Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Nhà báo tay ngang" ra sách mới ở tuổi 94

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Nhà báo tay ngang” là cách ông Đỗ Hằng tự gọi mình khi năm 1978 được Tỉnh ủy Gia Lai điều động làm Giám đốc Đài Phát thanh tỉnh (nay là Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh), khi mới ra khỏi nhà tù đế quốc chưa được bao lâu. Ông kể: “Mình không có kinh nghiệm, chuyên môn báo chí càng không, nhưng Đảng phân công thì phải làm và cố gắng làm cho được”. Tuy thời gian làm quản lý tại đây chỉ vài năm nhưng ông thực sự đã vãn hồi được tình hình mất đoàn kết nội bộ, mở ra hướng phát triển tích cực cho đơn vị. Tới nay, nhiều cán bộ, phóng viên vẫn nhắc đến ông như một lãnh đạo rất có tâm trong công việc.
Không biết có phải vì duyên với nghiệp viết từ đó hay không mà kể từ ngày về hưu, ông Đỗ Hằng thường xuyên viết và xuất bản sách. Nếu tôi nhớ không nhầm thì ông đã là chủ biên, đồng chủ biên, cộng tác viên của gần 20 cuốn sách liên quan đến lịch sử địa phương từ tỉnh đến huyện, xã cũng như ngục tù Côn Đảo-nơi ông từng có 16 năm bị giam cầm, đày ải.
Giữa những ngày tháng 6, Đà Nẵng nóng nực. Khi tôi ghé thăm nhà, ông vẫn cặm cụi ngồi sửa bản in cuối cùng cho cuốn hồi ký “Những tháng, năm phụng hiến”. Cuốn sách tập hợp những bài viết đã được ông công bố trong nhiều chục năm qua, có chỉnh sửa, bổ sung và được chia làm 3 phần: Tri ân, biểu dương các nhân vật, sự kiện tiêu biểu; Góp ý xây dựng Đảng, phong trào địa phương; Quan hệ tình cảm với đồng đội, đồng nghiệp.
Độc giả sẽ bắt gặp lại những trang viết giàu nhiệt huyết và đầy tính nhân văn của một người tham gia cách mạng từ rất sớm, trải qua nhiều vị trí quan trọng. Sinh năm 1926, ở tuổi 20, ông đã là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. 21 tuổi, ông là Huyện ủy viên huyện Phù Mỹ từ năm 1951 đến 1954, khi chỉ mới 25 tuổi, ông đã là Bí thư huyện An Khê. 28 tuổi, là Tỉnh ủy viên, ông làm Bí thư huyện 3 (1954-1956) rồi sau đó là Bí thư Ban cán sự Đảng khu 9 (thị xã Pleiku)... 18 năm tù đày (1957-1975) trong các nhà lao khét tiếng của đế quốc, đặc biệt là 16 năm tù Côn Đảo luôn là một phần không thể thiếu được trong các trang viết của ông. Những chuyện nơi “địa ngục trần gian” của ông luôn khiến độc giả rơi nước mắt. Người đọc cảm thương một thế hệ kiên cường, bất chấp mạng sống của mình vì lý tưởng cao đẹp đã lựa chọn.
 Bìa sách “Những tháng, năm phụng hiến”. Ảnh: N.Q.T
Bìa sách “Những tháng, năm phụng hiến”. Ảnh: N.Q.T
Thoảng hoặc trong cuốn sách là những trang hồi ức về tuổi thơ, về thầy-cô giáo và bạn bè. Chúng khiến ta ao ước, giá như không có chiến tranh và chia cắt. Trong “Lời thưa” trước của cuốn sách, ông viết rằng, mình còn được sống đến hôm nay đã là “lãi ròng”, bởi đồng đội một thời đã hy sinh gần hết. Họ đã trở thành ngọc trong đá, ngọc trong cát, là những tấm gương sáng chói chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Và ông tự nhận lấy trách nhiệm của mình: “Tôi không phải nhà thơ, nhà văn, họa sĩ hay nhà điêu khắc, nhưng cái tâm thật chân thành trong sáng, muốn khắc tất cả các tên ấy vào đá hoa cương, vào trời xanh mây trắng, vào lòng “đất mẹ” yêu thương, vào cỏ cây, hoa lá”.
Trong sách, người đọc cũng có dịp gặp lại những bài viết về chính tác giả Đỗ Hằng của những người quen biết ở Gia Lai, như nhà báo Phan Hòa, Quốc Ninh, Ngọc Tấn, TS. Nguyễn Thị Kim Vân... Tất cả đều viết về ông-một người đã phụng sự và hiến dâng cuộc đời mình cho cách mạng-với sự tôn trọng và ngưỡng mộ tuyệt đối.
Ở Gia Lai, ai cũng biết đến 2 vị lão thành cách mạng rất đáng kính, đó là ông Đỗ Hằng và ông Ngô Thành (SN 1927, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy). Cả 2 ông đã sống trọn đời vì lý tưởng và đều có một điểm chung là dẫu đã ngoài tuổi 90 vẫn âm thầm cống hiến cho đời những trang viết giàu chất liệu cuộc sống và thấm đẫm tình người. Trong cuốn này, ông Ngô Thành viết lời giới thiệu cho sách. 
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm