Kinh tế

Người tiêu dùng bị thiệt thòi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 6-12, giá xăng giảm thêm 312 đồng/lít đối với xăng RON 92 nên giá loại xăng này còn ở mức 19.939 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 11 giá xăng điều chỉnh giảm với tổng mức giảm là 5.710 đồng/lít. Tuy nhiên, điều đáng nói là xăng liên tục giảm giá, nhưng giá thực phẩm vẫn giữ nguyên mức cũ, thậm chí nhiều mặt hàng còn có dấu hiệu tăng thêm. Điều này khiến người dân khá bức xúc.

 Giá thực phẩm vẫn giữ nguyên dù giá xăng, dầu giảm liên tục. Ảnh: Hà Duy
Giá thực phẩm vẫn giữ nguyên dù giá xăng, dầu giảm liên tục. Ảnh: Hà Duy

Qua khảo sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ trên địa bàn TP. Pleiku, giá các loại thực phẩm không giảm, chỉ có một số loại thực phẩm tại các siêu thị trong chương trình bình ổn giá thì có giảm nhưng không đáng kể. Tại Trung tâm Thương mại Pleiku, thịt heo vẫn giữ nguyên giá từ đợt giá xăng tăng gần nhất. Cụ thể, thịt nạc thăn khoảng 100.000 đồng/kg, sườn trên 100.000 đồng/kg, thịt nạc mông, vai là 95.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 85.000 đồng/kg. Giá thịt gà ta khoảng 130.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp khoảng 65.000 đồng/kg. Thịt bò có giá từ 250.000 đồng đến 270.000 đồng/kg. Giá cá trắm ở mức khoảng 70.000 đồng/kg, cá lóc trên 110.000 đồng/kg. Cũng như các loại thịt, cá, giá các loại rau vẫn như chưa hề có chuyện giá xăng giảm. Theo đó, giá rau muống là 5.000 đồng/bó, rau ngót 5.000 đồng/bó, khoai tây 20.000 đồng/kg, bí đao, khổ qua khoảng 15.000 đồng/kg…

Cũng có một số loại nông sản giảm giá như các loại gạo giảm 200-300 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giảm không đáng kể. Theo giải thích của các tiểu thương, việc giảm giá này không phải do giá xăng giảm mà do nguồn cung dồi dào.

Lý giải việc giá thực phẩm không giảm theo giá xăng, chị Hoa bán thịt heo trong Trung tâm Thương mại Pleiku cho biết: “Giá nhập và giá vận chuyển không thay đổi nên chúng tôi vẫn phải bán giá cũ, không thể giảm được”. Còn chị Nhạn bán rau củ thì: “Tui cũng biết giá bán các loại thực phẩm đang khá đắt, nhưng nguồn cung không giảm thì dù có muốn giảm giá để sức mua mạnh lên, tui cũng bó tay”.

Có thể thấy, việc điều chỉnh giá thường chỉ được áp dụng đối với kênh phân phối như siêu thị, còn trên thị trường tự do vẫn rất khó quản lý. Theo phân tích, giá xăng chỉ chiếm 0,17% trong chỉ số giá tiêu dùng, nghĩa là việc tăng hay giảm giá xăng dầu gần như không ảnh hưởng nhiều đến giá cả hàng hóa, dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc vin vào cớ giá xăng dầu tăng để tăng giá các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu là hành động “tát nước theo mưa” của các tiểu thương.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm