Phóng sự - Ký sự

Nhà có 2 trung tướng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một gia đình có 2 cha con là trung tướng, đó là Anh hùng lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến và người con là trung tướng Khuất Việt Dũng.  
 
Trung tướng Khuất Duy Tiến thắp hương tại nhà bia di tích tại 2 điểm cao 1015 (Charlie), 1049 (Delta) ở xã Rờ Kơi (H.Sa Thầy, Kon Tum) tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh. Ảnh: Độc Lập
Một gia đình có 2 cha con là trung tướng. Đó là Anh hùng LLVT Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Đại học Trần Quốc Tuấn) và người con là trung tướng Khuất Việt Dũng, nguyên Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, hiện là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Cả nhà “có 2 trung tướng” đang sống tại Hà Nội.
 
Trung tướng Khuất Duy Tiến và con trai Khuất Việt Dũng (phải). Ảnh: GĐCC
Tiếp quản thủ đô, giải phóng Sài Gòn
Sinh năm 1931 ở Đại Đồng (H.Thạch Thất, TP.Hà Nội), tháng 9.1945, khi mới 14 tuổi, ông Khuất Duy Tiến đã tham gia Việt Minh và tháng 9.1950 nhập ngũ. Năm 1959, vợ chồng ông sinh con trai đầu Khuất Việt Dũng. Tháng 11.1967, đại úy Khuất Duy Tiến là Tham mưu trưởng Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320), vào Quảng Trị chiến đấu. Tháng 10.1969, đơn vị rút ra Hà Tĩnh, ông mới biết cha mình đã mất được mấy tháng.
Tháng 11.1970, thiếu tá Khuất Duy Tiến nhận quyết định làm Trung đoàn trưởng 64, chỉ huy đơn vị tham gia chiến dịch đường 9 - Nam Lào và đã có những quyết định táo bạo trong tổ chức lực lượng, làm thay đổi cục diện trận đánh, tiêu diệt Lữ đoàn dù 3 Việt NamCH ở điểm cao 456 (còn gọi là cứ điểm 31), phá tan tuyến phòng thủ phía tây bắc. Chiến thắng này là dấu chấm hết cho chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Tháng 4.1972, ông chỉ huy Trung đoàn 64 và lực lượng phối thuộc của Sư đoàn 320 kiên cường tấn công, tiêu diệt Tiểu đoàn 11 của Lữ đoàn dù 3 Việt NamCH, làm chủ điểm cao 1015 (Charlie), chọc thủng phòng tuyến sông Pô Cô, mở cửa tây mặt trận Tây nguyên.
Giữa tháng 4.1975, khi đang là Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn 3, ông được phong quân hàm thượng tá và nhận nhiệm vụ đốc chiến các đơn vị tiến công căn cứ Đồng Dù, đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của Việt NamCH ở hướng tây bắc, mở cửa vào Sài Gòn, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt NamCH, lúc 11 giờ 30 ngày 30.4.1975.
 
Trung tướng Khuất Việt Dũng, Chính ủy Tổng cục CNQP kiểm tra sản phẩm do Nhà máy Z-76 sản xuất, tháng 5.2018. Ảnh: TCCNQP
Mở cửa bắc Phnom Penh, chốt giữ Vị Xuyên
Tháng 7.1975, khi thượng tá Khuất Duy Tiến đang đóng quân ở miền Nam thì ngoài Hà Nội, con trai cả Khuất Việt Dũng trúng tuyển 3 trường đại học: Bách khoa, Tổng hợp và Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự). Vốn mấy lần xung phong đi bộ đội không được, nên anh Dũng chọn Kỹ thuật Quân sự và được học chuyên ngành tên lửa.
5 năm học viên Khuất Việt Dũng học hỏi, nghiên cứu các loại tên lửa phòng không, hải quân cho đến mặt đất thì người cha đã là Sư đoàn trưởng 320 biền biệt chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Ông kể: Tháng 2.1978, vừa được cử ra Hà Nội học được gần 3 tháng, ông đã phải quay vào Tây Ninh bảo vệ biên giới. Chiến dịch mùa khô cuối 1979, ông chỉ huy sư đoàn đánh xuyên từ huyện lỵ Memot (tỉnh Kampong Cham, Campuchia) theo đường 7 (Campuchia) tấn công sở chỉ huy mặt trận của Pol Pot ở Krong Suong (tỉnh Tboung Khmum) bằng lực lượng cơ giới hành tiến thọc sâu, trong 1 ngày đã diệt gọn mục tiêu.
Trong chiến dịch giải phóng Phnom Penh đầu tháng 1.1979, Sư đoàn 320 đã kiên cường vượt sông Mê Kông dưới mưa đạn, tấn công làm chủ TX.Kampong Cham, mở cửa cho Sư đoàn 10 tiến vào giải phóng Phnom Penh. 11 giờ 30 ngày 7.9.1979, khi nghe tin thủ đô Phnom Penh đã được giải phóng, sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến đứng lặng bên dòng Mê Kông thấm máu bộ đội. “Hơn 2 năm đánh Pol Pot, hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn 320 mãi không về”, trung tướng Khuất Duy Tiến chấm nước mắt.
Năm 1980, thiếu úy Khuất Việt Dũng ra trường, về công tác tại Binh chủng Pháo binh và sau đó được cử sang Liên Xô học về tên lửa đạn đạo. Thời điểm này, Quân đoàn 3 đã rút ra Bắc làm lực lượng cơ động của Bộ và đại tá Khuất Duy Tiến làm Tham mưu trưởng Quân đoàn, tháng 12.1983 được bổ nhiệm Tư lệnh.
Từ đầu năm 1985, khi Sư đoàn 31 của Quân đoàn 3 được tăng cường cho mặt trận Hà Giang, thiếu tướng Khuất Duy Tiến đã lên Vị Xuyên, đến từng căn hầm, đoạn hào với bộ đội. Từ thực tế chiến trường, ông chỉ đạo làm đường chui, cải tạo các hang đá, hốc núi thành kho trạm, hầm trú ẩn và xây dựng hầm bê tông trên các điểm tựa. Nhờ hệ thống phòng ngự vững chắc, Sư đoàn 31 đã đẩy lùi 5 đợt tiến công lớn của lính Trung Quốc, cho đến khi thay quân.
Tháng 3.1989, thiếu tướng Khuất Duy Tiến nhận quyết định Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng. Thời điểm này, anh cả Khuất Việt Dũng và chị Khuất Thu Hồng (nay là tiến sĩ tâm lý học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - ISDS) đã đi làm, ông bà chỉ phải nuôi con gái Khuất Thị Hải Oanh (nay là Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng - SCDI) đang học năm thứ 2 đại học và cậu út Khuất Việt Hùng (nay là Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) đang học lớp 10. Là tướng nhưng chỉ trông vào đồng lương rất eo hẹp, nên bà Vũ Thị Hồng Vân, vợ ông, vẫn phải nấu xôi bán sáng và các con hằng ngày đi xin nước vo gạo, cơm thừa, lấy cây chuối và rau nuôi lợn.
“Hồi mình đeo thiếu tá, cha đã lên trung tướng. Năm 2007, cha hoàn thành cương vị Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, nhận quyết định nghỉ hưu thì mình đã là Chủ nhiệm Kỹ thuật của Binh chủng Pháo binh, đeo hàm đại tá từ năm 2004”, tướng Khuất Việt Dũng nhớ lại và cười: “Cũng không ngờ là mình đeo hàm theo cha”.
“Tướng thế mới là tướng”
Nhắc đến tướng Khuất Việt Dũng, những cán bộ công nhân ở Binh chủng Pháo binh và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (TCCNQP) đều trầm trồ: “Tướng thế mới là tướng”.
Đầu những năm 1990, khi phong trào học vi tính mới nhen nhóm, anh Dũng đã tự đạp xe từ đơn vị sang ĐH Bách khoa theo học khóa 6 tháng, rồi 1 năm bằng tiền túi. Tinh thần ham học, khát khao làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại đã đưa anh trở thành một trong những chuyên gia hiếm hoi về điều khiển tên lửa và luôn bị các đơn vị gọi mỗi khi có sự cố. Với các chuyên gia Liên Xô và sau là Nga, làm việc với “ekspert Dũng” (ekspert: chuyên gia) là vô cùng thú vị bởi sự hiểu biết, sáng tạo và tính thực tế sát sao.
Năm 2004, đại tá Khuất Việt Dũng được TCCNQP xin về làm Cục trưởng Cục Quản lý công nghệ. Tháng 5.2008, ông được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm Tổng cục và tháng 9.2009 nhận quân hàm thiếu tướng.
Năm 2014 nhận đồng thời cả quân hàm trung tướng và chức vụ Chính ủy Tổng cục, thế nhưng tướng Khuất Việt Dũng toàn đi bộ từ nhà đến cơ quan. Mỗi khi đi công tác, ông yêu cầu xe công vụ đón trả cách xa cổng nhà. Khi mới làm Chính ủy TCCNQP, nhiều anh em lo: “Cả đời gắn bó với tên lửa - đạn pháo, sao làm nổi công tác chính trị?”. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, mọi người thở phào. Tôi hỏi, tướng Khuất Việt Dũng cười: “Mình không ngồi phòng đọc tài liệu mà phải sát sao, hiểu biết về lĩnh vực để đánh giá chính xác” và trầm giọng: “Với các nhà máy xí nghiệp của TCCNQP, ngoài nhiệm vụ quốc phòng, phải kinh doanh để nuôi người lao động”.
Đầu năm 2019, trung tướng Khuất Việt Dũng nghỉ hưu. Tháng 7.2019, ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Buổi chiều, ngày đầu tháng 12.2019, tôi ngồi với ông ở trụ sở 34 Lý Nam Đế (TP.Hà Nội) và hỏi: “2 trung tướng cựu chiến binh có khi nào chụp hình chung?”. Tướng Dũng lại cười: “Mình để quân phục ở cơ quan. Ở nhà, mình là con của ông tướng”.

Tấm hình trong bài viết này là khoảnh khắc hiếm hoi 2 cha con mặc quân phục. Hôm ấy, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đến chúc mừng trung tướng Khuất Duy Tiến được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (30.10.2013) và hôm ấy, nhiều người mới biết là nhà có 2 ông tướng...

Mai Thanh Hải (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm