(GLO)- Việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân góp ý dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp thể hiện sự mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy trí tuệ tập thể, tiếp nhận và phản hồi tâm huyết, nguyện vọng, sáng kiến gửi đến cấp ủy, đại hội và toàn Đảng. Tuy nhiên, như thường lệ, các thế lực thù địch, phản động cùng những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị luôn lợi dụng việc góp ý xây dựng văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp để đẩy mạnh các hoạt động xuyên tạc, kích động, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá công tác tổ chức đại hội một cách quyết liệt.
Nhận diện đối tượng, thủ đoạn chống phá
Có thể nhận diện 3 nhóm chống phá chủ yếu sau: Thứ nhất là nhóm đối lập về hệ tư tưởng, bao gồm chủ yếu những người theo khuynh hướng “thần tượng hóa”, “tuyệt đối hóa” hệ tư tưởng và các giá trị chính trị phương Tây, định kiến sâu sắc, không nhận thức được tính ưu việt của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, nổi bật là một số trí thức, văn nghệ sĩ có nhận thức chính trị lệch lạc, tâm lý bất mãn, chủ yếu do lợi ích, tham vọng cá nhân không được đáp ứng. Nhóm thứ 2 là các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị luôn nuôi dưỡng lòng hận thù mù quáng, tư tưởng chống cộng triệt để, được sự dung dưỡng của các tổ chức bên ngoài, hoạt động với mục tiêu thay đổi thể chế, lật đổ hệ thống chính trị Việt Nam, bất chấp hậu quả đối với đất nước, sự tồn vong của dân tộc. Nhóm thứ 3 là số ít cán bộ, đảng viên, thậm chí nguyên là cán bộ cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vượt ra ngoài khuôn khổ kỷ cương của tổ chức Đảng, bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tán dương, ảo tưởng về vai trò của bản thân, biến thành công cụ phục vụ cho mưu đồ chính trị của chúng.
Về nội dung, việc chống phá tập trung phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng, là cơ sở hình thành nguyên tắc, phương pháp, nội dung xây dựng dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp. Xuyên tạc cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện được đề cập trong dự thảo văn kiện. Xoáy sâu vào các hạn chế, tồn tại chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn hoặc các vấn đề, sự kiện phức tạp, nhạy cảm, mới phát sinh, chưa có tiền lệ, gây dư luận trái chiều, hoang mang, dao động, chia rẽ nội bộ hoặc tạo tâm lý thờ ơ, ngại bày tỏ ý kiến trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Từ đó cho rằng, dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp không còn phù hợp với thời đại và thực tiễn đất nước hiện nay.
Ngày 9-8-2019, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử lưu động, tuyên phạt bị cáo Rah Lan Híp (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) 7 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Ảnh: HỮU TRƯỜNG |
Việc chống phá cũng tập trung vào xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng có liên quan đến nội dung dự thảo văn kiện nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, khơi mào cho các quan điểm chống đối, nhất là các vấn đề liên quan đến quốc phòng-an ninh, quan hệ đối ngoại… Từ đó đưa ra cái gọi là “mâu thuẫn không thể dung hòa” giữa vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng với lợi ích quốc gia, dân tộc. Thâm độc hơn, chúng bôi nhọ cá nhân các lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng, khiến cán bộ, đảng viên, nhân dân bị cuốn theo làn sóng thông tin tiêu cực về “mâu thuẫn, đấu đá nội bộ”, cho rằng “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” đã được “cài cắm” vào dự thảo văn kiện. Do đó, việc góp ý dự thảo văn kiện hoàn toàn không có tác dụng, lãng phí thì giờ của xã hội và nhân dân.
Bên cạnh đó, các đối tượng chống phá còn tập trung lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm của các cấp ủy Đảng để xuyên tạc bản chất của Đảng; chia rẽ nhân dân với Đảng, công kích mặt tiêu cực, phủ nhận tích cực và ý nghĩa, tầm quan trọng của những thành tựu đã đạt được như dự thảo văn kiện đề cập. Cùng với xuyên tạc bản chất của Đảng, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng luôn so sánh, ca ngợi hệ thống chính trị tư bản chủ nghĩa, đổ lỗi những hạn chế, tiêu cực, khó khăn của đất nước hiện nay là từ hệ thống chính trị, do Đảng cầm quyền, bóp nghẹt dân chủ, tự do… Dự thảo văn kiện đại hội Đảng phải thừa nhận đa nguyên tư tưởng, đa đảng chính trị, thực hiện nền kinh tế thị trường tự do và chủ nghĩa tự do cá nhân, biến phản biện xã hội thành không giới hạn, vô chính phủ.
