Nhà báo phải tự mình rèn luyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghề báo, khẳng định là một trong những nghề vô cùng gian nan vất vả và cũng là nghề dễ đem lại vinh quang, nổi tiếng cho những ai luôn biết dấn thân, biết hy sinh cái riêng bản thân mình cho công chúng, cộng đồng. Bởi vậy sợi dây “đạo đức” ràng buộc, chi phối cho nghề nghiệp khá mỏng manh. Nếu người làm báo không biết tự mình luôn rèn luyện để nâng cao đạo đức nghề nghiệp thì dễ sa vào bẫy của nhiều thứ cám dỗ tầm thường...

Đạo đức, đạo đức nghề nghiệp nói chung và đạo đức nghề báo là những phạm trù rộng, nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung lại, nó hình thành phải trên cơ sở nền tảng của dân tộc, của chế độ xã hội, chính trị và nghề nghiệp cụ thể. Nghề báo là nghề đặc biệt, tính chất đặc biệt của nghề này thể hiện ở chỗ nó mang thông tin mới nhất đến cho cộng đồng, tạo dư luận và ảnh hưởng đến một hoặc nhiều lĩnh vực đời sống xã hội tùy theo vấn đề mà nó đưa ra. Vấn đề nêu ra đó, với tư cách người có trách nhiệm, nhìn nhận, đánh giá khách quan, trung thực, cẩn trọng khi thể hiện sẽ tác động tích cực, ngược lại sẽ trở thành tai hại, có thể ảnh hưởng xấu đến đối tượng mà nhà báo đề cập.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Trong thực tế ngày nay, với cơ chế kinh tế thị trường, báo chí nói chung và người làm báo, viết báo nói riêng không thể không chịu sự ảnh hưởng, thậm chí tác động chi phối. Người đứng đầu cơ quan báo chí, nhà báo nếu không chịu học tập, trau dồi, nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp thì khó tránh khỏi sa ngã, tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, vi phạm những điều quy định về nghề báo và vi phạm pháp luật Nhà nước.

Ở Gia Lai, địa bàn hoạt động báo chí khá sôi nổi so với các tỉnh trong khu vực, các nhà báo hoạt động ở đây với một đội ngũ khá đông đảo, trong đó có 2 cơ quan báo thuộc tỉnh là Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Gia Lai, là những nơi có đông đảo các nhà báo hoạt động, đội ngũ phóng viên cùng với lớp lớn tuổi, dày dạn kinh nghiệm nghề nghiệp, vững vàng về tư tưởng, chính trị, có ý thức tổ chức kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp được rèn giũa; thì đội ngũ trẻ tuổi được đào tạo bài bản, có tay nghề khá, có sức khỏe, đặc biệt là có nhiệt huyết, xông xáo, luôn tìm và phát hiện cái mới, có phong cách thể hiện chuyên nghiệp và phù hợp với báo chí hiện đại, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet cho công việc làm báo. Hai bộ phận này “tương tác” cho nhau, tạo không khí và “thị trường” thông tin báo chí trở nên sôi động, chất lượng các ấn phẩm, thể loại, loại hình báo chí phong phú, đa dạng, thu hút bạn đọc, bạn xem-nghe ngày một đông đảo cả trong và ngoài tỉnh.

Đó là điều đáng mừng cho nền báo chí tỉnh nhà. Song vấn đề cần quan tâm là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ làm báo hiện tại và cho tương lai như thế nào là vấn đề cần nói, chúng tôi sẽ bàn ở một bài viết khác. Ở đây, xin chỉ đề cập đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo. Nhận thức thế nào là đạo đức nghề báo, như đã đề cập ở trên, nghề báo là nghề “đặc thù”, đạo đức của nghề này cũng mang tính đặc thù, vì lẽ thường tình là nhà báo muốn có tác phẩm phải dựa trên cơ sở nguồn tin; nguồn tin phải trên cơ sở từ đối tượng cung cấp, bởi thế nên muốn có nguồn tin nhà báo cần có mối quan hệ rộng, giao tiếp nhiều với nhiều thành phần, đối tượng, lĩnh vực, để khai thác thông tin và quyết định lựa chọn, đánh giá chất lượng thông tin để đưa vào tác phẩm, chuyển thông điệp ấy đến người có nhu cầu thông tin.

Vì vậy, nhà báo phải có trách nhiệm lớn với cộng đồng, xã hội. Nếu “đầu óc của nhà báo có vấn đề”, thông tin không trung thực, phân tích không xác đáng, không khách quan sẽ gây tác hại khôn lường, và điều này đâu đó, một bộ phận nhà báo đã va vấp. Ở đây đạo đức thể hiện ở chỗ nắm và hiểu biết vai trò của người làm báo, phương pháp hoạt động của nghề làm báo. Ý thức công dân và trách nhiệm xã hội là nội dung mà mỗi nhà báo cần nghiên cứu, học hỏi, rèn luyện trở thành đức tính thường trực, “viết gì, để làm gì, cho ai...”, phát hiện và phản ánh cái mới nhưng cái đó không trái quy định của luật pháp, đạo đức xã hội, quy ước cộng đồng là trách nhiệm của người cầm bút, cho nên đạo đức người làm báo phải bị chi phối bởi vấn đề này.

Chưa phát hiện có “chuyện nghiêm trọng” về đạo đức nghề nghiệp của giới báo chí Gia Lai, nhưng đâu đó vẫn có một số người đã lợi dụng đặc điểm công việc của nghề nghiệp để trục lợi cá nhân, có những bài viết thể hiện cái tâm thiếu trong sáng, khách quan, áp đặt, thậm chí... hù dọa, “xin” quảng cáo, nhất là trong các ngành và lĩnh vưc nhạy cảm của đời sống xã hội và báo chí. Những chuyện phi đạo đức đó cần phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ khỏi đời sống xã hội nói chung và giới báo chí nói riêng, và công việc ấy trước nhất người làm báo, nhà báo phải tự mình ý thức rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao đạo đức cho chính mình, mặt khác cộng đồng xã hội cũng cần chung tay xây dựng cho ngành báo chí cách mạng nước nhà, tỉnh nhà ngày càng trong sạch, tạo dựng những thế hệ người làm báo xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng.      

Đó chỉ là những nội dung về đạo đức nghề nghiệp “dễ thấy” ở “bề mặt” trong quá trình làm báo của nhà báo; còn nhiều vấn đề cần bàn, chỉ trong bài viết ngắn này, chúng tôi không thể đề cập. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, xin lạm bàn đôi điều cũng chỉ để tham khảo.

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm