Nhân Tháng Hành động vì trẻ em 2011: Vượt lên nỗi đau…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mẹ đổ bệnh, ốm nặng sau hơn một năm thì qua đời để lại cho ba anh em Phạm Nam (SN 1992), Phạm Đông (SN 1995) và Phạm Thị Mỹ Dung (SN 1997), ở thôn 7, xã Ia Blang (huyện Chư Sê, Gia Lai) một căn nhà cấp 4 tuềnh toàng và một con heo nái. Không còn chỗ dựa khiến các em như chim lạc bầy. Song các em đang cố gắng vượt lên nỗi đau riêng để tiếp tục đến trường, với hy vọng kiến thức sẽ giúp các em đổi đời.
Phạm Đông kể: “Ngày bố mẹ chưa ly dị, gia đình em cũng đã thiếu trước hụt sau. Mẹ vất vả lo cuộc sống, học hành cho ba anh em, ngược lại bố làm được đồng nào cũng tặng hết cho “thần lưu linh”. Không những thế về nhà còn đánh đập mẹ nữa. Thương mẹ, chúng em chỉ biết cố gắng học giỏi để mong mẹ có thêm nghị lực vượt qua. Nhưng con giun xéo mãi cũng quằn, cách đây hơn 3 năm, mẹ đã quyết định ly dị với bố. Sau đó, mẹ dắt chúng em đi nơi khác sống. Mẹ mua được 4 mét đất, rồi vay mượn người thân dựng nên căn nhà cấp 4 ở thôn 7 này để sống qua ngày. Ngày ngày mẹ đi làm thuê, suốt ngày quần quật ít khi thấy mẹ nghỉ. Cuộc sống của bốn mẹ con đang yên bình thì mẹ ngã bệnh. Các bác sĩ nói mẹ bị viêm đa khớp. Hơn một năm sau vào trung tuần tháng 4-2011 mẹ đã ra đi mãi mãi, còn lại ba anh em sống bơ vơ  trong cõi đời”. Kể lại sự việc mà Phạm Đông không cầm được nước mắt.
Phạm Đông đang chăm sóc đàn heo-gia tài của mẹ để lại. Ảnh: Đinh Yến
Phạm Đông đang chăm sóc đàn heo- gia tài của mẹ để lại. Ảnh: Đinh Yến
Phạm Thị Mỹ Dung là em gái út trong nhà. Năm học 2010-2011, em học lớp 8 Trường THCS Chu Văn An, từ lớp 1 đến lớp 7 em đều đạt học sinh giỏi. Nhưng khi lên lớp 8, mẹ bị bệnh nặng nên em xin nhà trường cho nghỉ học để chăm sóc mẹ. Thấy hoàn cảnh khó khăn của em, thầy, cô và các bạn trong lớp đã giúp đỡ. Hàng ngày học xong các bạn lại mang vở đến nhà cho Dung mượn chép lại rồi tự học và Dung đã vượt qua các kỳ thi và đủ điều kiện tiếp tục đến trường.
Đôi mắt tròn ngấn lệ, Dung tâm sự: “Sau khi mẹ ra đi, cuộc sống của ba anh em như hụt hẫng. Ba anh em tiếp tục dựa vào nhau bước tiếp...”.
Trước lúc mẹ nhắm mắt, mẹ đã căn dặn: “Dù có khổ cực đến mấy các con cũng phải học đến nơi đến chốn”. Dung xem đó như là lời trăn trối của mẹ nên dù khó khăn, vất vả Dung và hai anh cũng nhất quyết không nghỉ học.
“Ngoài giờ học trên lớp, em dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, nuôi heo để anh Đông có thời gian đi học và làm thêm. Anh Nam yên tâm đến trường với nghề điện tử mà anh yêu thích. Anh đang ở Đà Nẵng vừa làm thêm vừa đi học.
Ông Hà Đình Thủy- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blang trăn trở: “Hiện Nhà nước đã cấp sổ hộ nghèo cho các em. Nhưng hoàn cảnh của các em rất thương tâm. Các em ngoan ngoãn và học giỏi, chỉ tiếc là xã còn nhiều khó khăn nên không thể giúp các em thêm về vật chất”.
Ông Trần Ngọc Hoàng- Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê cũng chia sẻ: Khi mẹ của các em qua đời, lãnh đạo xã, Phòng cũng đã có những hỗ trợ về vật chất. Bên cạnh đó, Phòng cũng xem xét chế độ chính sách nào phù hợp với quy định thì sẽ hỗ trợ các em. Chúng tôi chỉ biết kêu gọi qua chương trình truyền hình trực tiếp giao lưu quyên góp gây quỹ ủng hộ cho các cháu mồ côi nhân Tháng Hành động vì trẻ em của tỉnh sắp tới sẽ có những Mạnh Thường Quân quan tâm nhận đỡ đầu, để các cháu có thêm nghị lực bước tiếp trên đường đời.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm