Thời sự - Bình luận

Nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2022), trên khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng sôi nổi các hoạt động của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sẻ chia kinh nghiệm xây dựng cuộc sống, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, cộng đồng dân cư đoàn kết. Qua đó, nhân lên sức mạnh toàn dân, làm nguồn lực vững bền đảm bảo cho mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung trao phần quà của tỉnh cho cán bộ, Nhân dân làng Greo Sék. Ảnh: Anh Huy
Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung trao phần quà của tỉnh cho cán bộ, Nhân dân làng Greo Sék (xã Dun, huyện Chư Sê). Ảnh: Anh Huy

Gần 20 năm qua, kể từ khi ngày 18-11 được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chọn làm Ngày hội đại đoàn kết hàng năm, phong trào này ngày càng mở rộng và không ngừng được phát huy, phong phú và đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung hoạt động. Ngày hội là dịp để toàn dân quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất trong tư tưởng, hành động của các cấp, ngành, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó tăng cường sự đồng thuận xã hội, tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Đây cũng là dịp để MTTQ Việt Nam các cấp, nhất là cấp cơ sở và ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nhìn nhận, đánh giá lại quá trình phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh ở địa phương; đặc biệt là tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Cùng với tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc còn là dịp để bản sắc văn hóa được gìn giữ, phát huy, góp phần thúc đẩy các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng các gia đình điển hình có “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”… đạt hiệu quả thiết thực.

Những ngày này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và lãnh đạo địa phương đã tổ chức các đoàn công tác về dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, chung vui với người dân ở các khu dân cư. Từ thành thị đến nông thôn; từ miền xuôi lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo… đâu đâu bà con cũng phấn khởi, hồ hởi khi được tay trong tay, mừng vui trong ngày hội kết đoàn. Đặc biệt là khi có sự chung vui, chia sẻ, lắng nghe của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương về những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống của người dân ở địa phương.

Lịch sử đã chứng minh, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, là nguồn lực quan trọng và mạnh mẽ nhất để dân tộc ta đủ sức vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi về dự Ngày hội đại đoàn kết ở tỉnh Lai Châu mới đây: “Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là nguồn lực mạnh mẽ nhất”. Không chỉ đem lại giá trị tinh thần cho người dân, Ngày hội đại đoàn kết còn làm giàu ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở từng địa bàn dân cư.

Xã hội càng phát triển, đất nước càng đổi mới, càng cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, động viên toàn dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ biên giới quốc gia; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, để giá trị của tinh thần đoàn kết ngày càng được nhân lên, thành nguồn sức mạnh nội sinh không chỉ để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mà còn góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa, đạo lý tốt đẹp của gia đình, dòng họ; động viên con cháu chăm ngoan, học giỏi… xây dựng đất nước ngày một mạnh giàu; quê hương ngày một ấm no, hạnh phúc, nghĩa tình.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm