Phóng sự - Ký sự

Sâm 'quốc bảo' Việt đi về đâu?

Nhà khoa học nói gì về sâm Lai Châu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sâm Lai Châu cũng được nhà nước coi là sâm "quốc bảo" như sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu sâm VN vẫn có những đánh giá khác nhau về phẩm chất, giá trị của sâm Lai Châu.

GS-TS Trần Công Luận - nguyên Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM, hiện là Hiệu trưởng Trường đại học Tây Đô:

GS-TS Trần Công Luận

GS-TS Trần Công Luận

Sâm VN (Panax vietnamensis) được hiểu là sâm Ngọc Linh trên trường quốc tế, do cây có vùng phân bố hẹp ở núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Tuy nhiên cho đến nay, đã phát hiện thêm hai thứ của sâm VN (Panax vietnamensis var. fuscidiscus ở Lai Châu, Panax vietnamensis var. langbianensis ở Lâm Đồng), và một loài sâm Puxailaileng ở Nghệ An cũng được cho là gần gũi với sâm VN. Trong đó sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidiscus) được xem là có thành phần hóa học tương tự như sâm VN do cũng có hợp chất majonosid M2 (MR2) mang tính trội như của sâm VN. Tuy nhiên, đã có những thông tin chưa thực chứng về sâm Lai Châu cũng có 52 hợp chất saponin và có tác dụng sinh học như sâm VN. Hiện nay trên Cơ sở dữ liệu Pumed chỉ có 3 bài báo công bố liên quan đến thành phần saponin trong sâm Lai Châu dựa trên kỹ thuật sắc ký hiệu năng cao so sánh với một số hợp chất saponin làm chất đối chứng. Vì vậy chưa thể nói trong phần thân rễ và rễ củ của sâm Lai Châu có 52 hợp chất saponin như của sâm VN. Đề tài "Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và trồng cây sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai)" của thạc sĩ Phạm Quang Tuyến chỉ mới phân lập và xác định được 6 hợp chất saponin chính có trong sâm Lai Châu là MR2, GRd, GRb1, GRe, GRg1, silpiosid E.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình - Khoa Sinh học, Trường đại học Đà Lạt:

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình

Ở góc độ nghiên cứu về gien, tôi cũng đã giải mấy bộ gien sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu. Về cơ bản, gien của hai loại sâm này tương đồng nhau, có quan hệ gần gũi. Gien tương đồng thì việc tổng hợp dược chất về cơ bản cũng tương đồng. Tuy nhiên, bảo sâm nào tốt hơn sâm nào thì phải có nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn. Ngay cả sâm Ngọc Linh nhưng đem đi trồng ở các vùng khác nhau thì hình thái đã khác, dược chất đã khác. Trong các nghiên cứu để so sánh, đánh giá sâm Lai Châu nhiều dược chất hay ít dược chất, hàm lượng dược chất như thế nào… thì phải xét đến mẫu thu thập và cách thực hiện các nghiên cứu. Nói tóm lại là cần phải nghiên cứu sâu rộng hơn nữa về sâm Lai Châu mới có thể có những đánh giá đúng các tiêu chí chất lượng, giá trị của loại sâm được coi là gần gũi với sâm Ngọc Linh này.

Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến - Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam:

Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến

Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến

Sâm Lai Châu đã được người dân bản địa tại các huyện vùng cao tỉnh Lai Châu sử dụng làm thuốc từ rất lâu với tên gọi tam thất đen, tam thất đỏ. Một số nghiên cứu đã mô tả hình thái, phân tích di truyền và xác định sâm Lai Châu cùng loài với sâm Ngọc Linh hay còn gọi là một thứ mới của sâm VN. Sâm Lai Châu có một số thành phần hóa học với hàm lượng saponin tương đương với sâm Ngọc Linh, có nhiều tiềm năng để phát triển gây trồng và chế biến thành hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy sâm Lai Châu có hàm lượng saponin tổng số lên tới 23,85%. Bước đầu nghiên cứu sâm Lai Châu đã phân lập được 6 loại saponin và một số hoạt chất chính mà sâm Ngọc Linh cũng có, đặc biệt hàm lượng Majonosid-R2 (MR2) cao tới 7,04 - 7,78% và chiếm tỷ lệ lớn trong các saponin đã phân lập. Tuy nhiên, sâm Lai Châu do mới được nghiên cứu nên việc phân lập thành phần các loại saponin chưa được đầy đủ, nghiên cứu các tác dụng dược lý, y học cần được đầu tư nghiên cứu nhiều hơn nữa để làm rõ được giá trị loại sâm này. Theo cá nhân tôi, đây là một loại sâm quý, được ví như "nàng công chúa ngủ trong rừng" chưa được đánh thức hết tiềm năng, giá trị. Trong thời gian tới với sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, đặc biệt là sự đầu tư của nhà nước theo Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển sâm VN thì sâm Lai Châu có cơ hội phát triển và trở thành loại dược liệu quý được nhiều người biết đến và sử dụng.

Tiến sĩ Lê Thị Hồng Vân - nhà nghiên cứu sâm VN, giảng viên Khoa Dược, Trường đại học Y Dược TP.HCM:

Tiến sĩ Lê Thị Hồng Vân

Tiến sĩ Lê Thị Hồng Vân

Sâm VN (còn được gọi là sâm Ngọc Linh) được phát hiện từ năm 1973 ở núi Ngọc Linh và chính thức được đặt tên khoa học là Panax vietnamensis (họ nhân sâm, Araliaceace). Đến năm 2002 - 2003, các nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc đã phát hiện thêm một thứ (variety) mới của sâm VN là Panax vietnamensis var. fuscidiscus (còn gọi là Yesanchi) và không lâu sau đó, loài này cũng được công bố phân bố tự nhiên ở vùng núi Lai Châu trên các tạp chí chuyên ngành. Do đó, thứ sâm VN này còn được gọi là sâm Lai Châu.

So với các loài sâm trên thế giới, các nghiên cứu về thành phần hoạt tính và tác dụng dược lý của sâm VN còn khá hạn chế. Cho tới nay, đã có hơn 70 hợp chất saponin (ginsenosid) đã được công bố từ các bộ phận khác nhau của sâm VN. Về hàm lượng saponin, có thể thấy rất nhiều nghiên cứu chứng minh sâm VN có hàm lượng saponin cao hơn rất nhiều so với các loài sâm khác.

Các nghiên cứu phân tích thành phần hóa học của sâm VN (thứ sâm Lai Châu và thứ sâm Ngọc Linh) đang được quan tâm nghiên cứu nhằm so sánh sự khác biệt cũng như cách phân biệt hai thứ sâm này. Các nghiên cứu ban đầu cũng cho thấy rằng, thứ sâm Lai Châu khá tương đồng về thành phần hóa học so với thứ sâm Ngọc Linh về số lượng thành phần và hàm lượng hoạt chất. Đồng thời, các nghiên cứu này cũng có thể tạo ra thông tin cần thiết để xác định và bảo tồn thứ sâm Lai Châu và thứ sâm Ngọc Linh, đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu này.

GS-TS Nguyễn Minh Đức - nhà nghiên cứu sâm VN, Chủ nhiệm Khoa Dược, Trường đại học Tôn Đức Thắng:

GS-TS Nguyễn Minh Đức

GS-TS Nguyễn Minh Đức

Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) thường được gọi chính danh là sâm VN ("Vietnamese ginseng" trong các công bố quốc tế), là một loài Panax mới, đặc hữu của VN được phát hiện tại vùng Ngọc Linh vào năm 1973. Đến nay, qua nhiều kết quả nghiên cứu có hệ thống về nhiều mặt thực vật, hóa học, dược lý, lâm sàng… Sâm Ngọc Linh đã được ghi nhận là một cây quý của thế giới, có thể so sánh với nhân sâm, một cây thuốc bổ hàng đầu của y học cổ truyền (sâm, nhung, quế, phụ).

Sâm Lai Châu được phát hiện đầu tiên năm 1993 tại Vân Nam (Trung Quốc) dưới tên gọi Yesanchi (dã tam thất), tên khoa học là Panax vietnamensis var. fiscidiscus, hiện đang được trồng nhiều tại Vân Nam và chủ yếu xuất qua VN với giá rẻ hơn sâm Ngọc Linh nhiều. Năm 2013, Phan Kế Long và cộng sự phát hiện cây sâm này mọc tự nhiên tại Lai Châu và gọi tên là sâm Lai Châu. Về mặt thực vật, do giống nhau đến loài, chỉ khác thứ (variety) dưới loài, nên sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu khá giống nhau về hình thái bên ngoài. Các nghiên cứu hóa học cũng cho thấy thành phần và hàm lượng saponin của sâm Lai Châu tương tự sâm Ngọc Linh. Tuy vậy, do sâm Lai Châu chưa được nghiên cứu nhiều, nhất là mặt tác dụng sinh học, dược lý nên chưa có cơ sở khoa học để so sánh giá trị trong y học của nó với sâm Ngọc Linh. Gần đây, sâm Lai Châu cũng được công nhận là loại sâm quý, xếp vào hàng "quốc bảo" VN. Do đó, cần phải đầu tư nghiên cứu sâu về sâm Lai Châu trên mọi mặt để khẳng định giá trị nhằm phát triển mạnh mẽ hơn cây sâm này. (còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm