Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nhân rộng bếp ăn an toàn thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thiết kế, bố trí bếp theo nguyên tắc một chiều, sử dụng nguồn thực phẩm an toàn, đầu tư trang-thiết bị như máy sấy chén, thang vận chuyển đồ ăn… là nét nổi bật của mô hình điểm bếp ăn an toàn thực phẩm được triển khai tại 12 trường Tiểu học, Mầm non trên địa bàn TP. Pleiku.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm khu vực chế biến thức ăn của Trường Mầm non Hoa Lan (TP. Pleiku) là sự sạch sẽ. Tại đây, mọi đồ dùng, dụng cụ đều được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Nhà trường chi trên 30 triệu đồng đầu tư cả máy sấy chén công nghiệp để sấy chén ăn cho các cháu. Nói về điều này, cô Nguyễn Thị Thu Hường-Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đầu năm học 2017-2018, nhà trường mới mua máy sấy chén với mong muốn tạo điều kiện vệ sinh tốt nhất cho các cháu. Chiếc máy này có công suất 200 chén/lần sấy, không chỉ có tác dụng tiệt trùng, đảm bảo an toàn vệ sinh chén ăn mà còn là tủ cất chén tiện lợi, tránh sự xâm nhập của côn trùng…”.

 

Thẩm định bếp ăn tập thể tại Trường Mầm non Tuổi Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: L.L

Mới được thành lập năm 2016 nên Trường Mầm non Tuổi Hồng (TP. Pleiku) có nhiều thuận lợi khi triển khai mô hình điểm bếp ăn tập thể an toàn thực phẩm.Với không gian thoáng rộng, bếp ăn của trường được bố trí tách biệt làm 2 khu chế biến thức ăn sống và chín để đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, để thuận lợi trong việc vận chuyển thức ăn, nhà trường đầu tư hệ thống thang máy vận chuyển thức ăn từ nhà bếp lên các lớp học. Theo xơ Nguyễn Thị Tâm- Hiệu trưởng nhà trường, Trường Mầm non Tuổi Hồng hiện có 360 cháu. Trường rất chú trọng đến việc  đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cháu. Nhà trường  đã tự trồng một số loại rau củ, đồng thời đặt mua của những hộ dân, cơ sở uy tín.

Đánh giá cao hiệu quả của mô hình điểm bếp ăn tập thể an toàn thực phẩm, bà Trần Thị Thanh Tân-chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku, cho rằng: Ngành Giáo dục và Đào tạo  thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra và đôn đốc các trường thực hiện việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mô hình được các trường hưởng ứng triển khai khá tốt. Những mô hình điểm sẽ được nhân rộng cho các trường bán trú trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Đang-Chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, trưởng đoàn thẩm định mô hình điểm bếp ăn tập thể an toàn thực phẩm trường học, cho biết: Mô hình điểm bếp ăn tập thể an toàn thực phẩm được triển khai từ đầu năm 2017 tại 12 trường Mầm non và Tiểu học bán trú trên địa bàn TP. Pleiku. Chi cục đã cử cán bộ đến tận nơi hướng dẫn các trường về thủ tục pháp lý, đầu tư trang-thiết bị phù hợp, cách tổ chức quy trình chế biến và lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định… Sau hơn 9 tháng triển khai, đến cuối tháng 10-2017, Chi cục mới tiến hành thẩm định.

 

12 trường đạt mô hình điểm bếp ăn tập thể an toàn thực phẩm ở TP. Pleiku, gồm: Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi; các Trường Mầm non: Tuổi Thần Tiên, Sao Mai, Hoa Hồng, Hoa Phong Lan, Tuổi Hồng, Trà My, Sóc Nâu, S0S, 20-2 và Hoa Lan.

Trong quá trình thẩm định, nhìn chung các trường đều đạt các tiêu chí của mô hình điểm như: điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện trang-thiết bị, dụng cụ; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, nguồn nước và điều kiện về con người. Chỉ một số ít trường chưa hoàn thành một vài tiêu chí nhỏ như: chưa có tủ đựng chén để phòng tránh côn trùng, chưa bố trí phòng thay đồ hợp lý… Đoàn đã nhắc nhở và hiện những trường này đã khắc phục. Đến nay, 12 trường trên đều  đạt mô hình điểm bếp ăn tập thể an toàn thực phẩm. “Dự kiến đến năm 2018, Chi cục tiếp tục chọn một số trường trên địa bàn các huyện để triển khai mô hình và phấn đấu đến năm 2020, mô hình điểm bếp ăn tập thể an toàn thực phẩm ở trường học sẽ được triển khai phủ khắp toàn tỉnh”-ông Đang cho biết thêm.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm