Nhang Lớn-Làng Bahnar giàu nhất huyện vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nổi bật hẳn giữa xã vùng sâu vốn nghèo khó, những căn nhà sàn truyền thống xây dựng kiên cố, lợp tôn với giá vài trăm triệu đồng đua nhau mọc lên, chưa kể đó là những tiện nghi, máy móc phục vụ nông nghiệp được người dân mua sắm, phục vụ cho sản xuất. Chính vì vậy, làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning (Kông Chro) được xem là làng Bahnar giàu có nhất tại huyện vùng khó.

Chẳng biết từ bao giờ, làng Nhang Lớn (với gần 100 hộ, 525 nhân khẩu) vốn như bao ngôi làng khác tại huyện Kông Chro được gắn với biệt danh “huyện nghèo” đã dần thay da đổi thịt. Nhưng mọi người đều nhớ như in rằng chuyện này bắt đầu từ Đinh A Mênh-Bí thư Đảng ủy xã Đăk Kơ Ning, người tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật, học tập từ anh em người Kinh khi đưa cả máy móc, cơ giới về làng để sản xuất nông nghiệp.
 

Nông thôn tại làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning có nhiều khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Giác
Nông thôn tại làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning có nhiều khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Giác

Phần lớn các hộ dân nơi đây, trước kia chỉ biết trồng lúa rẫy phụ thuộc vào nước trời, xong mùa vụ lại bỏ hoang chẳng biết trồng gì. Bức xúc trước cảnh nghèo đeo đẳng, Đinh A Mênh bắt đầu “cơm đùm gạo bới”, kết hợp các cuộc họp, hội nghị hay tập huấn ở huyện ông đều tranh thủ để đi “học lỏm” cách làm ăn của người Kinh. Chuyện này cũng chẳng dễ, bởi tập quán sinh hoạt, sản xuất vốn khác nhau. Cái khó vẫn không đánh ngã được quyết tâm đánh thắng cái đói, cái nghèo của A Mênh. Ban đầu, A Mênh trồng cây mì theo kiểu người Kinh, làm cỏ, vun gốc để cho năng suất cao chứ không trồng xong phó mặc cho Yàng như trước. Mà quả thế thật, hiệu quả thấy rõ từ vụ đầu tiên càng khiến cho quyết tâm học tập cách làm ăn của Đinh A Mênh ngày càng mạnh mẽ. Tự lòng A Mênh vẫn nghĩ có lẽ con đường thoát đói nghèo cho gia đình mình, cùng họ hàng đã có lối.

A Mênh lại tiếp tục học trồng bắp, đậu, trồng bí, trồng dưa... sau mỗi vụ ông và gia đình đều cùng nhau trao đổi để tích lũy kinh nghiệm, dần dà năng suất năm sau cao hơn năm trước, theo đó thu nhập cũng ổn định dần. Riêng trong vụ trồng bí năm trước, A Mênh trồng 2 ha, do bán được giá 8.000 đồng/kg nên đã thu được 120 triệu đồng. Căn nhà sàn gỗ lớn là kết quả của sự thành công từ việc học tập cách trồng mới với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu sản xuất. Chưa tính tiền gỗ, tiền tôn lợp mái, tiền công thợ đã ngốn hết của Đinh A Mênh hơn 100 triệu đồng. Chưa hết, A Mênh còn sắm cho mình một chiếc máy cày lớn để cày đất cho mình và cho bà con trong làng.
 

Ngôi nhà sàn cách tân 2 tầng của Đinh A Mênh. Ảnh: Nguyễn Giác
Ngôi nhà sàn cách tân 2 tầng của Đinh A Mênh. Ảnh: Nguyễn Giác

Để công việc sản xuất của gia đình không ảnh hưởng đến việc làm, sau mỗi lần học được kinh nghiệm anh lại về truyền đạt cho vợ và các con cứ thế cả gia đình thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau khi đưa cây giống, phân bón vào đồng ruộng.

Học, mày mò và thành công bởi sức lao động, A Mênh lại về hướng dẫn cho người dân trong làng. Thấy A Mênh làm lụng cho thu nhập cao nên nhiều người cũng dần làm theo. Giờ đây, chỉ cần đến làng Nhang Lớn, người ta cứ ngỡ đang ở một làng trù phú nào đó chứ không nghĩ là ở một huyện nghèo bậc nhất của tỉnh. Hiện nay, người làng Nhang Lớn đã biết dùng máy cày để cày đấy, biết vun luống cho dưa hấu, biết làm cỏ cho cây mì, cây bắp… mà không chỉ có vậy, dân làng còn biết bón phân, sử dụng các chế phẩm nông nghiệp một cách thành thạo để tăng năng suất và đảm bảo các sản phẩm làm ra đều an toàn đến sức khỏe người tiêu dùng.
 

Vượt qua cái khó, nhiều gia đình lo cho con cháu đến trường. Ảnh: Nguyễn Giác
Vượt qua cái khó, nhiều gia đình lo cho con cháu đến trường. Ảnh: Nguyễn Giác

Không chỉ giúp cách làm ăn, A Mênh cùng nhiều gia đình có bò còn giúp vốn cho các gia đình còn nghèo khó để làm ăn bằng cách giúp bò giống. Cứ bò mẹ đẻ được 2 con thì mỗi người một con, giống thì trả lại. Nhờ đó, nhiều nhà đã tự có được bò, tự tạo cho mình được đàn bò. Hiện nay, nhiều gia đình ở làng Nhang Lớn đều có bò nuôi giúp nông dân thoát nghèo. Nhiều phải kể đến như Đinh Thiu đang có 15 con bò, nhà Đinh Klai có hơn 30 con bò, những người này đều có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ việc làm nông giỏi. Cũng như Đinh A Mênh, Thiu, Klai, Đinh Teo đều đã làm được những căn nhà gỗ hàng trăm triệu đồng…

Sự đổi thay của làng Nhang Lớn như cơn gió lành thổi qua huyện nghèo, thấm thía cái đói, cái nghèo những năm cũ, nhiều người đều biết ơn Đinh A Mênh, người đã giúp làng có được cuộc sống ấm no, đầy đủ hôm nay.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm