Nhà bia Tưởng niệm núi Quế, chứng tích lịch sử giáo dục lòng yêu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đất nước được giải phóng, hòa bình đã đi qua gần 40 năm nhưng còn biết bao đau thương, mất mát khi vẫn còn nhiều gia đình, thân nhân liệt sĩ khát khao, mòn mỏi đi tìm kiếm người thân hy sinh trên khắp các chiến trường. Trong đó có 40 liệt sĩ quê Hà Tây cũ, Hà Nội, Thái Bình... đã hy sinh tại núi Quế, Quảng Nam, để lại niềm tự hào về lòng quả cảm, sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các anh.

Trong một chuyến về thăm quê may mắn tôi được gặp Thiếu tướng Khuất Quang Cường-Cục trưởng Cục Kho vận (Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an)-người em thứ ba của liệt sĩ Khuất Quang Phiệt, là một trong số 40 liệt sĩ đã hy sinh trong trận tập kích ngày 11-5-1969 ở núi Quế. Anh em lâu ngày mới có điều kiện gặp nhau, anh Cường đã dành trọn cả buổi tối kể cho tôi về hành trình gần 20 năm cả gia đình đi tìm anh Phiệt và xây dựng Nhà bia Tưởng niệm cho anh cùng với 39 người đồng đội của anh Phiệt đã ngã xuống núi Quế-Quảng Nam năm nào.
 

Ảnh: K.Đ.V
Nhà bia Tưởng niệm núi Quế. Ảnh: K.Đ.V

Anh Cường kể, quá trình tìm kiếm, một sự may mắn cho gia đình là đã gặp được anh Phan Đình Long-nguyên Đại Đội trưởng Đại đội I, Tiểu đoàn 409 Đặc công (Quân khu 5) là người trực tiếp tham gia trận tập kích, ghi danh sách 40 liệt sĩ và chi tiết trận đánh trong cuốn nhật ký của mình. Anh Long cung cấp cho gia đình những thông tin quý giá về trận chiến đấu với kẻ thù mà anh Phiệt đã tham gia: Đêm 11 rạng sáng 12-5-1969 nhận nhiệm vụ đánh tập kích Lữ đoàn 169 của quân đội Mỹ tại núi Quế. Theo phương án tác chiến, 66 chiến sĩ được chia làm 6 mũi tấn công, 18 giờ 30 phút ngày 11-5, đại đội xuất quân và tập kết tại chân núi Quế lúc 23 giờ.

Sau khi lót dạ bằng nắm cơm vắt, trên người các anh chỉ mặc chiếc quần đùi, tất cả giấy tờ, tư trang đều để lại ở hậu cứ, hóa trang hòa mình vào bóng đêm. Khi các mũi tiến công đã lọt vào trong cứ điểm nhưng chưa tiếp cận mục tiêu thì mũi phía Bắc bị lộ. Ngay lập tức địch báo động, bắn pháo sáng, Mỹ liên tục bắn M79, cối 81 và súng trọng liên để tấn công lại. Tuy nhiên các hướng khác, các mũi tiến công vẫn tiếp tục bí mật tiếp cận vào mục tiêu. Đến 0 giờ 30 phút, các mũi đồng loạt nổ súng. Trận tập kích đêm ấy, đã loại khỏi vòng chiến đấu 295 tên Mỹ, phá sập 50 nhà, 43 lô cốt, hầm ngầm của địch và nhiều vũ khí, khí tài khác. Nhưng 66 người lính xuất quân hôm ấy, chỉ có 26 người trở về, 40 chiến sĩ đã hy sinh không trở về với đồng đội nữa.
 

Ảnh: K.Đ.V
Ảnh: K.Đ.V

Theo lời anh Cường, gia đình tổ chức tìm kiếm hài cốt anh Phiệt từ năm 1993, gia đình đã nhờ Bộ Tư lệnh Đặc công, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và nhiều đơn vị khác đều đã ghi nhận về nơi chiến đấu và hy sinh của 40 liệt sĩ là đúng. Tiếp đó, anh Cường đã gửi thư đến Liên hiệp Hội hữu nghị Việt Nam, cũng được phía Mỹ ghi nhận sau trận đánh đã thu gom 39 thi hài, nhưng không rõ địa điểm chôn cất.

Ngoài ra gia đình đã nhờ đến sự giúp đỡ của 21 nhà ngoại cảm từ Bắc vào Nam 4 nhà ngoại cảm nói anh Phiệt nằm trong một dãy 7 mộ ở núi Hòn Tàu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nhưng không xác định địa điểm chính xác; 7 người nói mộ anh Phiệt đã quy tập, nhưng phần mộ lại được họ xác định ở 5 nghĩa trang thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi; 7 người khác chỉ 8 địa điểm ở huyện Quế Sơn và TP. Tam Kỳ, trong đó có 5 địa điểm nằm ở khu vực núi Quế; 3 người không chỉ địa điểm mà nói sẽ dẫn gia đình đến nơi có hài cốt; có địa điểm gia đình đã đến hai, ba lần, nhưng không dám khai quật vì chưa đủ lòng tin.
 

