Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nguy cơ xảy ra lũ lớn tại Đông Nam tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 2 đến 3-10 do ảnh hưởng của bão số 10, khu vực Đông Nam tỉnh xảy ra mưa vừa đến mưa to cộng với việc công trình thủy lợi Ayun Hạ và thủy điện An Khê-Ka Nak xả lũ khiến cho lưu lượng nước trên sông suối của khu vực Đông Nam tỉnh dâng nhanh và có nguy cơ xảy ra lũ lớn.

Nước sông Ba dâng cao làm ngập chân cầu Bến Mộng. Ảnh: Nguyễn Tú
Nước tràn vào nhiều ngôi nhà tại buôn Ama Dương, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa. Ảnh: Nguyễn Tú

Tính đến 5 giờ ngày 3-10, mức nước đo được tại chân cầu Bến Mộng (thị xã Ayun Pa) đang trên mức báo động 3, cao nhất từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, cách báo động khẩn cấp 80 cm và cách đỉnh lũ lụt lịch sử năm 2009 khoảng 3 mét. Nước sông Ba liên tục dâng nhanh làm nhiều ngôi nhà và hoa màu của các hộ dân ven sông Ba thuộc buôn Ama Hinh, tổ dân phố 5 (phường Sông Bờ) bị ngập nước gần 1 mét, cũng như nước sông dâng tràn đường liên xã, khiến cho giao thông buôn Ma Kanik (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) bị chia cắt, cô lập các hộ dân.

Theo ông Hồ Văn Diện-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, Phó ban Chỉ huy phòng-chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn thị xã Ayun Pa thì ngay từ sáng sớm 3-10, Ban Chỉ huy phòng-chống lụt bão-cứu hộ cứu nạn thị xã đã chỉ đạo các xã, phường chuẩn bị xuồng và ca nô, túc trực theo dõi tình hình lũ trên sông Ba. Đến cuối ngày 3-10, tổ chức di dời 50 hộ dân ven sông Ba lên trú tạm tại lớp Mầm non tại buôn Ama Dương. Hiện tại đang cử ca nô di chuyển các hộ dân buôn Ma Kanit lên vùng cao. Chuẩn bị nhân lực, lương thực sẵn sàng ứng cứu nếu xảy ra lũ trong đêm.
 

Nhiều nhà dân bị ngập trong nước. Ảnh: Nguyễn Tú
Ảnh: Nguyễn Tú

Tại huyện Ia Pa, nước sông Ba đã tràn vào làm ngập chân nhà sàn, cùng 20 ha hoa màu và nhiều tuyến đường tại các buôn Jư Ma Huốc, Jứ Ma Hoét và Tông Ô của xã Ia Broái, huyện Ia Pa. Khu vực trung tâm xã và các buôn trên bị chia cắt hoàn toàn. Các trường học tại xã Ia Broái phải đóng cửa, cho giáo viên và học sinh nghỉ học. Tuy nhiên nước dâng nhanh làm ngập đường khiến các giáo viên không thể ra ngoài. “UBND xã đang cử lực lượng lái ca nô vào các khu vực bị chia cắt để đưa giáo viên và người dân lên trụ sở UBND xã tạm trú”-ông Trương Nguyên Hảo-Chủ tịch UBND xã Ia Broái cho biết.

Tại xã Ia Trốk (địa phương chịu nhiều thiệt hại trong đợt lũ ngày 27-9-2013 vừa qua), nước sông Ayun lên chậm, chưa gây nguy hại đến người dân. Các cơ quan chức năng huyện Ia Pa tiến hành túc trực 24/24, vận động người dân các thôn Quý Đức và Tông Sê đưa đồ đạc lên cao, tránh bị ngập lụt, chuẩn bị lương thực, thực phẩm sẵn sàng di chuyển trong đêm nếu nước sông dâng cao làm ngập nhà.
 

Ông Trần Văn Phước ở tổ 5, phường Sông Bờ đang dọn đồ đạc lên cao. Ảnh: Nguyễn Tú
Ảnh: Nguyễn Tú
Ảnh: Nguyễn Tú

Tại huyện Krông Pa, nước đã nhấn chìm hơn 10 ha hoa màu của các hộ dân ven sông Ba, đoạn phía trên đập tràn thủy điện Hoàng Anh Gia Lai (thuộc xã Ia Siêm, huyện Krông Pa) và nước sông cũng đã vượt đập tràn thủy điện Hoàng Anh Gia Lai ở mức cho phép là 1,8 mét.
 