Về hình thức, chúng lợi dụng góp ý văn kiện đại hội để chống phá thông qua “Thư ngỏ”, “Tâm thư”, “Tập hợp chữ ký kiến nghị”, thậm chí xây dựng “học thuyết mới”, “tác phẩm mới” về đường lối chính trị thông qua việc xuất bản, tán phát các tài liệu, ấn phẩm như: sách báo, tạp chí, tập san, tờ rơi… của các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong, đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trong và ngoài nước… Tham gia góp ý trực tiếp đối với dự thảo văn kiện nhưng với thái độ hằn học, không chịu tiếp thu, công kích những ý kiến trái chiều với mình. Đặc biệt là sử dụng hình thức trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài và thành lập các trang, tài khoản, nhóm mạng xã hội thu hút sự quan tâm của dư luận nhằm phát tán các thông tin, bài viết, bình luận thể hiện quan điểm chống đối.
Đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá
Nhằm kịp thời đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng việc tổ chức lấy ý kiến xây dựng dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp để chống phá, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cùng với mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần nhận thức rõ những nội dung sau:
Chính quyền và lực lượng Công an huyện Chư Prông đưa các đối tượng có âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ra kiểm điểm trước dân. Ảnh: Hữu Trường |
Một là, xác định rõ ý nghĩa, trách nhiệm trong tham gia góp ý dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp. Theo đó, ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân góp phần xác định chính xác hơn, rõ ràng hơn các vấn đề cơ bản, làm phong phú, chặt chẽ hơn những nhận định, đánh giá sát với tình hình thực tế; đóng góp những ý tưởng, cách nghĩ, cách làm mới để hoàn thiện các nội dung, giải pháp phát triển cho từng lĩnh vực nêu ra trong dự thảo văn kiện; phản biện để thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, hạn chế cần được khắc phục, hoàn thiện dự thảo văn kiện. Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân; giúp các cấp ủy nắm được tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Việc tham gia nghiên cứu, thảo luận các dự thảo văn kiện để đóng góp ý kiến đồng thời cũng là quá trình cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập, nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản của nghị quyết đại hội trước khi được ban hành chính thức.
Do đó, cần tiến hành lấy ý kiến xây dựng đối với dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp theo tinh thần lắng nghe, trân trọng các ý kiến, tiếp thu tối đa nhưng không dễ dãi và bảo vệ cho được ý kiến đúng. Tuyệt đối không để các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lợi dụng công việc ý nghĩa này để thực hiện mưu đồ xấu, gây chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá công tác tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp.
Hai là, quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung, dân chủ trong góp ý dự thảo văn kiện, giữ vững niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhận thức đúng đắn, ủng hộ và tham gia triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được đề ra trong đại hội Đảng bộ các cấp. Nhân dân là cơ sở chính trị của Đảng, niềm tin của nhân dân mang lại quyền lực cho Đảng. Đảng chỉ có một mục tiêu duy nhất là bảo vệ độc lập, thống nhất của đất nước, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân. Điều đó không chỉ thể hiện trong nội dung dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp mà còn là thực tế sinh động của đời sống chính trị-xã hội đất nước trong suốt thời gian qua.
Cần nhận thức rõ “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”. Nhưng thực tế cũng chứng minh, không thể có dân chủ đúng nghĩa khi mà những ứng viên bầu cử sử dụng tiền bạc và truyền thông để bôi nhọ đối thủ, chia rẽ xã hội, thao túng nhận thức cử tri; không thể có dân chủ khi có sự can dự từ các thế lực bên ngoài bằng đảo chính, lật đổ, bất chấp luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia, dân tộc… Dân chủ là đặt con người vào mục tiêu cao nhất của sự phát triển; chấp nhận những bất lợi nhất định, không vì lợi ích trước mắt mà phó mặc cuộc sống của nhân dân; “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong bất cứ tình huống khó khăn nào của đất nước…
Ba là, trong điều kiện truyền thông xã hội, mạng internet phát triển như vũ bão hiện nay, nguồn thông tin vô cùng phức tạp, rất khó có thể kiểm soát chặt chẽ, không dễ nhận diện được đúng-sai, phải-trái. Do đó, cán bộ, nhân dân cần tiếp cận thông tin trên cơ sở suy xét, cân nhắc kỹ càng và phản ứng thận trọng, tránh bị nhiễu loạn. Các cơ quan báo chí, các lực lượng làm nhiệm vụ tuyên truyền phải cập nhật thông tin; phản bác mạnh mẽ các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc. Kết nối, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia mặt trận truyền thông, nhất là trên không gian mạng. Mỗi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể thực hiện đúng nguyên tắc như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cái gì có lợi cho dân, ta cố hết sức làm, cái gì có hại cho dân, ta hết sức tránh”, lấy lợi ích của nhân dân làm cơ sở để xây dựng, tiếp thu và bảo vệ đường lối, quan điểm, nhiệm vụ… của dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ.
LÊ PHAN LƯƠNG
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy