Nhan nhản nước đóng chai, đóng bình!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiện dụng, nhanh chóng, giá cả hợp lý là những yếu tố thuận lợi để người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm nước đóng chai, đóng bình. Thị trường cũng từ đó mọc lên rất nhiều cơ sở với vô số tên gọi khác nhau…

Thời gian qua, số lượng cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình trên địa bàn tỉnh tăng nhanh chóng, đến nay đã lên đến con số 49. Như vậy, cùng với một số sản phẩm được nhập về từ các nơi khác, hiện trên thị trường có khoảng gần 60 nhãn hiệu nước đóng chai, đóng bình đang lưu thông. Đa phần những cơ sở sản xuất nước đều đặt cho nhãn hàng của mình với cái tên gọi riêng, khác biệt như: Viti, Hoa Hồng, Biển Hồ, Tuyết Cứ, Orient, Phú Cường, Ayun… Song bên cạnh đó, cũng không ít cơ sở lấy tên na ná giống những thương hiệu lớn, rất dễ gây nhầm lẫn nếu không để ý như: Avie, Aquaco, Lavi...

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tế, khi có nhiều cơ sở sản xuất sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn về giá cả cũng như thị phần khách hàng thông qua mạng lưới đại lý. Để đến tay người tiêu dùng, những cơ sở sản xuất thông qua kênh phân phối chính là các cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ khắp hang cùng ngõ hẻm, quán cơm, quán cà phê, hoặc bán kèm ở bất cứ đâu miễn là người mua đặt cọc tiền vỏ khoảng 40.000 đồng/bình và lấy tối thiểu 10 bình một lần là được chở hàng giao tận nơi và tính giá sỉ. Ngay ở một tiệm tạp hóa nhỏ cũng đã có đến 5-7 loại nhãn hiệu nước đóng chai khác nhau và 2-3 loại nước đóng bình. Các cửa hàng lớn thì vô số, người bán không nhớ xuể tên, chỉ nhớ giá tiền!

Theo một cán bộ trong ngành Y tế, để có một dây chuyền sản xuất nước đóng chai, đóng bình, cơ sở phải bỏ ra 400-500 triệu đồng. Thế nhưng, qua tìm hiểu, một cơ sở nhỏ thừa nhận với công nghệ “vừa đủ xài” chỉ cần đầu tư chừng 150 triệu đồng là OK!

Chưa bàn chất lượng đảm bảo đến đâu, nhưng để tạo tâm lý cho người tiêu dùng yên tâm, hầu hết các cơ sở đều ghi trên nhãn mác là sản xuất theo công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ như là: nước được khai thác từ nguồn nước ngầm, qua trao đổi Ion, tinh lọc qua hệ thống thẩm thấu ngược R.O, thanh trùng bằng Ozone và tia cực tím (UV)...

Thế nhưng, khi được hỏi về những tiêu chuẩn này, đa số người tiêu dùng đều lắc đầu chưa từng đọc qua trên nhãn mác, thậm chí loại nước mình đang dùng tên gì cũng không hề quan tâm. Bạn Nguyễn Thị Trâm (một sinh viên đang thuê trọ gần Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) cho biết: 2-3 ngày phòng trọ (5 người) dùng hết 1 bình nước 20 lít mua từ cửa hàng tạp hóa gần đó. Cứ giá 12.000 đồng, thích loại nào cũng được, giao tận nơi trả thêm 2.000 đồng/bình. “Dùng nước bình thay cho nước đun sôi rất tiện, lại đỡ mất công. Tụi em ở trọ, tiền điện trả giá cao, nếu đun nước uống thì chết tiền”-Trâm phân trần.


Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh cho biết: Chi cục vừa tiến hành kiểm tra 46 cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình và nước đá trên địa bàn 17 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, phát hiện 19 cơ sở vi phạm, phạt tiền hơn 46 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm như dụng cụ, thiết bị, điều kiện sản xuất chưa đảm bảo, không mặc đồ bảo hộ lao động, không tập huấn kiến thức, không có giấy khám sức khỏe định kỳ… Trong 29 mẫu nước lấy đem đi xét nghiệm (2 chỉ tiêu về vi sinh vật E.coli và Coliforms), có 9 mẫu đạt tiêu chuẩn, còn 10 mẫu đang chờ kết quả.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm