Phóng sự - Ký sự

Người viết tiếp giấc mơ cho trẻ khiếm thính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 10 năm nay, cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm của chị Thu trở thành mái ấm cho thanh niên khuyết tật, trẻ mồ côi. Những phận người “tàn nhưng không phế” ấy từng bước vươn lên trong cuộc sống, vững tay nghề và có thể tự lập mưu sinh.
Vòng tay yêu thương
Cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu nằm yên bình trong con hẻm nhỏ giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Bên trong cơ sở, 5 cô gái trẻ đang miệt mài làm những món đồ lưu niệm.
Chị Nguyễn Thị Phương Thu, chủ cơ sở không ngừng thực hiện những ký hiệu với các thành viên để giới thiệu khách với các em. Tay thoăn thoắt nhồi bông, chị cho biết, sau thời gian dài ảnh hưởng dịch COVID-19, cơ sở hoạt động cầm chừng, từ tháng 4/2022, bắt đầu có nhiều đơn hàng. Hôm rồi, khách hàng đặt cơ sở 150 con voi làm từ thổ cẩm, nhưng mới làm được 130 con. Một con voi làm nhanh phải mất hơn một tiếng, vì nhiều công đoạn, phải làm tỉ mỉ.
Câu chuyện của chị chầm chậm hòa vào tiếng mưa rả rích nơi phố núi, thợ của cơ sở là những thanh niên bị câm điếc, họ đến đây học và làm nghề may. Với chị Thu, đây giống như duyên nợ với cuộc đời. Tốt nghiệp đại học ra trường, chị Thu có thời gian làm việc hai tháng tại cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân (thành phố Buôn Ma Thuột). Hình ảnh những đôi tay ra hiệu, múa máy với những tiếng ú ớ không rõ từ những đứa trẻ đọng mãi trong tâm trí chị. Năm 2009, khi về công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, công việc cuốn chị vào guồng, không có thời gian bận tâm nhiều. Qua những chuyến cùng đoàn đi tham quan, chị mê mẩn trước mặt hàng thổ cẩm đa sắc màu. Được tiếp xúc nhiều với người dân tộc thiểu số, nhìn trang phục, các loại vải họ tự dệt thủ công, chị Thu nhen nhóm ý tưởng sử dụng những tấm thổ cẩm này làm đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức bán cho du khách, vừa có thể quảng bá du lịch vừa mang lại thu nhập cho bà con. Chị tự mày mò, đi một số tỉnh học công nghệ làm hàng lưu niệm, sau đó chị ra mẫu cho thợ chụp hình để gia công. Các sản phẩm hoàn thành, chị thấy công nghiệp quá, không toát được cái hồn, nhìn vào không thẩm thấu hết được nét đẹp thổ cẩm. Nhận thấy mặt hàng này kinh doanh mua đi bán lại thì thổ cẩm không mang đúng bản sắc của nó.
Bao nhiêu vốn liếng tích góp bấy lâu cùng công sức tâm huyết chị quyết định dồn mở xưởng. Chị nhờ người quen tìm các em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, có khả năng lao động về đào tạo nghề. “Tôi nghĩ làm như vậy không chỉ giúp các em có thể kiếm sống, vượt qua mặc cảm, hòa nhập với xã hội mà còn giảm gánh nặng cho gia đình, qua đó phát huy được tinh thần tự tôn cho các em", chị Thu bộc bạch.
 
Chị Thu và các thành viên trong cơ sở
Chị Thu và các thành viên trong cơ sở
Ngày mới thành lập, nhiều người nói chị chuốc khổ vào mình, chị bỏ ngoài tất cả. Những ngày cuối tuần và mỗi buổi tối, chị hướng dẫn các em nếp ăn, ở, sinh hoạt, tính tự lập, công việc ở xưởng. Khoảng thời gian khó khăn vất vả được gắn bó với những đứa trẻ khiếm thính, chính những thiệt thòi của các em là động lực để chị cố gắng nhiều hơn. Hiện nay, chị Thu là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, công việc bận rộn nhưng chị vẫn tranh thủ thời gian rảnh cần mẫn chỉ bảo cho các học viên của cơ sở.
“Khi các em về cơ sở làm việc, ngoài giao tiếp bằng khẩu hình, để hiểu nhau hơn, chúng tôi nhắn tin với nhau. Qua đó, tôi hướng dẫn tỉ mỉ nghề thủ công. Ai cũng chịu khó nên mọi việc dần đi vào quỹ đạo, tôi rất vui”, chị Thu nói.
Dìu bước tương lai
Trong cơ sở, chị Thu tỉ mỉ hướng dẫn thợ cắt, may, dồn bông, xâu hạt cho các sản phẩm. Nhiều trường hợp tưởng chừng không thể hòa nhập với cuộc sống, nhưng khi vào cơ sở, với tình thương dạt dào của chị, các bạn thay đổi rất nhanh, tự tin, mạnh dạn hòa hập. Em Hoàng Biên (SN 2003) dáng người cao ráo, làn da trắng hồng miệt mài may bên máy, thấy chúng tôi em tủm tỉm cười, gật đầu chào. Cuộc trao đổi với em là những nét mực hằn trên trang giấy trắng. Qua nét chữ nắn nót, Biên cho biết, em gắn bó với cơ sở hơn 5 năm. Biên thích công việc này và muốn gắn bó lâu dài. Sau thời gian được chị Thu dày công hướng dẫn, giờ Biên biết nhiều việc và thành thạo nghề may. Biên có khiếu vẽ, mỗi lần ra sản phẩm mới, chị Thu nói ý tưởng, Biên là người vẽ. Còn bạn thợ chính là Nguyễn Thanh Tuyền (SN 2000). Tuyền giỏi tất cả các khâu và hiện quản lý cơ sở. Tuyền đưa mẫu giấy trong đó viết: Từ khi bước vào cơ sở của cô Thu, ai cũng tìm thấy niềm vui và động lực sống.
Cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu thành lập năm 2013, có 10 thành viên. Sau thời gian, một số học viên đã tìm được công việc ổn định, 5 học viên nữ lập gia đình có cuộc sống riêng. Hiện nay, có 13 thành viên đang làm việc tại cơ sở, trong đó có 8 thanh niên khiếm thính. Sắp tới, cơ sở nhận 2-3 thanh niên khuyết tật nữa làm thợ phụ.

Khi về đây học nghề, tùy vào khả năng từng bạn, chị Thu phân công công việc rất rõ ràng. Chị hướng dẫn các bạn quan tâm tới chất lượng, không nặng về số lượng. Tại đây, mọi người được học may cơ bản, học làm túi xách, ví, thú nhồi bông…Ngoài việc đào tạo nghề miễn phí, các thành viên còn được trả lương hàng tháng, tùy theo thợ phụ, chính, quản lý từ 3 - 5 triệu đồng, được sắp xếp ăn ở tại cơ sở. Mỗi học viên khi thành thạo nghề, có thể về nhà mở tiệm riêng hoặc tiếp tục làm tại cơ sở.

Chị Thu kể, bạn Trần Viết Hoàng (SN 1994) bị khiếm thính, gắn bó với cơ sở từ ngày mới thành lập. Mới đây Hoàng muốn thay đổi bản thân xin ra ngoài để làm nghề yến. Thỉnh thoảng Hoàng lên cơ sở hướng dẫn các công đoạn may cho thợ. Những năm qua, công việc tại cơ sở chị tin tưởng giao cho Hoàng phụ trách. Hoàng có hoàn cảnh rất đáng thương, mẹ mất khi còn rất nhỏ, bố lấy vợ khác, nhà nghèo lại đông anh em, cuộc sống rất khó khăn. Câu chuyện chúng tôi gián đoạn khi chị Lê Thị Hà (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đưa con trai là Trần Đình Duyên lên nhờ chị Thu dạy nghề. Chị Hà cho biết, khi được giới thiệu chị đưa cháu lên, hy vọng con sẽ tự tin hòa nhập và có một cái nghề để làm chủ cuộc sống.
 
Chị Thu hướng dẫn Hoàng Biên cách may
Chị Thu hướng dẫn Hoàng Biên cách may
Hiện cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu có khoảng 300 mặt hàng được bán ngoài thị trường. Đầu ra khá ổn định, khách hàng chủ yếu là các công ty, tập đoàn lớn trong tỉnh và một số thành phố như TPHCM. Nhiều khách hàng đánh giá sản phẩm cơ sở chị Thu sắc sảo, có những mặt hàng độc đáo, nơi khác không có, tuy giá thành cao hơn nơi khác nhưng theo họ tiền nào của nấy.
Nhìn những nụ cười bằng ánh mắt trìu mến, niềm vui lộ rõ trên từng nét mặt, chúng tôi nghĩ, có lẽ trong thâm tâm những con người khuyết tật ấy đều có chung một cảm nhận về lòng tri ân, sự tự tin để làm chủ cuộc sống của mình.
Theo Nguyễn Thảo (TPO)
https://tienphong.vn/nguoi-viet-tiep-giac-mo-cho-tre-khiem-thinh-post1443848.tpo

Có thể bạn quan tâm