Ảnh: K.Đ.V
Ảnh: K.Đ.V

Thực tế quá trình tìm kiếm của các gia đình cho thấy hầu như không còn hy vọng tìm thấy hài cốt các liệt sĩ, nhất là xác định hài cốt của từng anh, việc Mỹ gom xác các anh đem chôn tập thể là sự thật. Cho dù sau này có tìm được nơi Mỹ chôn các anh thì làm sao có thể giám định ADN của từng liệt sĩ, để trả lại cho các gia đình, đây là việc quá khó; vì vậy khi anh Cường nêu ý tưởng xây ngôi mộ chung cho các anh thì nhận được sự đồng lòng của tất cả các gia đình thân nhân liệt sĩ.

Sau nhiều lần trực tiếp trình bày và gửi đơn tới các cơ quan đơn vị chức năng của Quân khu 5 và tỉnh Quảng Nam, nguyện vọng của các gia đình liệt sĩ đã được chấp thuận. Khi đến thực địa, mới hiểu được những băn khoăn lúc ban đầu của các gia đình, hàng loạt khó khăn khi công trình xây dựng trên núi, điện nước không có, đường đi không thuận tiện… Nhưng được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình, UBND tỉnh Quảng Nam, Quân khu 5, Huyện ủy Quế Sơn, Công an tỉnh Quảng Nam và Trung đoàn Tăng thiết giáp 574, đơn vị quản lý khu đất xây dựng công trình.

Đặc biệt, nhờ có sự giúp đỡ của bà Nguyễn Thị Bình-nguyên Chủ tịch nước; Giáo sư-Anh hùng Lao động Vũ Khiêu…, mọi khó khăn bị đẩy lùi. Ngày 17-3-2012, lễ khởi công Nhà bia Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được tổ chức, nhờ có sự hỗ trợ tận tình cả về vật chất và tinh thần của nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân, việc thi công công trình diễn ra hết sức thuận lợi, số tiền đóng góp của thân nhân các liệt sĩ và ủng hộ của các cá nhân, đơn vị là 300 triệu đồng. Chưa đầy hai tháng sau, Nhà bia được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 43 năm ngày các liệt sĩ hy sinh.
 

Ảnh: K.Đ.V
Ảnh: K.Đ.V

Nhà bia Tưởng niệm tọa lạc tại sườn Tây núi Quế, cấu trúc là một phương đình tám mái, lưng tựa vào núi Quế, mặt hướng về dãy Trường Sơn. Giữa phương đình là một tấm bia đá hai mặt, kích thước 2,13 x 1,07 x 0,2 mét; một mặt ghi danh các liệt sĩ; một mặt khắc bài văn bia tri ân của Giáo sư-Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, trong đó có đoạn: “Từ ba miền theo tiếng gọi non sông/ Lớp lớp gái trai lên đường nhập ngũ/ Vì quê hương chẳng tiếc máu xương/ Trước quân thù bừng bừng khí thế/ Đồn núi Quế với ngàn tên lính Mỹ…/ Bốn mươi anh nằm lại nơi này/ Ngày hôm nay đồng đội người thân/ Xây khu mộ ngàn sau tưởng nhớ/ Bia ghi lại chiến công rực rỡ/ Để muôn đời nhắc nhở công ân”.  Bia được đặt trang trọng trên bệ cao 0,6 mét tạo bởi ba phiến đá hình vuông, hình bát giác và hình tròn. Phía trước là một lư hương lớn bằng đá xanh. Giản dị mà trang nghiêm và sâu lắng, Nhà bia Tưởng niệm mang trong mình linh vị 40 liệt sĩ đặc công, là biểu hiện cụ thể lòng tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Chia tay anh Cường, tôi thắp nén nhang thơm cho anh Phiệt lòng tôi thấy bùi ngùi, cảm động với những gian nan, vất vả của 40 gia đình liệt sĩ đi tìm người thân của mình. Sau bao ngày mong đợi, nay anh và các đồng đội của anh đã có nơi đi chốn về trong sự vĩnh hằng, trong niềm thương nhớ của người thân. Tôi tin rằng, cùng với thời gian Nhà bia Tưởng niệm-núi Quế sẽ trở thành khu chứng tích lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc đối với các thế hệ mai sau…

Khuất Đình Viện

Có thể bạn quan tâm