Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Người truyền cảm hứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đối với tôi, thầy-cô giáo chính là người truyền cảm hứng. Không phải ngẫu nhiên mà William A. Warrd-nhà giáo dục lỗi lạc của nước Mỹ thế kỷ XX lại cho rằng: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. 
Trong môi trường học tập, dù là trực tiếp hay trực tuyến, học sinh sẽ hình thành những phẩm chất và năng lực, trong đó, cao nhất là kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn học tập và cuộc sống của các em. Chính vì vậy, thầy-cô giáo phải là người biết truyền cảm hứng.
“Một thầy giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác”. Mỗi người, từ khi sinh ra, lớn lên và trưởng thành, chúng ta đã gặp trong đời bao nhiêu người thầy-cô giáo. Đáng tiếc, vì rất nhiều lý do, người ta viện cớ nào đó để biện minh rằng, những bộn bề của cuộc sống, họ không nhớ hết những người thầy, người cô mình đã được học. Dẫu vậy, người thầy vẫn cứ thầm lặng bước chân vào cuộc đời của mỗi học trò để tri nhận và thấu hiểu chúng. Nhưng bù lại, thầy cô sẽ thấy được niềm vui, ý nghĩa cuộc sống, cảm nhận được những giá trị do chính mình tạo ra. Để rồi bất chợt, phút lắng lòng, họ tươi cười, mãn nguyện vì niềm hạnh phúc đến từ những lời cảm ơn chân thành.
Năm ngoái, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam kêu gọi cha mẹ và học sinh chia sẻ trên mạng xã hội những dòng nhắn gửi cảm ơn: “Chúng ta có thêm các bài học kinh nghiệm, xác định được những thách thức, trong đó có rất nhiều giáo viên trên khắp đất nước khi nhận ra rằng học sinh của mình không thể học trực tuyến, đã rất nỗ lực để mang bài tập đến tận tay học trò. Chúng tôi hy vọng những giáo viên này sẽ nhận được những lời cảm ơn chân thành”.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Thời đại nào cũng thế, thầy-cô giáo luôn có vai trò quan trọng trong hoạt động dạy và học, là nhân vật trung tâm của một xã hội học tập, vừa định hướng vừa thôi thúc học trò. Bản thân người giáo viên để được đứng trên bục giảng đã phải trải qua quá trình học tập và trau dồi kiến thức mỗi ngày. Họ không bao giờ tự bằng lòng với ngần ấy kiến thức và kinh nghiệm đã có, vẫn nỗ lực từng ngày, rèn luyện từng giờ về kiến thức lẫn tư cách đạo đức người thầy.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giáo viên phải chủ động, nỗ lực tìm hiểu, tham khảo từ các đồng nghiệp sự đổi mới trong dạy học, đánh giá học sinh theo chương trình sách giáo khoa năm 2018. Nếu chỉ “đứng yên”, thầy cô sẽ tụt hậu và khó đáp ứng được yêu cầu khắt khe của ngành. Đơn cử, trong quá trình dạy và học trực tuyến, thầy cô phải tự học hỏi các ứng dụng dạy học, hình thức dạy học sao cho phù hợp và thích ứng với nhiệm vụ học tập.
Một năm học có quá nhiều khó khăn và thách thức vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Dẫu vậy thì thầy-cô giáo vẫn chứng minh bằng sự nỗ lực và hành động của chính mình. Vẫn còn được dạy học dẫu là hình thức trực tuyến cũng khiến các thầy-cô giáo vui, là bởi, họ vẫn có thể làm việc, vẫn được truyền cảm hứng đến học sinh thân yêu. Thời điểm này, hàng ngàn ngôi trường khác nhau trên khắp cả nước, những người thầy, người cô vẫn đang thầm lặng trên những màn hình máy tính mong muốn đưa những con chữ đến với học sinh thân yêu. Hiểu đúng về nghề, yêu quý những gì mình đang có, đó là “ngọn lửa”lan tỏa và hóa thân mãi vào cuộc đời của học trò.
Dẫu chưa hẳn là người thầy giảng bài hay nhất, người sở hữu lượng kiến thức đáng khâm phục nhất… mà đôi khi chỉ giản dị như cách trái tim học trò chạm đến trái tim người thầy qua việc họ truyền cảm hứng như thế nào. Muốn truyền lửa, truyền cảm hứng thì trong tim chúng ta “lửa” phải cháy nồng nhiệt, không chỉ biểu hiện ở bên ngoài mà phải ngùn ngụt cả bên trong. “Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình” (Can Jung).
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm