Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nhà vệ sinh trong trường học: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Câu chuyện nhà vệ sinh trong trường học tưởng là nhỏ nhưng lại không hề nhỏ bởi nó tác động trực tiếp đến sức khỏe của học sinh. Việc các nhà vệ sinh trong trường học không đảm bảo yêu cầu lâu nay trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều lứa tuổi học trò. Đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc đến vấn đề đầu tư xây dựng bài bản và sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh trong trường học để tạo ra môi trường giáo dục sạch sẽ và thân thiện.

Qua khảo sát của chúng tôi ở một số trường học các cấp trên địa bàn TP. Pleiku và các địa phương lân cận thì nhà vệ sinh trong trường học cho học sinh là vấn đề đáng quan tâm. Theo phân tích của ông Nguyễn Chương-Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku (TP. Pleiku) thì nhà vệ sinh trong trường học là một nơi nhiều người ra vào, phục vụ hàng trăm em học sinh trong một thời điểm nhất định (giờ ra chơi) nên việc giữ vệ sinh tuyệt đối là điều không thể làm được vì nhiều yếu tố. Vì vậy, khi thiết kế xây dựng cũng nên tính đến chuyện cần một khu vực riêng biệt để xây dựng nhà vệ sinh.

 

Khu nhà vệ sinh của Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah). Ảnh: N.G
Khu nhà vệ sinh của Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah). Ảnh: N.G

Hệ thống nhà vệ sinh của Trường THPT Pleiku được gắn liền với các dãy phòng học để phục vụ nhu cầu của học sinh. Nhưng sau nhiều năm sử dụng đây lại trở thành nơi gây ô nhiễm môi trường đối với các em. “Mỗi năm, trường chúng tôi hút dọn hầm vệ sinh 2 lần nhưng vẫn bị đầy. Mỗi ngày, nhà trường thuê người lau dọn nhà vệ sinh 5-6 lần sau mỗi giờ ra chơi nhưng vẫn không thể loại bỏ được toàn bộ mùi hôi mà chỉ có thể hạn chế bớt. Kinh phí dọn dẹp nhà vệ sinh được tính chung vào tiền nước uống, giấy vệ sinh do phụ huynh đóng góp với mức 6 ngàn đồng/em. Ngoài ra, nhà trường không có thêm khoản kinh phí nào để tu bổ, sửa chữa nhà vệ sinh”-ông Nguyễn Chương nói.

Còn tại Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku), nhà vệ sinh dù được xây dựng riêng biệt nhưng qua hơn 10 năm sử dụng đã bị xuống cấp, bốc mùi khiến cho những phòng học gần kề không thể sử dụng vào những giờ cao điểm. “Từ nhiều năm nay, trường chúng tôi đã đưa mục đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh của học sinh vào dự án của nhà trường vì nó đã bị xuống cấp. Dù nhà trường đã có nhiều biện pháp để giữ gìn vệ sinh, như thuê dịch vụ nhà sạch lau dọn ngày 3 lần, trồng hoa và cây cảnh quanh khu vực nhà vệ sinh nhưng vẫn thường xuyên bị bốc mùi khó chịu”-ông Trần Tâm-Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Hồng Thái cho biết.

Tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa, khu nhà vệ sinh được xây dựng phục vụ nhu cầu của 150 học sinh nhưng đến năm học 2015-2016 số học sinh toàn trường tăng gấp đôi lên 300 em nên luôn bị quá tải. Mặc dù nhà trường đã rất có ý thức trong việc dọn vệ sinh nhưng đây là khu nhà “mất vệ sinh” nhất trong trường. “Quy mô học sinh tăng gấp đôi, nhà vệ sinh vẫn như cũ chưa được cải tạo, nâng cấp nên bị quá tải, gây ô nhiễm, ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập, giảng dạy của thầy và trò nhà trường”-thầy Ksor Ber-Hiệu trưởng than thở.

Bên cạnh đó, nhiều trường học ít quan tâm đến nhà vệ sinh nên tình trạng các em cố nín nhịn việc đi vệ sinh tại trường diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, lãnh đạo các trường học và các cấp cần có sự quan tâm đúng mức hơn đến vấn đề nhà vệ sinh trong nhà trường để có sự đầu tư đồng bộ và có nguồn kinh phí để duy trì việc nâng cấp, tu bổ. Ngoài sự sâu sát của lãnh đạo nhà trường trong việc trực tiếp quan tâm đến khâu vệ sinh, cần nâng cao ý thức của các em đối với việc giữ gìn vệ sinh chung.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm