Nhà báo và bút danh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc đời làm báo của mỗi tác giả đều gắn với một hoặc rất nhiều bút danh liên quan đến những kỷ niệm vui buồn trong nghề. Bút danh trở thành cái tên thứ 2 của một con người nhưng cũng có vị trí quan trọng không kém.

Các tác giả trong làng báo ở Gia Lai có khá nhiều cách chọn bút danh. Đơn giản nhất là làm gọn đi tên mình bằng cách bỏ họ hoặc chữ lót, hoặc những bút danh có chủ ý hẳn hoi như lấy tên con cái, quê quán hoặc những kỷ niệm riêng tư nào đó… Và dù ngẫu nhiên hay cố ý thì những bút danh này đều có lý do và xuất xứ gắn với nhiều câu chuyện khá thú vị.

 

 

Nhà báo “chết tên” với bút danh

Nhà báo Bùi Quang Vinh-báo Gia Lai, tên thật Bùi Văn Vinh. Tuy nhiên, bút danh Bùi Quang Vinh theo anh lâu đến nỗi nhiều người tưởng nhầm là tên khai sinh. Theo anh, hai từ “Quang Vinh” có ý hướng đến sự xán lạn; đây là cái tên khá quen thuộc dưới những bài bút ký, phóng sự trên báo Gia Lai nhiều năm qua.

Những độc giả lâu năm còn biết đến một bút danh khác của anh là Hoàng Linh Việt. Bút danh này ra đời từ khi anh còn là giáo viên và bắt đầu cộng tác với báo Gia Lai từ năm 1977. Anh cho biết, anh gốc họ Hoàng, vì nhiều lý do mà ông bà đã đổi thành họ Bùi, còn Linh Việt nghĩa là linh khí đất Việt. Một bút danh rất hay, rất ý nghĩa nhưng… không hên, theo tự nhận của nhà báo Bùi Quang Vinh, nên thi thoảng anh mới dùng đến.

Trong khi đó, nhà báo Quốc Ninh, Báo Gia Lai, cũng “chết tên” với bút danh Quốc Ninh, trong khi anh tên thật là Lê Đình Ninh. Trong một lần trà dư tửu hậu, anh mới kể lại: Cái tên Quốc Ninh có từ năm 1972, lúc đó anh còn đang là một người lính và chưa từng nghĩ mình sẽ là nhà báo. Ngày ấy, khi chia tay một người bạn thân để đi B, anh và người bạn này giao ước lấy biệt danh để viết thư cho nhau; anh quyết định lấy chữ “Quốc” trong từ “Tổ quốc” để thêm vào trước tên mình với hàm ý đi theo tiếng gọi bảo vệ Tổ quốc.

Bút danh nhiều kỷ niệm này đã theo anh suốt từ những ngày đầu làm báo (1992) đến nay. Hơn 20 năm trong nghề, anh đủ kinh nghiệm để chia sẻ: “Bút danh có trụ vững hay không tùy vào bút lực mỗi người, nhưng mỗi nhà báo đều có một tình cảm nhất định với bút danh và đều muốn giữ nhân cách thông qua bút danh. Giữ một cái tên trong gia đình, trong xã hội đã khó, giữ cái tên trên mặt báo cũng khó tương tự”.

Ít người biết rằng, ngoài bút danh Duy Danh, Duy Lê, nhà báo Lương Văn Danh-Báo Gia Lai-còn có một bút danh khác là Sông Ba, ra đời từ những ngày đầu anh chập chững vào nghề. Anh kể lại: “Ngày trước nhiều lần gặp anh Trần Sông Thao-phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi nhìn anh ấy đầy ngưỡng mộ, thấy anh “lung linh” lắm, vì khi đó mình mới tập tễnh vào nghề còn anh Sông Thao đã thành danh. Vì vậy, mình cũng thích cách chọn bút danh của anh nên quyết định chọn Sông Ba, con sông ở quê hương thứ 2, làm bút danh”.

Tuy nhiên, anh chỉ dùng bút danh khá hình tượng này dưới những bài ký, ghi chép mềm mại, sâu lắng, “còn tin tức hoặc bài phản ánh mà ký bút danh này thì có vẻ không hợp lắm”. Anh cũng chia sẻ một góc nhìn khá thú vị về bút danh qua nhiều năm làm công tác biên tập, tiếp xúc với rất nhiều bút danh của các tác giả: “Từ bút danh có thể định hình phần nào tính cách tác giả. Bút danh cũng như chữ ký, phải ký sao cho vừa đẹp vừa… oai. Các tác giả thường thử sức với nhiều bút danh khác nhau, có người 5 năm mới tìm được một “chữ ký” ưng ý, tức tìm được chỗ đứng trong lòng bạn đọc”.  

Chuyện hài quanh bút danh

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Trò chuyện với nhà thơ, nhà báo Văn Công Hùng-Phó Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Gia Lai mới thấy, xung quanh chuyện bút danh của các nhà báo trong làng báo Gia Lai cũng có khá nhiều chuyện thú vị và hài hước. Nhà thơ, nhà báo Văn Công Hùng viết rất khỏe, có lẽ vì thế anh cũng là người có nhiều bút danh nhất: Từ Hoàng Hương Giang, Hoàng Mai Hương, H’Yên, Mai Hoàng (tên vợ, con), Thế Chí Tây, Điền Hòa, Phong Điền (tên làng, xã, huyện ở Huế), đến những cái tên dịu dàng như Mộc Miên, hay đọc muốn trẹo lưỡi như Huỳnh Khúc Khuỷu…

Bên cạnh đó, anh còn có một bút danh khá “đặc sắc” là Trần Thị Lụa. Bút danh này anh chỉ dùng để đứng ở chuyên mục “Gia Lai muôn mặt” trên báo Gia Lai trong khoảng 4 năm, từ năm 2005 đến 2008, trên số báo thứ tư hàng tuần. Đây là chuyên mục nói về những điều tai nghe mắt thấy, thể hiện bằng giọng văn tung tẩy pha chút hài hước, châm biếm-giọng văn khá quen thuộc và “ăn khách” của nhà báo Văn Công Hùng. “Tôi thường viết về những điều khen-chê diễn ra trên phố, trong cuộc sống. Nếu có chê thì cũng chỉ là những lời trách nhẹ, không đao to búa lớn”-nhà thơ, nhà báo Văn Công Hùng cho biết. Giọng văn sắc sảo, nhưng cái tên đứng chuyên mục thì lại hơi… quê mùa khiến bạn đọc nhiều phen tự hỏi Trần Thị Lụa là cô nào(?!).

Cũng vì chuyện bút danh nên làng báo đã xảy ra nhiều chuyện cười ra nước mắt khi có người vô tư “mắng vốn” tác giả trước mặt (hoặc sau lưng) mà không biết. Nhà báo Trần Đăng Lâm, Báo Nông nghiệp Việt Nam thường trú tại Tây Nguyên, là một trong những nhà báo không ít lần bị “mắng vốn” oan. Số là, ngoài bút danh Trần Đăng Lâm là tên thật, anh còn có bút danh Trần Bình Định, Lam Giang (tên con).

Trong một bài viết nọ, anh gửi cả Báo Nông nghiệp Việt Nam và Báo Gia Lai, 2 số báo ra cùng ngày nhưng trên báo Nông nghiệp Việt Nam thì đứng tên Trần Đăng Lâm, còn trên báo Gia Lai lại để bút danh Trần Bình Định. Có đồng nghiệp vì yêu quý Trần Đăng Lâm nên khi đọc xong bài đã mắng sa sả “thằng cha Trần Bình Định nào đó ăn cắp bài của anh Trần Đăng Lâm đăng trên báo Gia Lai”! Rất hài hước nhưng cũng rất đáng nhớ. Bút danh, vì thế, vẫn là những câu chuyện được rất nhiều người quan tâm và nhớ đến mỗi khi nói về chuyện “hậu trường” của làng báo.

Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm