựu PV Tiền Phong Nguyễn Chí Tình đương sống khỏe, sống có ích…

Ông thuộc dạng con nhà tông…

Xứ Nghi Lộc nghèo mạt rệp. Nghi Lộc vi bất mao chi địa (Nghi Lộc đất nghèo đến cỏ cũng không mọc được).

Vậy mà Nguyễn Chí Tình lại xuất thân từ một dòng dõi kiệt hiệt. Ông nội là cụ Nguyễn Đức Tân đậu cử nhân, làm quan chức Hành Tẩu, từng tích cực hưởng ứng Cần Vương, có công lao lớn với dân làng, được dân làng lập đền thờ sống (sinh từ).

Cụ Tân có con là Nguyễn Đức Công (tức Hoàng Trọng Mậu) là Liệt sĩ, chí sĩ. Cụ Công có tài “văn chương trác lạc” (lời khen của Phan Bội Châu), từng đậu đầu xứ (do đó có tên là Đầu Xứ Công), nhưng đã bỏ chốn khoa trường, dấn thân cứu nước, trở thành một nhà cách mạng rạng danh trong phong trào Đông Du, Việt Nam Quang Phục Hội.

Những người con trai của cụ Tân đều thành danh với nghiệp chữ. Như con cả là dịch giả - nhà Hán học Nguyễn Đức Vân; em trai là Nguyễn Đức Tịnh, tác giả của sách Lão Tử (nhờ Ngô Tất Tố đứng tên) và sách Luận lý.

Người em của Nguyễn Đức Tịnh - cụ Nguyễn Đức Bính (1906-1983) là thân phụ của Nguyễn Chí Tình.

Cụ Bính là nhà giáo, nhà báo nổi tiếng và có tài văn chương. Có sách văn học sử liệt vào hàng những người viết tiếng Pháp hay nhất Đông Dương thời Pháp thuộc. Cụ Bính học quốc học Vinh đậu Thành chung. Năm 1929 gia nhập đảng Tân Việt từng gắn bó chơi thân với Ngô Tất Tố thời gian làm ở Thời vụ Báo. Từng làm chủ bút các tờ Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, tờ báo tiếng Pháp Le Canard dé chaine (Vịt sổ lồng). Là đại biểu Viện Dân biểu Trung Kỳ.

Nhưng thời thế đổi thay.

Tôi đang cố tưởng tượng chàng thanh niên Nguyễn Chí Tình sau hòa bình lập lại, tuổi mới đôi mươi, mới đầu thì phăm phăm rồi rời rạc sau nữa thất thểu lê bước trên lộ trình cuốc bộ hơn 600 cây số! Nguyễn Chí Tình hăng hái gia nhập đơn vị TNXP đóng nơi tít mù mây đang làm đường Tây Bắc.

Rồi đơn vị TNXP nhận nhiệm vụ mới. Nguyễn Chí Tình trở thành công nhân công trường 111 – một trong những công trường gian khổ nhất của đất nước lúc bấy giờ. Rồi Nguyễn Chí Tình về công trường xây dựng Nhà máy chè Phú Thọ,…

Năm 1956, suốt hơn 2 năm từ những mẩu tin, bài ghi nhanh đều đặn gửi về Tòa soạn báo Tiền Phong, anh cộng tác viên kiêm cán bộ Đoàn Nguyễn Chí Tình đã được điều về báo làm việc.

Tôi những lạ lẫm cùng thú vị khi trong câu chuyện ông dẫn tôi về Tòa soạn báo Tiền Phong năm xa lắc ở phố Hàm Long ra sao rồi chuyển về số 3 Hồ Xuân Hương như nào. Về khu Tập thể của báo ở 185 Bà Triệu quần tụ những cây viết Tất Vinh, Mạc Lân, Bùi Ngọc Tấn… Và ngôi biệt thự 15 - Hồ Xuân Hương của BS Võ Tấn trở thành Tòa soạn cho mãi về sau này như thế nào nữa…

Những năm tháng ở Tiền Phong đã rèn cho cây bút Nguyễn Chí Tình thêm cứng cáp. Cây bút chuyên nghiệp ấy đã trải qua các cơ quan khác nhau, Nhà xuất bản Thanh niên, Hội văn nghệ Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội.

Ngập ngừng không biết có nên dùng chữ “kỳ nhân” để gọi ông? Nhưng vận vô ông cũng thấy “hạp”?

Ông viết thoăn thoắt bằng cả 2 tay.

Viết. Theo nghĩa đen của từ này. Ông không dùng vi tính (Computer) Ông bộc bạch rằng mình nghe (cảm) được khi mờ khi tỏ cái âm thanh mũi bút bi chạy trên giấy thì mới có hứng viết được. Chợt nhớ đến học giả Nguyễn Hiến Lê. Cụ cũng viết bằng tay từ nhỏ đến… già. Khác Nguyễn Chí Tình, cụ lồng 3 tờ giấy than dưới trang viết. Vậy là có 3 bản đề phòng bản thảo thất lạc!

Năm Mỹ đánh ác liệt, PV Nguyễn Chí Tình đi tuyến lửa Khu Tư. Mấy tháng giời rửa mặt, sinh hoạt bằng nước bẩn hố bom, mắt ông bị nhiễm độc. Tưởng đau mắt sơ sơ, thông thường. Nhưng mờ mờ rồi không thấy gì nữa cả. Chạy chữa tứ tán. Vẫn không khỏi. Vượt thoát màn đêm đen cú đánh bất ngờ của số phận, ông kiên nhẫn ngồi đọc cho người cháu ghi lại những bài viết. Nhưng ông đau đớn nhận ra cái cách làm việc này không ổn! Thói quen, phản xạ đọc và viết đã hành hạ ông. Hóa ra lại đem lại cho ông thứ nghị lực mới. Ông đặt cái thước trên giấy và mò mẫm tập viết. May mắn hơn 2 năm, mắt ông mờ mờ trở lại.

Tôi ngó không gian vây quanh những sách là sách. Tứ bích gia bần phú lục kinh (Nhà nghèo, bốn bức tường bề bộn những sách - Thơ Nguyễn Trãi) Sách ông mua ông trữ. Ông sưu tập. Hơn 10 ngàn cuốn. Hàng trăm cuốn có tuổi thọ trên 100 năm.

Sách mà ông là tác giả, có hơn 30 cuốn đã xuất bản. 5 tập truyện ngắn. Mấy trăm bài thơ. May mắn ông có người anh rể nhà nghiên cứu văn học, NGND - GS. Nguyễn Đình Chú. Hai anh em thường gặp nhau đàm đạo. Tuổi quá 90, chất giọng điềm đạm, thận trọng, GS Nguyễn Đình Chú nói về ông em rể. Đại ý… Trong số sách của Nguyễn Chí Tình, ông đánh giá cao 3 cuốn (mỗi cuốn gần ngàn trang) như Số phận các nền văn minh, Xung đột văn hóa và đấu tranh văn hóa… dung chứa những con số luận cứ quan điểm học thuật thật sự.

Vậy mà còn hàng chục ngàn trang chưa xuất bản.

Tôi ngó qua những gáy bản thảo dầy cộm.

Hồi ký cá nhân (Quyển 2); Thành phố tuổi thơ, 629 trang A4 bản thảo viết tay; Hồi ký cá nhân quyển 3; “Đồng quê kháng chiến” bản thảo viết tay”.

Thấy tiêng tiếc cho cụ Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Dương. Hồi kỷ niệm báo Tiền Phong 50 năm, cụ có tất tả vất vả hoàn thành cuốn hồi ký “Một thời và mãi mãi” mà không biết tìm đến “quân” cũ là Nguyễn Chí Tình để bổ sung tư liệu. Riêng thời gian từ năm 1956-1961, là phóng viên báo Tiền Phong Nguyễn Chí Tình đã có hơn trăm trang hồi ký!

Kỳ khôi là cái cách làm quen với tiếng nước ngoài của ông!

6-7 tuổi, ông Tình và các anh em đã được cha hướng dẫn tự học ngoại ngữ. Sống trong môi trường phi bản ngữ, cách ông được cha chỉ dạy là học thuộc những bài văn, thơ hay nước ngoài và luôn tập “dịch ngược” từ tiếng nước ngoài sang tiếng mẹ đẻ.

Học kỹ và ghi nhớ những từ vựng mới, chỉ sau 2 năm, ông Tình đã có thể đọc nhuần nhuyễn sách tiếng Pháp.

Ông mạnh dạn vớ lấy và mở ra một cuốn tiểu thuyết Pháp. Bên cạnh là cuốn từ điển. Vấp từ nào ông tra luôn. Rồi ghi lại. Ôn lại.

Thông thạo tiếng Pháp, ông lại học tiếng Anh qua tiếng Pháp. Rồi học tiếng Nga qua tiếng Anh.

Ở tuổi 80. Ông không biết một từ tiếng Tây Ban Nha nào.

Sang Tây Ban Nha chơi với con cháu, không chấp nhận việc “mù ngoại ngữ”, trước khi lên đường 3 tháng, ông lại tự học tiếng Tây Ban Nha.

Dù chỉ là những câu giao tiếp cơ bản và vẫn phải sử dụng thêm tiếng Pháp, tiếng Anh, nhưng với sự giúp đỡ của cháu nội, ông Tình đã thực hiện được hàng trăm cuộc phỏng vấn trực tiếp với các nhân vật ở Tây Ban Nha, từ các doanh nhân, giáo sư, đến những người bình thường mà ông cảm thấy ấn tượng khi gặp.

Cuốn “Nơi ấy Tây Ban Nha” hơn 600 trang cũng được ông viết từ những trải nghiệm trong suốt khoảng thời gian ấy.

Ông nói động cơ ông học tiếng nước ngoài là để sáng tác. Để viết văn.

Tôi thử nhắm mắt lại. Để cố quên đi bên mình là hình ảnh có thực, hai người Việt đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Ông Tình và người cháu. Anh cháu nội là Tiến sĩ tu nghiệp ở nước ngoài trong đó có nước Pháp. Mới đầu ông cũng chỉ “láu” cho vui với cháu. Nhưng rồi thành thói quen, hai ông cháu thường chuyện trò với nhau đủ mọi lĩnh vực.

Cả cái huyền thoại, đêm ông hề ngủ là có thực. Bà vợ ông tuổi cũng quá bát tuần. Lại đau yếu liên miên. Một thời gian dài bà mệt nặng. Ông phải trông coi canh chừng. Không muốn con cháu vất vả. Phản xạ làm việc viết lách kéo ông băng qua nhiều đêm. Riết rồi thành quen. Ông mất thói quen ngủ ban đêm. Chỉ tranh thủ chợp mắt vài tiếng ban ngày. Ngó chồng bản thảo cứ tày tặn mãi lên, tôi biết đấy là sản phẩm của những đêm trắng!

Chả có gì thúc ép ông phải mài bút như thế. Lương hưu, rồi con cháu, người thân lo. Ông bộc bạch, ông cảm thấy tiếc xót là thời gian ông phải đi dạy ngoại ngữ để kiếm tiền. Rằng ông phải lơi đi một thời gian dài niềm vui đọc, viết! Dằng dặc hàng chục năm cặm cụi miệt mài với việc đọc, viết như thế đã hình thành ở ông một thứ phản xạ. Đã chưng cất nên một thứ “duyên” bút mực. Thứ duyên ấy như giúp ông cân bằng lại bao thứ chông chênh của cuộc đời làm nên thứ thăng hoa và chất lượng sự hằng sống!

Tôi lẩn thẩn nghĩ có thể như thế đã làm nên tuổi thọ cũng sự minh mẫn ở độ tuổi này?

Lại lẩn thẩn ngó thêm những trang bản thảo gần 70 năm trước của ông. Những nét chữ mực màu xanh lá mạ “bầu” lên những con chữ “tipo” trong các bài báo trên trang báo Tiền Phong đã xuộm vàng cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Những con chữ nét bút vắt qua, xuyên qua hai thế kỷ. Cũng không ngại sái mà nói rằng, thứ kỳ tích và cổ tích giữa đời thường đời thực đây chứ còn đâu nữa?

Có thể bạn quan tâm