Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nhà vệ sinh trong trường học cần quan tâm đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hệ thống nhà vệ sinh trong nhiều trường học xây dựng không đúng quy chuẩn, không được dọn rửa thường xuyên đã và đang trở thành nỗi ám ảnh của các em học sinh.

Hơn 50% nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn

Năm học 2017-2018, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra công tác y tế, vệ sinh tại 26 đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Kết quả kiểm tra cho thấy, có tới hơn 50% công trình nhà vệ sinh dành cho học sinh bị đánh giá là không đạt tiêu chuẩn, xuống cấp trầm trọng, không sạch sẽ...

 

Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An rửa tay sau khi đi vệ sinh. Ảnh: B.L

Ông Võ Gia Bắc-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trưởng đoàn kiểm tra công tác y tế, vệ sinh trường học năm học 2017-2018, cho biết: “So với những năm trước, hệ thống nhà vệ sinh dành cho học sinh trong các trường học đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chúng tôi ghi nhận tại các trường chủ yếu là do xây dựng không đúng chuẩn, chất lượng công trình kém nên nhanh xuống cấp, ý thức giữ gìn vệ sinh chung của học sinh kém, đặc biệt là học sinh cấp THCS và THPT; nhiều thủ trưởng đơn vị chưa quan tâm đến nhà vệ sinh của học sinh nên không có sự kiểm tra, đôn đốc dọn rửa”.

Trường Tiểu học Chu Văn An là ngôi trường đạt chuẩn quốc gia nằm ngay trung tâm TP. Pleiku nhưng chỉ có 13 phòng vệ sinh để phục vụ hơn 1.200 học sinh. Sự quá tải này đã diễn ra trong suốt một thời gian dài. Vì vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đang nỗ lực để cải thiện, kể cả việc nhường khu vệ sinh của giáo viên cho học sinh sử dụng. Bà Nguyễn Thị Tỉnh-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, cho biết: “Nhà trường cũng đã thuê nhân viên thường xuyên dọn rửa nhà vệ sinh, lắp hệ thống quạt thông gió. Tuy vậy, do có ít phòng nên trong giờ ra chơi, nhà vệ sinh luôn bị quá tải. Hiện nay, quỹ đất của nhà trường đã hết nên giải pháp duy nhất là làm nhà vệ sinh tầng nhưng kinh phí lại quá lớn, ở cấp trường không thể thực hiện”.

Còn tại Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa), công trình nhà vệ sinh dành cho học sinh đã bị xuống cấp nghiêm trọng, quá tải khi chỉ có 8 bệ cầu cho hơn 1.000 học sinh và không có hệ thống rửa tay... Nhìn thấy những khó khăn này nhưng Ban Giám hiệu nhà trường vẫn bất lực vì không có kinh phí sửa chữa, xây dựng bổ sung. Thầy Trần Văn Thế-Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, nói: “Nhà trường cũng đã thuê người dọn vệ sinh nhưng không thể đảm bảo được việc không bốc mùi. Nhiều em học sinh vẫn còn rất ngại sử dụng nhà vệ sinh ở trường”.

Không thể coi là chuyện nhỏ

Bên cạnh nhiều công trình vệ sinh bị xuống cấp, nhiều công trình khác lại rơi vào tình trạng có mà như không chỉ bởi thiếu sự quan tâm, sâu sát của Ban Giám hiệu nhà trường. Theo ông Võ Gia Bắc, sự thay đổi tích cực trong việc quản lý nhà vệ sinh cho học sinh phần lớn đến từ sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, đặc biệt là Hiệu trưởng. Thủ trưởng đơn vị nào coi nhà vệ sinh cho học sinh không phải là chuyện nhỏ thì đã quyết liệt, thường xuyên đi kiểm tra nên nhà vệ sinh sử dụng được, học sinh không e ngại khi có nhu cầu. Ngược lại, đơn vị nào thiếu sự quan tâm, thậm chí Ban Giám hiệu không có sự kiểm tra, đôn đốc dọn rửa thì nhà vệ sinh rơi vào tình trạng hôi hám trầm trọng.

Tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku), 2 khu vệ sinh dành cho học sinh được đánh giá là khá sạch sẽ. Em Lê Thị Mỹ Ngọc (lớp 11A1) nói: “Tất nhiên là không được như ở nhà nhưng nhà vệ sinh ở trường thế này là ổn rồi, không có mùi hôi, có giấy, có nước và có khu rửa tay”. Để giữ được nhà vệ sinh như vậy, Trường THPT Hoàng Hoa Thám phải trích một phần tiền vệ sinh, nước uống để thuê người dọn rửa; Ban Giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên đi kiểm tra, tuyên truyền để giáo dục học sinh biết giữ vệ sinh chung. Thầy Đặng Đình Chiến-Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Tuy có khu vệ sinh đã cũ nhưng nhà trường vẫn luôn cố gắng để giữ công trình trong tình trạng sử dụng được, không để xảy ra tình trạng học sinh nhịn đi vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe các em. Mong muốn của nhà trường là nhà vệ sinh dành cho học sinh luôn sạch sẽ nhưng khó khăn hàng đầu là không có kinh phí”.

Thực trạng nhiều nhà vệ sinh trường học xuống cấp, quá tải, không được quan tâm dọn rửa vì không có kinh phí cho thấy, dù nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh nhưng dường như lại đang bị xem là chuyện nhỏ. Điều này rõ ràng cần phải thay đổi để xây dựng môi trường học tập xanh-sạch-đẹp, góp phần bảo vệ sức khỏe học sinh.

Vấn đề nhà vệ sinh dành cho học sinh trong trường học vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2018. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một việc rất quan trọng, đồng thời yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm tra, nhanh chóng nâng cấp nhà vệ sinh trường học chưa đạt chuẩn, xuống cấp ở tất cả các cấp học ngay trong mùa hè 2018.

Bảo Lam

Có thể bạn quan tâm