Đến lúc 22 giờ ngày 3-9, mức nước lũ đo được tại cầu Bến Mộng (thị xã Ayun Pa) đạt mức báo động khẩn cấp. Nước sông Ba tiếp tục dâng lên. Ban Chỉ huy phòng-chống lụt bão-cứu hộ cứu nạn các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh đang túc trực 24/24 giờ tại các nơi xung yếu, theo dõi sát sao tình hình lụt. Tạm dừng việc di dời dân đến nơi trú ẩn cao hơn vì trời quá tối.

Tại huyện Phú Thiện, mưa lớn khiến nhiều đoạn đường ở thị trấn Phú Thiện bị ngập nước, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, sau đó nước đã rút nhanh. Mức nước trên sông, suối của huyện vẫn ở mức ổn định. Các khu vực khác của huyện Phú Thiện vẫn bình thường, chưa có dấu hiệu của lũ.

Đến thời điểm 17 giờ ngày 3-10, Ban Chỉ huy phòng-chống lụt bão-cứu hộ cứu nạn các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa đang tiến hành cử các đơn vị túc trực tại các nơi xung yếu, thường xuyên xảy ra lũ lụt, theo dõi sát sao tình hình nước lũ, chuẩn bị người và phương tiện sẵn sàng ứng cứu trước nguy cơ xảy ra lũ lớn trong đêm 3-10. Đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dân trong khu vực thu dọn đồ đạc, nhanh chóng chuyển đến nơi cao nếu xảy ra lũ lụt. Trong khi đó, nước sông Ba và sông Ayun liên tục dâng cao vì công trình thủy lợi Ayun Hạ và công trình thủy điện An Khê-Ka Nak tiếp tục xả lũ như thông báo xả lũ từ 375 đến 550 m3/s.
 

Ảnh: Nguyễn Tú
Bữa ăn chiều của các hộ gia đình tại nơi trú ẩn tránh lũ lụt.
Các gia đình đang chuẩn bị thức ăn cho bữa cơm tối tại nơi trú ẩn tránh lũ. Ảnh: Nguyễn Tú

Tuy vậy, công tác di dời dân còn gặp nhiều khó khăn vì tâm lý chủ quan của người dân khu vực trũng thấp, trong nguy cơ lụt lội.

Đức Phương-Nguyễn Tú

Huyện Phú Thiện: Nhiều điểm ngập sâu trong nước

(GLO)- Từ sáng sớm 3-10, nước lũ tràn về gây ngập úng nhiều địa điểm trên địa bàn huyện Phú Thiện. Nước lũ dâng cao chảy tràn qua quốc lộ 25 đoạn phía trước trại thực nghiệm giống cây trồng Ayun Hạ. Đặc biệt, tại nút giao thông quốc lộ 25 và đường D3 ngay khu vực cổng chào thị trấn Phú Thiện, nước dâng ngập gần lút bánh xe máy, kéo dài cả trăm mét tạo thành một mặt hồ rộng, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông qua lại. Nhiều hộ dân dọc hai bên quốc lộ 25 đoạn trước Bưu điện huyện Phú Thiện cũng bị nước dâng tràn vào nhà.
 

Nước lũ dâng cao tại nút giao thông quốc lộ 25 và đường D3 khu vực cổng chào thị trấn Phú Thiện trở thành một hồ nước rộng, cản trở giao thông. Ảnh: Đức Phương

Trời mưa to kết hợp với việc hồ thủy lợi Ayun Hạ xả lũ khiến mực nước càng dâng cao. Cho đến 19 giờ cùng ngày nước lũ vẫn đang có chiều hướng dâng cao. Khu vực cầu 42 thuộc địa phận xã Ia Sol, nước lũ cuồn cuộn chảy tràn qua bờ kênh chính thủy lợi Ayun Hạ, gây ngập tuyến đường dẫn vào trụ sở UBND xã Ia Sol, nước chảy tràn vào nhiều hộ dân hai bên đường. Nước lũ dâng cao khiến cánh đồng lúa đã chín chưa kịp gặt phía sau trụ sở UBND xã Ia Piar chỉ còn chấp chới vài đám lúa nhỏ màu vàng giữa mênh mông nước.

Ngay trong sáng 3-10, Ban Chỉ đạo Phòng-chống lụt bão huyện Phú thiện đã gấp rút chỉ đạo các ban ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn sẵn sàng phương án ứng phó với nước lũ, chuẩn bị di dời khẩn cấp các hộ dân ở vùng trũng đến khu vực cao an toàn.  

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm